Thủ tướng: 2019 đạt những con số 10 năm trước không tưởng tượng được

Thủ tướng: 2019 đạt những con số 10 năm trước không tưởng tượng được
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: Kinh tế Việt Nam 2019 đạt được những con số mà 10 năm trước chúng ta không thể tưởng tượng được.

Sáng nay (30/12), Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc chủ trì Hội nghị trực tuyến Chính phủ với các địa phương để nhìn lại những kết quả đã đạt được qua 1 năm công tác, đánh giá những kết quả đã đạt được, nguyên nhân của những tồn tại, hạn chế để qua đó đề ra những nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện thắng lợi những mục tiêu đề ra.

Hội nghị có chủ đề "Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”. (Ảnh: Chinhphu.vn)

2019 là năm đầy thử thách đối với Chính phủ để đạt kết quả cao hơn năm 2018, đạt mức tăng trưởng trên 7% trong bối cảnh thế giới rất phức tạp, xung đột thương mại Mỹ-Trung chưa có dấu hiệu hạ nhiệt.

Theo các số liệu mới nhất, 2019 có thể coi là năm “bứt phá”. Tăng trưởng kinh tế GDP của Việt Nam đạt 7,02%, vượt mục tiêu đề ra 6,8%, thuộc nhóm các nước tăng trưởng cao hàng đầu khu vực, thế giới. Lạm phát được kiểm soát ở mức thấp 2,79%, là mức tăng thấp nhất trong 3 năm qua.

Quy mô xuất nhập khẩu đạt 517 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay, xuất siêu trên 9,9 tỷ USD, đây là năm thứ tư liên tiếp xuất siêu. Vốn FDI thực hiện đạt trên 20 tỷ USD, cao nhất từ trước đến nay. Số doanh nghiệp thành lập mới cũng đạt mức kỷ lục, trên 138.000 doanh nghiệp. Khách du lịch quốc tế đạt trên 18 triệu lượt khách.

Ngưỡng thu nhập trung bình cao ngay trước mắt

Phát biểu tại Hội nghị, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nhấn mạnh: "Những thành quả kinh tế xã hội mà Việt Nam đạt được trong năm 2019 đã chứng minh rằng với ý chí nỗ lực tinh thần đoàn kết cùng với quyết tâm lớn chúng ta sẽ đạt được nhiều thành quả, trong đó có những mục tiêu tưởng chừng như rất khó đạt được".

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Hội nghị. (Ảnh: Chinhphu.vn)

Hiện tại, thu nhập bình quân đầu người Việt Nam đã đạt khoảng 2.800 USD/năm. Nếu tính thêm GDP khu vực kinh tế bị bỏ sót thì đã trên 3.000 USD/người/năm. Ông nhấn mạnh ngưỡng thu nhập trung bình cao trên thế giới theo chuẩn của Ngân hàng thế giới (WB) đang là 3.996 USD/người/năm.

"Ngưỡng thu nhập trung bình cao ngay trước mắt chúng ta. Các năm tới đòi hỏi tăng trưởng phải cao như những năm vừa qua. Năm nào cũng muốn nhắc lại câu nói của Tổng bí thư, Chủ tịch nước là: Không ngủ quên trên vòng nguyệt quế", Thủ tướng nói.

Không đánh đổi chất lượng tăng trưởng để lấy tốc độ tăng trưởng

Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ: Chính phủ không đánh đổi chất lượng tăng trưởng để lấy tốc độ tăng trưởng. Năm 2019, Việt Nam thuộc nhóm các nước tăng trưởng kinh tế cao, chất lượng được cải thiện rất rõ nét. Đóng góp của TFP năm 2019 đạt 46,11%. Tính chung cả giai đoạn 2016-2019 đạt 44,46%, cao hơn nhiều so với mức bình quân 33,58% của giai đoạn 2011-2015.

Tốc độ tăng năng suất lao động cũng cao hơn nhiều nước trong khu vực. Tăng trưởng tín dụng chỉ còn 12-13%, thấp hơn nhiều năm trước ở mức 18-20%. Chỉ số phát triển bền vững của Việt Nam tăng 3 bậc trong ASEAN. Chính phủ cũng không đánh đổi tăng trưởng cao với ô nhiễm môi trường, mà phải phát triển bền vững.

Kinh tế Việt Nam năm 2019 có bước phát triển vượt bậc.

Quy mô nền kinh tế năm 2018 đạt 250 tỷ USD, lớn gấp 9,3 lần so với thời kỳ bắt đầu đổi mới năm 1986. Nếu năm 2016 tăng trưởng 6,21% thì đến năm 2019 đạt 7,02%. Quy mô nền kinh tế năm 2019 đã đạt 266 tỷ USD.

"Quy mô GDP càng lớn thì mục tiêu tăng trưởng ngày càng khó khăn, nhưng không phải là không thể tăng trưởng", Thủ tướng khẳng định.

Năm 2019, Việt Nam duy trì được tăng trưởng nhanh, duy trì nền tảng kinh tế vĩ mô ổn định, lạm phát dưới 3%, cán cân ngân sách thặng dư, tỷ giá ổn định, nợ công giảm còn 56% GDP, thu ngân sách vượt 8% Quốc hội giao, thặng dư gần 10 tỷ USD xuất khẩu, dự trữ ngoại hối 18 tỷ USD.

"Những con số gần như 10 năm trước chúng ta không thể tưởng tượng được", người đứng đầu Chính phủ nói./.

Trần Ngọc
 

Tags: Hội Nghị Chính Phủ Với Các Địa Phương Thủ Tướng Nguyễn Xuân Phúc Gdp 2019 Quy Mô Kinh Tế Việt Nam Cpi 2019