Thương mại điện tử Việt Nam còn lại gì?

Thương mại điện tử Việt Nam còn lại gì?
Những cái tên còn sót lại trên thị trường thương mại điện tử Việt Nam đều được hỗ trợ bởi các nhà đầu tư ngoại - những ông lớn trong khu vực.

Các nhà đầu tư ngoại xâm nhập...

Năm 2019 thị trường thương mại điện tử Việt Nam chứng kiến sự ra đi của một loạt trang mua sắm trực tuyến như: Robins.vn (trước đó được biết đến nhiều với cái tên Zalora), Adayroi.vn và Lotte.vn. Trước đó, Thế giới di động cũng đã cắt đi vuivui.com, trang thương mại điện tử rất được lãnh đạo chuỗi này kỳ vọng.

Sau khi Adayroi.com, Lotte.vn, vuivui.vn bỏ cuộc chơi, các trang thương mại điện tử tổng hợp tại Việt Nam chỉ còn đúng 4 cái tên đáng chú ý nhất: Lazada.vn, Sendo.vn, Tiki.vn, Shopee.vn.
Cả 4 cái tên kể trên đều được hỗ trợ bởi những ông lớn trong khu vực, chủ yếu đến từ Trung Quốc, có kinh nghiệm trong việc phát triển thương mại điện tử và nguồn vốn khổng lồ.

Tháng 4/2016, Tập đoàn Alibaba nổi tiếng của Trung Quốc chi tới 1 tỷ USD để mua lại 51% cổ phần tại Lazada, vốn được coi là Amazon của Đông Nam Á. Đến tháng 6/2017, tập đoàn tiếp tục rót thêm 1 tỷ USD để nâng tỷ lệ sở hữu cổ phần lên 83% tại start-up được định giá 3,15 tỷ USD này.

Một đại gia thương mại điện tử lớn, là đối thủ cạnh tranh của Alibaba tại Trung Quốc là JD.com, cũng chính thức vào thị trường Việt Nam cuối năm 2017, khi rót vốn vào trang thương mại điện tử Tiki của Việt Nam. JD.com đã ký thỏa thuận đồng ý cùng các nhà đầu tư khác rót tiền vào Tiki, trở thành một trong các nhà đầu tư lớn nhất tại Tiki.

Một doanh nghiệp nữa có vốn gián tiếp từ Trung Quốc nữa là Shopee. Shopee là công ty con của SEA. Tháng 10/2017, SEA, trụ sở chính tại Singapore, trở thành công ty công nghệ đầu tiên trong khu vực Đông Nam Á chào bán cổ phiếu trên NYSE, thương vụ IPO thu về 884 triệu USD. SEA có cổ đông lớn là Tencent, ông trùm công nghệ của Trung Quốc.

 Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện tồn tại một vài cái tên mà đứng sau đó đều có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư nước ngoài
Thị trường thương mại điện tử Việt Nam hiện tồn tại một vài cái tên mà đứng sau đó đều có sự hỗ trợ của các nhà đầu tư nước ngoài

Trong khi đó, đối với Sendo, tính đến cuối năm 2019, trong 9 cổ đông nước ngoài nắm vốn của Sendo, Econtext Asia Ltd đến từ Trung Quốc là cổ đông lớn thứ hai, sau SBI E-Vietnam (Singapore).

Sự hiện diện của các ông lớn về công nghệ và thương mại điện tử của Trung Quốc trên thị trường Việt Nam thông qua M&A, đầu tư vốn từ lâu đã làm dấy lên những lo ngại về việc mất thị trường thương mại điện tử vào tay các ông lớn ngoại. Đặc biệt, với hình thức M&A, đầu tư vốn, các nhà đầu tư Trung Quốc đã nhanh chóng chen chân và củng cố vị thế tại Việt Nam mà không cần trải qua bước xây dựng thương hiệu.

Nỗi lo và niềm tin

Chuyên gia bán lẻ Vũ Vinh Phú, nguyên Phó Giám đốc Sở Thương mại Hà Nội, trong nhiều lần trao đổi đã cảnh báo thị trường thương mại điện tử Việt Nam đang bị nước ngoài chi phối giống như thương mại bán lẻ trực tiếp.

Các doanh nghiệp bán lẻ trực tiếp có sẵn mạng lưới, sẵn thương hiệu, tránh kiểm tra nhu cầu kinh tế của Nhà nước Việt Nam nên một năm họ có thể có mấy chục mạng lưới. Thương mại điện tử cũng diễn ra y hệt như vậy, cũng xâm nhập thị trường, xâm nhập cả sản xuất và phân phối..., có khác chăng chỉ là một cái click chuột.

Nỗi lo hàng Việt bị "bóp chết", theo ông Phú, là có cơ sở bởi khi các tập đoàn thương mại điện tử Trung Quốc đổ bộ sẽ kéo theo sự xâm nhập của nguồn hàng Trung Quốc giá rẻ, đồng thời sức cạnh tranh của hàng Việt cũng bị bào mòn.

"Ai đi đầu tư cũng muốn bán hàng của đất nước mình, cái chính là Việt Nam phải làm chủ được sân nhà. Thương mại điện tử Việt Nam phải làm tử tế để giữ khách hàng, giữ thị phần và phải gắn với việc sản xuất tử tế. Nếu không tạo được niềm tin cho khách hàng thì tự nhiên Việt Nam sẽ dâng thị phần cho nước ngoài", ông Vũ Vinh Phú nói.

Ở góc nhìn tích cực, PGS.TS Phạm Tất Thắng, nghiên cứu viên cao cấp Bộ Công thương cho rằng, trong kinh tế thị trường, việc doanh nghiệp trong nước, doanh nghiệp nước ngoài cạnh tranh với nhau, doanh nghiệp này đi lên, doanh nghiệp kia đi xuống hay đóng cửa... là chuyện hết sức bình thường. Bất kể doanh nghiệp trong nước hay doanh nghiệp nước ngoài, nếu làm ăn chân chính, vì lợi ích của người tiêu dùng, đảm bảo thực hiện theo đúng quy luật của thị trường thì đều được ủng hộ;.

Khẳng định thương mại điện tử là xu hướng phát triển tất yếu và ngày càng được mở rộng, PGS.TS Phạm Tất Thắng tin rằng: ai nắm được thương mại điện tử thì sẽ thống lĩnh được thị trường trong tương lai.

Vì lẽ đó, các doanh nghiệp trong nước và nước ngoài đều muốn xâm nhập vào lĩnh vực thương mại điện tử, song theo vị chuyên gia, tồn tại được trong lĩnh vực này không hề đơn giản bởi đây là lĩnh vực mới, đòi hỏi trình độ công nghệ và phải vượt qua được sự quản lý ngày càng chặt chẽ của quản lý nhà nước đối với thương mại điện tử.

PGS.TS Phạm Tất Thắng đánh giá, tại Việt Nam, điều kiện để phát triển thương mại điện tử là rất thuận lợi bởi sự phát triển nhanh của internet, sự phổ biến của smartphone và cả sự nhạy bén, bắt nhập nhanh của người dân, đặc biệt là giới trẻ đối với công nghệ thông tin trong tất cả các lĩnh vực.

Sức hấp dẫn của thị trường Việt Nam là không thể phủ nhận, nó tạo nên sự cạnh tranh giữa các doanh nghiệp.

"Vấn đề là trong thương mại điện tử ai tồn tại được thì công nghệ phải hiện đại; phải minh bạch; tuân thủ các quy định ngày càng chặt chẽ, khắt khe của quản lý nhà nước và quan trọng là phải chiếm được cảm tình, lòng tin của người tiêu dùng.

Không cần phải lo lắng Việt Nam mất thị trường thương mại điện tử, rằng thị trường thương mại điện tử sẽ lặp lại kịch bản của thị trường bán lẻ trực tiếp. Trước đây cũng có nhiều ý kiến từng lo lắng nhà đầu tư Thái Lan chiếm hết thị trường bán lẻ trực tiếp, nhưng cái đó có gì đáng lo khi nó là quy luật? Việt Nam mở cửa thì nhà đầu tư nước ngoại vào, nước ngoài mở cửa thì Việt Nam vào.

Chúng ta có nhiều doanh nghiệp đầu tư khắp nơi trên thế giới, mà Viettel là ví dụ điển hình. Vậy nên chuyện xâm nhập thị trường, chiếm lĩnh thị trường là quy luật của hội nhập kinh tế quốc tế, vấn đề là phải  tuân thủ những chuẩn mực quốc tế, thực hiện nghiêm túc những cam kết quốc tế", PGS.TS Phạm Tất Thắng nhận xét.

Nói chuyện thị trường thương mại điện tử, ông Thắng nhắc lại quan điểm với những thông tin diễn ra trên thị trường bán lẻ trực tiếp trước đây. Từng có thời gian dư luận rộ lên thông tin các nhà buôn Thái Lan chiếm hết các hệ thống siêu thị lớn ở Việt nam, đẩy hàng Việt ra khỏi siêu thị, đưa hàng Thái Lan vào...

Theo ông Thắng, đó là những thông tin không chính đáng bởi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam đầu tư, mua bán, sáp nhập... đều phải tuân thủ theo luật đầu tư của Việt Nam.

"Chúng ta không ngại gì chuyện đó. Còn một số mặt hàng Việt Nam bị từ chối ở một số siêu thị thì cần phải tỉnh táo xem xét những hàng hóa đó có đáp ứng được tiêu chí và quy chuẩn về chất lượng của siêu thị đã công bố hay không? Nếu những mặt hàng nào không đủ tiêu chuẩn thì đương nhiên họ đẩy ra, kể cả đó là hàng Việt Nam hay của bất kỳ quốc gia nào khác, đó cũng là cách để nhà đầu tư bảo vệ quyền lợi của người tiêu dùng.

Trong thương mại điện tử cũng vậy, doanh nghiệp nào giữ được uy tín, có được công nghệ hiện đại, có được chi phí thấp nhất trong hoạt động thương mại điện tử thì doanh nghiệp đó sẽ chiến thắng", vị chuyên gia nhấn mạnh.

Bên cạnh đó, PGS.TS Phạm Tất Thắng tin rằng, khi nhà đầu tư nước ngoài vào Việt Nam sẽ tạo nên sự kích thích, sức ép đối với doanh nghiệp trong nước. Chỉ khi nào sức ép ấy đủ lớn, doanh nghiệp Việt phải đứng trước sự lựa chọn tồn tại hay không tồn tại thì khi ấy mới có thể vươn lên. Đó là tác động tích cực của cạnh tranh quốc tế mà ông tin rằng rất cần thiết để doanh nghiệp Việt Nam tự thay đổi mình.

Thành Luân

Tags: Thương Mại Điện Tử Việt Nam Thâu Tóm Thị Trường Nhà Đầu Tư Nước Ngoài Tiki Shopee