Các nhà phân tích dự đoán bước sang năm 2020, chính quyền Tổng thống Trump có thể chuyển một số sự chú ý của mình ra khỏi Trung Quốc và hướng tới Liên minh châu Âu và Vương quốc Anh trong nỗ lực xác định lại mối quan hệ của Mỹ với cả hai đối tác thương mại trong thế giới hậu Brexit. Nhưng thương mại với Bắc Kinh và Tokyo sẽ vẫn được chú ý, khi Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer bắt tay vào các cuộc đàm phán giai đoạn hai với cả hai nước.
Các nước khác ở châu Á cũng có thể nhận được sự chú ý ngày càng tăng, nếu Tổng thống Trump nghiêm túc trong việc đàm phán các thỏa thuận thương mại song phương để thay thế Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) mà Mỹ đã rút khỏi vào năm 2017. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều câu hỏi về tầm nhìn của chính quyền Tổng thống Trump đối với mối quan hệ thương mại của Mỹ với phần còn lại của thế giới vào năm 2020 và hơn thế nữa, nếu ông Trump giành được chiến thắng cho nhiệm kỳ tổng thống thứ hai. Đây là những gì được dự báo trong 12 tháng tới:
Với Liên minh châu Âu: Hai tranh chấp đang diễn ra sẽ cho chính quyền Tổng thống Trump cơ hội áp thuế nhiều hơn vào đầu năm 2020. Một là liên quan đến Tổ chức Thương mại thế giới (WTO) trong cuộc đấu tranh lâu dài về sự hỗ trợ của chính phủ châu Âu đối với hãng máy bay Airbus và khiếu nại của EU đối với sự hỗ trợ của Mỹ đối với Boeing. Khiếu nại của Mỹ đang diễn ra trước EU và Washington đã giành được quyền áp thuế 100% đối với hàng hóa trị giá 7,5 tỷ USD của châu Âu. USTR chỉ thực hiện một số quyền đó bằng cách áp thuế 10% đối với máy bay châu Âu và thuế 25% đối với một danh sách dài các loại phô mai, rượu vang và các sản phẩm khác.
Hiện nay, USTR đang lấy ý kiến đến hạn vào ngày 13/01 về đề xuất tăng các mức thuế đó lên 100% nhằm tăng áp lực lên châu Âu để giảm trợ cấp hoặc đạt được một thỏa thuận thương lượng. Tăng thuế có thể đến ngay sau khi thời gian tham vấn kết thúc. Trong một hành động riêng biệt, USTR đang đe dọa sẽ áp thuế đơn phương đối với 2,4 tỷ USD rượu vang, phomat và các hàng hóa khác của Pháp để trả đũa thuế dịch vụ kỹ thuật số mới của Pháp. Mỹ tin rằng thuế không công bằng nhắm vào các tập đoàn công nghệ của Mỹ, nhưng thay vì tranh kiện tại WTO, chính họ đã quyết định vấn đề này. Một lần nữa, các mức thuế có thể đến nhanh chóng sau khi giai đoạn tham vấn công khai kết thúc vào ngày 14/01. Nhưng Mỹ có thể sẽ bị EU trả đũa, làm tăng thêm căng thẳng trong quan hệ thương mại và có thể làm phức tạp các nỗ lực trong Tổ chức Hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) để đạt được thương lượng giải quyết về vấn đề thuế dịch vụ kỹ thuật số.
Ngay cả khi các cuộc đàm phán của OECD đang diễn ra, các chuyên gia thương mại tại Trung tâm nghiên cứu chiến lược và quốc tế cho biết, có rất ít lý do để nghĩ Tổng thống Trump sẽ bỏ qua cơ hội áp đặt thêm thuế quan đối với châu Âu khi có cơ hội. Một câu hỏi lớn hơn là liệu các cuộc đàm phán giải quyết hai tranh chấp có thể biến thành một cuộc đàm phán toàn diện về một hiệp định thương mại song phương, tương tự như Hiệp định Đối tác thương mại và đầu tư xuyên Đại Tây Dương (TTIP) mà chính quyền Obama đã từng theo đuổi. Nhưng điều đó dường như không thể xảy ra trừ khi EU giảm sự chống cự về việc đưa cả nông nghiệp trong các cuộc đàm phán, trong khi Tổng thống Trump vẫn kiên quyết cho rằng nhập khẩu ô tô chiếm một phần lớn thâm hụt thương mại của Mỹ với EU. Bức tranh có thể rõ ràng hơn sau khi Cao ủy Thương mại EU Phil Hogan mới gặp Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer vào giữa tháng 01, với hy vọng tìm cách thiết lập lại mối quan hệ thương mại EU-Mỹ về các vấn đề như thuế quan đối với thép và nhôm và mối đe dọa về thuế quan của Mỹ để ứng phó với thuế kỹ thuật số ở châu Âu.
Với Vương quốc Anh: Cả Tổng thống Donald Trump và Thủ tướng Anh Boris Johnson đều mong muốn đạt được hiệp định thương mại tự do song phương sau khi Anh rời EU vào ngày 31/01, nhưng việc đi đến mục tiêu đó sẽ trở nên phức tạp hơn nhiều so với những gì hai bên nghĩ. Các chuyên gia cho rằng, hai bên có thể đạt được tiến bộ trong năm nay để hoàn thành một thỏa thuận, nhưng sẽ khó có thể kết thúc đàm phán cho đến khi London quyết định liệu họ có muốn liên kết chặt chẽ hơn với các tiêu chuẩn pháp lý của Mỹ hay EU trong các lĩnh vực từ nông nghiệp đến môi trường hay không. Đó sẽ là một quyết định khó khăn đối với Anh, vì EU vẫn sẽ là đối tác thương mại lớn nhất của họ sau khi rời EU, và London sẽ miễn cưỡng gây nguy hiểm cho các mối quan hệ lâu dài trên lục địa bằng cách nghiêng về yêu cầu của Mỹ. Vương quốc Anh sẽ đưa ra những quyết định đó trong thời gian thực, vì họ sẽ đàm phán mối quan hệ thương mại trong tương lai với EU đồng thời đàm phán FTA với Mỹ.
Với Trung Quốc: Tổng thống Trump tuyên bố sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn một với Trung Quốc vào ngày 15/01, tạo tiền đề cho Bắc Kinh mua thêm hàng hóa nông sản trị giá 200 tỷ USD bao gồm các sản phẩm được sản xuất, năng lượng và dịch vụ vào năm 2022. Trung Quốc cũng sẽ thực hiện nghĩa vụ mở thị trường dịch vụ tài chính, ngừng một số chuyển giao công nghệ bắt buộc, bảo vệ tốt hơn tài sản trí tuệ của Mỹ và không thao túng tiền tệ vì lợi thế thương mại không công bằng như một phần của thỏa thuận.
Nhưng các biện pháp bảo vệ sở hữu trí tuệ nghiêm ngặt hơn và các vấn đề cơ cấu khó khăn như trợ cấp lớn của Chính phủ Trung Quốc và các ưu đãi khác mà các doanh nghiệp nhà nước đang được hưởng, sẽ dành cho một cuộc đàm phán giai đoạn hai, và thậm chí có thể là thỏa thuận giai đoạn ba trong tương lai. Tổng thống Trump cũng cho biết sẽ tới Bắc Kinh trong năm nay để bắt đầu những cuộc đàm phán đó. Nhưng khả năng là Trung Quốc khó có thể đưa ra các cam kết lớn mới cho đến khi xem liệu Tổng thống Trump có được đắc cử nhiệm kỳ thứ hai vào tháng 11 hay không.
Với Nhật Bản: Quyết định của ông Trump rút Mỹ ra khỏi TPP cũng đã thổi bùng một thỏa thuận thương mại toàn diện mà chính quyền Obama đã đàm phán với Nhật Bản như một phần của hiệp định này. Chính quyền Tổng thống Trump đã hạn chế một số tổn thất vào năm ngoái bằng cách đàm phán một thỏa thuận nhỏ với Nhật Bản bao gồm nông nghiệp và thương mại kỹ thuật số có hiệu lực vào ngày 01/01, nhưng các nhóm doanh nghiệp vẫn muốn có một gói đàm phán lớn hơn. Viện Nghiên cứu chính sách xã hội châu Á cho biết, Mỹ và Nhật Bản đã cam kết bắt đầu các cuộc đàm phán về thỏa thuận lớn hơn này vào cuối tháng 4, và hiện đang tham vấn về những lĩnh vực và vấn đề nào có thể được đưa vào đàm phán. Nhưng cũng như với Trung Quốc, các cuộc đàm phán ở giai đoạn hai có thể sẽ diễn ra chậm chạp vì những vấn đề thách thức liên quan.
Cộng đồng doanh nghiệp Mỹ đánh giá thỏa thuận Mỹ - Nhật là một bước đi khiêm tốn và không phải là một thỏa thuận thương mại toàn diện. Họ hy vọng chính quyền Tổng thống Trump sẽ xem xét lại vị trí của mình trong Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương. WTO “khập khiễng” bước vào năm 2020 với một hệ thống giải quyết tranh chấp suy yếu sau khi chính quyền Tổng thống Trump làm tê liệt cơ quan phúc thẩm bằng cách ngăn chặn việc bổ nhiệm các thẩm phán mới. Trừ khi có tiến bộ về vấn đề đó tại Hội nghị Bộ trưởng WTO vào tháng 6 ở Kazakhstan, các rủi ro của WTO ngày càng khó lường.
Với WTO: Một hành động thuế quan của chính quyền Tổng thống Trump năm 2018 cũng đe dọa sẽ gây căng thẳng lớn cho hệ thống thương mại dựa trên các quy tắc. Các hội đồng giải quyết tranh chấp ở cấp thấp hơn có thể quyết định ngay trước cuộc bầu cử tháng 11, liệu chính quyền Tổng thống Trump có vi phạm các quy định của WTO hay không bằng cách áp thuế đối với nhập khẩu thép và nhôm dưới danh nghĩa an ninh quốc gia. Họ cũng có thể phán quyết liệu các đối tác thương mại như Trung Quốc và EU có hành động không đúng đắn khi đơn phương trả đũa đối với hàng xuất khẩu của Mỹ. Trở lại Washington, Quốc hội cũng có quyền bỏ phiếu cứ 5 năm một lần về việc có nên rút khỏi WTO hay không. Các nhà lập pháp đã không thực hiện lựa chọn đó từ năm 2005, nhưng phản ứng mạnh mẽ của Trump có thể thúc đẩy hành động đó trong năm nay hoặc ít nhất là kiểm tra giới hạn của việc Quốc hội sẵn sàng theo quan điểm phá vỡ thương mại của Tổng thống Trump.
Với châu Phi: Hai năm trước, USTR quan tâm đến việc đàm phán một thỏa thuận thương mại kiểu mẫu với một quốc gia ở châu Phi có thể được nhân rộng với những nước khác trên khắp lục địa. Kể từ đó, các quan chức chính quyền Tổng thống Trump đã nói về việc bắt đầu đàm phán với Kenya hoặc Ethiopia, nhưng vẫn còn phải xem liệu có bất kỳ nỗ lực nào sẽ được đưa ra hay không. Tuy nhiên, USTR đang chuyển sang các lợi ích thương mại tiềm năng cho Nam Phi theo cả chương trình Hệ thống ưu đãi thuế quan phổ cập (GSP) và Đạo luật cơ hội và tăng trưởng châu Phi. USTR sẽ tổ chức một buổi điều trần để xem xét vấn đề đó, cũng như các lợi ích thương mại cho Azerbaijan, Ecuador, Georgia, Indonesia, Kazakhstan, Thái Lan, Uzbekistan và Lào, vào ngày 30/01.
Với những phác thảo dự báo toàn cảnh bức tranh thương mại năm 2020 của chính quyền Trump, đó sẽ là một năm rất bận rộn.
Việt Dũng