Tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử

Tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh, xây dựng Chính phủ điện tử
Ngày 10-1, tại Hà Nội, Bộ Kế hoạch và đầu tư; Ngân hàng Thế giới và Tổ chức Tài chính quốc tế (IFC) đã phối hợp tổ chức Diễn đàn DN Việt Nam thường niên 2019 với chủ đề "Vai trò và đóng góp của cộng đồng DN FDI trong phát triển nhanh và bền vững".

Ảnh minh họa

Phát biểu khai mạc, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư Nguyễn Chí Dũng nhấn mạnh, năm 2019, với sự nỗ lực của cộng đồng DN và sự chỉ đạo, điều hành quyết liệt, kịp thời, hiệu quả của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, kinh tế Việt Nam tiếp tục đạt được những kết quả ấn tượng trên nhiều lĩnh vực quan trọng.

Trong đó, đầu tư nước ngoài tiếp tục là một điểm sáng. Lần đầu tiên, vốn giải ngân của các dự án FDI đạt 20,4 tỷ USD, lập kỷ lục cao nhất từ trước đến nay. Tổng vốn đăng ký đạt hơn 38 tỷ USD, cao nhất trong vòng 10 năm trở lại đây. Việt Nam hiện là điểm đến đầu tư chiến lược của nhiều Tập đoàn đa quốc gia và đang dần vươn lên nấc thang cao hơn trong chuỗi giá trị toàn cầu.

Diễn đàn DN thường niên 2019. ảnh: Thanh Hải

“Đây là tiền đề quan trọng để chúng ta vững tin bước vào năm 2020 - một năm có ý nghĩa đặc biệt quan trọng với nền kinh tế Việt Nam, chuẩn bị và tạo đà cho kế hoạch 5 năm 2021-2025 và Chiến lược 10 năm 2021-2030”, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng nói.

Trước ngưỡng cửa của thập niên mới, Bộ trưởng Nguyễn Chí Dũng cho rằng, để phát triển nhanh và bền vững, Việt Nam lựa chọn khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo làm xung lực tăng trưởng mới. Trong thời gian tới, Việt Nam sẽ chủ động thu hút, hợp tác đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu. Ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ tương lai, dự án xanh, quản trị hiện đại, hàm lượng giá trị gia tăng cao, có tác động lan toả, kết nối chuỗi sản xuất và cung ứng toàn cầu.

“Chính phủ sẽ ban hành chương trình hành động, thể chế hóa các định hướng chính sách quan trọng mà Bộ Chính trị đã đặt ra để đón được dòng vốn đầu tư có chất lượng hơn, tác động tích hơn hơn tới nền kinh tế. Cùng với những nỗ lực của Chính phủ, chúng tôi mong muốn luôn có sự đồng hành chủ động, tham gia tích cực từ phía cộng đồng DN”, Bộ trưởng Kế hoạch và đầu tư nói.

Đại diện Ban tổ chức, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và công nghiệp Việt Nam (VCCI), đồng Chủ tịch Liên minh Diễn đàn DN Việt Nam cũng khẳng định, trong nhiều năm liên tục, Chính phủ cùng các Bộ, ngành, địa phương đã có những hành động cụ thể để cải thiện điểm số, nâng xếp hạng của Việt Nam trong các chỉ số về môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh, đổi mới sáng tạo của quốc gia...

Trọng tâm của các nỗ lực đó là các Nghị quyết của Chính phủ về môi trường kinh doanh và phát triển DN, gồm các Nghị quyết 19 ban hành hàng năm từ năm 2014 đến năm 2018, Nghị quyết 02 năm 2019 (thay thế cho Nghị quyết 19) và Nghị quyết 35 năm 2016.

Tuy nhiên, theo Chủ tịch VCCI, môi trường kinh doanh vẫn còn nhiều bất cập cần cải cách để có thể đạt mục tiêu có 1 triệu DN đến năm 2020. “Nếu giữ nguyên tốc độ tăng DN như trong 3 năm qua thì đến hết năm 2020 cả nước sẽ có khoảng 984 nghìn DN. Do đó, để đạt được mục tiêu 1 triệu DN thì các biện pháp cải cách phải được duy trì và đẩy mạnh hơn nữa trong khoảng thời gian còn lại”, ông Lộc nói.

Cụ thể, Chủ tịch VCCI kiến nghị tiếp tục cải cách trong các lĩnh vực hậu đăng ký DN, lĩnh vực thuế, giấy phép xây dựng và giấy phép liên quan, quản lý đất đai và đăng ký bất động sản, cải cách tư pháp, giải quyết tranh chấp và phá sản, hạ tầng và tiếp cận điện năng, điều kiện đầu tư kinh doanh, xuất nhập khẩu hàng hóa và kiểm tra chuyên ngành, kiểm soát tham nhũng và giảm chi phí kinh doanh cho DN, dịch vụ công….

Trong đó, theo ông Vũ Tiến Lộc, việc lấy ý kiến các dự thảo văn bản pháp luật cần được thực hiện một cách thực chất và thường xuyên, không ban hành, thay đổi chính sách một cách đột ngột. Chủ tịch VCCI cũng đề nghị ưu tiên trong cải cách năm nay là xem xét sửa đổi theo quy trình một luật sửa nhiều luật, một Nghị định sửa nhiều Nghị định với 25 bất cập đã được VCCI rà soát, kiến nghị. Cụ thể, phải tiếp tục cắt giảm các điều kiện kinh doanh và thủ tục hành chính về kiểm tra liên ngành, thúc đẩy mạnh mẽ xây dựng Chính phủ điện tử, xã hội hóa dịch vụ công, chuyển giao dịch vụ công cho thị trường…

Phương Thảo

Tags: Điều Kiện Kinh Doanh Chính Phủ Điện Tử