Thủ tướng Campuchia bảo vệ quan điểm về vấn đề gạo. Ảnh: FoodNavigator-Asia.com
Trong bối cảnh giá gạo biến động, nông dân Campuchia đã kêu gọi chính phủ nước này cố định giá gạo để bảo đảm sinh kế của người trồng lúa. Hồi năm 2016, nông dân tỉnh Battambang – nơi được coi là vựa lúa của Campuchia – đã biểu tình và chất đầy các bao gạo trên quốc lộ 5 sau khi giá thóc giảm xuống còn khoảng 0,2 USD/kg.
Liên đoàn Lúa gạo Campuchia tuần trước cho biết thóc thơm hiện có giá khoảng 0,25 USD/kg, giảm 10% so với vụ trước.
Ông Hun Sen nói rằng Campuchia đang áp dụng cơ chế kinh tế thị trường và để cho tư nhân có quyền xác định giá hàng hóa. Chính vì vậy, Chính phủ Campuchia chỉ có thể kêu gọi tư nhân đưa ra giá thu mua hợp lý chứ không thể yêu cầu họ cố định giá gạo.
Chủ tịch Hội Liên hiệp Nông dân Campuchia Theng Savoeun cho rằng người nông dân chắc chắn mong muốn giá gạo được cố định ở mức hợp lý để họ có thể đảm bảo cuộc sống. Trong cơ chế thị trường, chính phủ không thể can thiệp vào giá gạo nhưng chính phủ cũng cần có chiến lược phù hợp để giúp người nông dân tránh bị thất thu và rơi vào cảnh nợ nần.
Theo ông Theng Savoeun, Chính phủ Campuchia nên xem xét cho nông dân vay với lãi suất thấp để họ xây nhà kho dự trữ gạo, đồng thời hỗ trợ kỹ thuật để giúp nông dân nâng cao chất lượng gạo và tìm kiếm đầu ra, thay vì phụ thuộc vào giá mua của tư thương như hiện nay.
Hiện Campuchia đã thu hoạch trên 2 triệu ha lúa trong tổng số 2,7 triệu ha canh tác năm 2019, với năng suất hơn 3 tấn thóc/ha. Campuchia dự kiến xuất khẩu 600.000 tấn gạo và hơn 2 triệu tấn thóc sang Việt Nam.
Trong một diễn biến liên quan, một ngày sau khi Bộ Nông, Lâm, Ngư nghiệp Campuchia công bố chiến lược phát triển nông nghiệp 5 năm giai đoạn 2019-2023, Thủ tướng Hun Sen kêu gọi các doanh nghiệp nước ngoài đầu tư vào lĩnh vực chế biến nông sản của Campuchia./.
Trang Nhung/TTXVN