Nga và Ukraine nên hòa thuận với nhau, Tổng thống Mỹ Donald Trump mới đây đã nói như vậy với các phóng viên bên ngoài Nhà Trắng. Hiện tại, Nga và Ukraine coi nhau như kẻ thù.
Khi được đề nghị bình luận về những phát biểu của Tổng thống Vladimir Putin cho rằng mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Ukraine khiến một số nước lo ngại bởi nó tạo ra một đối thủ mang tầm vóc toàn cầu đối với họ, Tổng thống Trump đã trả lời rằng: “Tôi muốn nhìn thấy họ hòa thuận với nhau. Nếu họ hợp tác với nhau theo đúng nghĩa là họ hòa thuận với nhau thì đó sẽ là điều rất tuyệt đối với thế giới”.
“Nếu Ukraine và Nga có thể đạt được thỏa thuận nào đó khi họ hòa thuận, điều đó sẽ là rất tốt”, Tổng thống Trump cho biết trước khi lên đường đến thăm Ấn Độ.
Tổng thống Nga Vladimir Putin trong cuộc trả lời phỏng vấn hãng tin Itar Tass về dự án “20 câu hỏi với Tổng thống Vladimir Putin" đã nói rằng, mối quan hệ hợp tác giữa Nga và Ukraine khiến nhiều nước khó chịu bởi nó tạo ra một đối thủ mang tầm vóc toàn cầu có thể thách thức họ.
"Bất kỳ sự hợp tác nào giữa Nga và Ukraine, cùng với năng lực và lợi thế cạnh tranh của hai nước, đều sẽ dẫn đến sự nổi lên của một đối thủ mang tầm vóc toàn cầu đối với Châu Âu và thế giới. Không ai muốn điều này. Đó là lý do tại sao họ sẽ làm bất kỳ điều gì có thể để chia rẽ chúng tôi”, ông Putin cho hay. Nhà lãnh đạo Nga từ chối không nói cụ thể những nước nào e ngại mối quan hệ gắn bó, thân thiết giữa Kiev và Moscow.
Hồi cuối tháng 9 năm ngoái, Tổng thống Trump từng phát biểu rằng, “đã có rất nhiều tiến bộ đạt được” trong mối quan hệ giữa Nga và Ukraine. Ông Trump cũng chúc mừng hai nước Nga và Ukraine về các hoạt động trao đổi tù nhân, bày tỏ hy vọng rằng hoạt động đó sẽ là bước tiến lớn đầu tiên trên con đường dẫn đến hòa bình.
Quan hệ giữa Nga và Ukraine hiện nay giống như những “kẻ thù không đội trời chung”. Cuộc đối đầu giữa hai bên xuất phát từ cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng bùng lên ở Ukraine hồi cuối năm 2013. Cuộc khủng hoảng này xuất phát ban đầu từ làn sóng biểu tình phản đối quyết định của Tổng thống Yanukovych hồi cuối năm 2013 trong việc dừng ký kết các thỏa thuận với Liên minh Châu Âu (EU) để ưu tiên cho mối quan hệ gắn bó hơn với Nga. Bước đi này đã làm dấy lên làn sóng biểu tình của hàng nghìn người ở thủ đô Kiev. Kết quả là ông Yanukovych bị lật đổ và Crimea được sáp nhập vào Nga. Cùng với đó, cuộc nổi dậy ở miền đông Ukraine bắt đầu bùng lên.
Chính quyền Kiev hiện nay đang theo đuổi một chính sách thân phương Tây và chống Nga mạnh mẽ. Trong suốt mấy năm qua, Kiev liên tục đổ lỗi, cáo buộc cho Nga đã gây ra cuộc khủng hoảng chính trị nghiêm trọng ở đất nước của họ cũng như kích động cuộc xung đột đẫm máu ở miền đông. Kiev tố cáo Moscow đưa quân và vũ khí vào hậu thuẫn cho lực lượng ly khai miền đông Ukraine. Đáp lại, Nga bác bỏ mọi lời cáo buộc như trên, đồng thời tố cáo ngược lại rằng Kiev hoàn toàn không muốn thúc đẩy tiến trình hòa bình ở nước này và chỉ muốn đối đầu với Nga.
Trong khi đó, Mỹ là một trong những đồng minh ủng hộ mạnh mẽ nhất cho Kiev kể từ khi xảy ra vụ Moscow sáp nhập bán đảo Crimea năm 2014 và sau đó là cuộc nội chiến bùng phát ở miền đông Ukraine (vùng Donbass) khiến hàng chục nghìn người thiệt mạng. Mỹ nhiều lần nhăm nhe cung cấp các vũ khí chết người cho Ukraine và Nga liên tục cảnh báo hành động của Mỹ sẽ gây bất ổn hơn nữa cho tình hình Ukraine thông qua việc kích động Kiev sử dụng vũ lực.
Trong cuộc khủng hoảng ở Ukraine, phương Tây do Mỹ dẫn đầu ủng hộ mạnh mẽ cho chính quyền Kiev trong khi Nga được cho là đứng về phía lực lượng ly khai miền đông Ukraine.