Thống nhất Danh mục ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư

Thống nhất Danh mục ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư
Bộ Kế hoạch và Đầu tư vừa hoàn thiện Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP ngày 12/11/2015 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Đầu tư, gửi Bộ Tư pháp lấy ý kiến thẩm định.

Đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa là một trong 4 ngành, nghề được đề xuất ưu đãi đầu tư

Nghị định mới sẽ sửa đổi, bổ sung các nội dung nhằm tháo gỡ vướng mắc trong quá trình thi hành Luật Hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV), bảo đảm tính thống nhất, minh bạch, khả thi và hiệu quả trong việc thực hiện các quy định về ngành, nghề ưu đãi, hỗ trợ đầu tư theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV, Luật Đầu tư, các luật về thuế, sử dụng đất đai và pháp luật có liên quan.

Để khắc phục bất cập, vướng mắc thuộc thẩm quyền của Chính phủ nhằm tháo gỡ khó khăn, bảo đảm thực hiện đầy đủ quyền tự do kinh doanh của người dân, DN, Dự thảo Nghị định (gồm 3 điều) sẽ bổ sung ngành, nghề ưu đãi đầu tư theo quy định của Luật Hỗ trợ DNNVV; bổ sung quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập dự án đầu tư.

Theo Bộ Kế hoạch và Đầu tư, điểm a Khoản 1 Điều 33 của Luật Hỗ trợ DNNVV quy định 4 ngành, nghề ưu đãi đầu tư gồm: đầu tư kinh doanh chuỗi phân phối sản phẩm của DNNVV; đầu tư kinh doanh cơ sở kỹ thuật hỗ trợ DNNVV; đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo doanh nghiệp nhỏ và vừa; đầu tư kinh doanh khu làm việc chung hỗ trợ DNNVV khởi nghiệp sáng tạo.

Tuy nhiên, hiện 4 ngành, nghề ưu đãi đầu tư mới được bổ sung nêu trên chưa được quy định cụ thể tại Danh mục ngành, nghề ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP. Trong khi đó, Danh mục này là một trong những căn cứ để áp dụng mức hoặc hình thức ưu đãi về thuế sử dụng đất phi nông nghiệp, tiền sử dụng đất, tiền thuê đất, thuế nhập khẩu và một số chính sách hỗ trợ đầu tư khác theo Nghị định số 57/2018/NĐ-CP ngày 17/4/2018 của Chính phủ về cơ chế, chính sách khuyến khích doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn. Điều này dẫn đến vướng mắc trong việc xác định căn cứ pháp lý để áp dụng các hình thức ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nêu trên.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội cho ý kiến tại Kỳ họp thứ 8, dự kiến thông qua tại Kỳ họp thứ 9 (tháng 6/2020). Sau khi Dự thảo Luật được thông qua, Danh mục ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư sẽ được cập nhật tại Nghị định quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) để thay thế Danh mục ngành, nghề và địa bàn ưu đãi đầu tư ban hành kèm theo Nghị định 118/2015/NĐ-CP.

Với tiến độ nêu trên, ít nhất đến nửa đầu năm 2021, các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đầu tư nêu trên, trong đó có chính sách miễn, giảm thuế sử dụng đất phi nông nghiệp đối với các dự án đầu tư kinh doanh cơ sở ươm tạo, cơ sở kỹ thuật, khu làm việc chung cho DNNVV khởi nghiệp sáng tạo và chuỗi phân phối sản phẩm cho DNNVV theo quy định tại Luật Hỗ trợ DNNVV mới có thể được áp dụng trong thực tế.

Do vậy, Dự thảo Nghị định nhằm cụ thể hóa quy định tại Điểm a Khoản 1 Điều 33 của Luật Hỗ trợ DNNVV là cần thiết để đảm bảo thi hành đồng bộ quy định của Luật Đầu tư và các luật có liên quan.

Đối với quy định về chia, tách, hợp nhất, sáp nhập dự án đầu tư, hiện Nghị định 118/2015/NĐ-CP chưa hướng dẫn cụ thể điều kiện, trình tự, thủ tục thực hiện cho các hoạt động nêu trên. Điều này đã tạo khoảng trống pháp lý, gây khó khăn cho công tác quản lý nhà nước cũng như hoạt động sản xuất, kinh doanh của doanh nghiệp.

Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) vừa được trình Quốc hội cho ý kiến đã quy định cụ thể quyền của nhà đầu tư trong việc điều chỉnh sáp nhập, hợp nhất, chia, tách dự án. Tuy nhiên, Dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi) hiện vẫn chưa được thông qua thì Chính phủ có thể căn cứ quy định tại Điều 5 Luật Đầu tư và Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 118/2015/NĐ-CP để quy định các biện pháp quản lý và hướng dẫn nhà đầu tư thực hiện trình tự, thủ tục để điều chỉnh sáp nhập, hợp nhất, chia, tách dự án.

Hải Bình

Tags: Ưu Đãi Đầu Tư Chia Tách Sát Nhập Dự Án Đầu Tư