Hải quan TPHCM kiểm tra container gỗ vi phạm
Thủ đoạn tinh vi
Cách đây vài ngày, Công ty TNHH Thương mại Sài Gòn Á Châu (25 Phan Đình Phùng, Q.Phú Nhuận) bị cơ quan chức năng phát hiện gian lận thuế. Theo khai báo hàng hóa xuất khẩu là “ván lạng sản xuất từ gỗ cao su” có mức thuế suất thuế xuất khẩu 10%. Lô hàng được hệ thống phân luồng vàng (kiểm tra chi tiết hồ sơ và lô hàng được thông quan). Tuy nhiên, kết quả kiểm tra thực tế cho thấy, toàn bộ hàng hóa chứa trong 25 container là gỗ xẻ, có mức thuế suất thuế xuất khẩu là 25%. Theo ước tính trị giá lô hàng trên 11 tỷ đồng, số tiền doanh nghiệp (DN) trốn thuế gần 3 tỷ đồng.
Lợi dụng cơ chế quản lý rủi ro trong thông quan hàng hóa, đối tượng buôn lậu sử dụng phương thức “chọn luồng”. Nhiều trường hợp cố tình khai báo qua mặt hàng khác có thuế thấp, giá thấp để đưa về tiêu chí rủi ro phân luồng xanh, vàng, đỏ (tỷ lệ kiểm tra 5-10%); hoặc cố tình khai thuế rất cao nhưng trong đó có mặt hàng cấm, hàng giả, hàng nhập khẩu có điều kiện để qua mặt các cơ quan chức năng. Một “chiêu trò” khác nhằm gian lận thương mại là liên tục thành lập công ty mới, doanh nghiệp ảo, chiêu mộ “giám đốc thuê”.
Trường hợp Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Central Sky (H.Củ Chi) nhập khẩu trái phép 8 container máy móc, thiết bị ngành da giày đã qua sử dụng trị giá 2,5 tỷ đồng. Điều đáng nói là Nguyễn Thị Kim Cúc (sinh viên) được thuê làm giám đốc từ tháng 4 đến tháng 6/2019 với mức lương 1 triệu đồng/tháng, và là người đại diện pháp luật, trong khi đối tượng nước ngoài đứng sau điều hành công ty. Đối với các chứng từ nhập khẩu, Cúc được yêu cầu ký sẵn trên các tờ giấy trắng vào góc bên trái hoặc bên phải để công ty tự in nội dung. Dù Cúc chỉ làm giám đốc 2 tháng, nhưng đến tháng 10/2019, công ty này vẫn gửi công văn cho Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 do Cúc ký với chức danh giám đốc. Hiện Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Sài Gòn khu vực 1 đã ban hành quyết định khởi tố hình sự đối với Công ty TNHH Thương mại Quốc tế Central Sky.
Không ít DN lợi dụng chính sách hàng quá cảnh, khai báo tên hàng đại diện khi làm thủ tục hải quan, không khai những mặt hàng khác có trong lô hàng. Ban đầu, doanh nghiệp khai tên người nhận hàng tại Việt Nam, nhưng khi bị cơ quan chức năng phát hiện có nghi vấn hoặc phối hợp kiểm tra DN liền điều chỉnh manifest (hệ thống tiếp nhận bản khai hàng hóa, chứng từ có liên quan và thông quan đối với tàu nhập/xuất cảnh) với tên hàng, người nhận là phía nước ngoài và làm thủ tục hải quan theo loại hình hàng quá cảnh. Trong quá trình vận chuyển lô hàng quá cảnh, DN có thể rút hàng ra tiêu thụ tại Việt Nam.
Ai chịu trách nhiệm?
Mặc dù năm nào ngành chức năng cũng có kế hoạch tăng cường phòng, chống buôn lậu, gian lận thương mại, nhưng tình hình không hề giảm. Theo Ban Chỉ đạo quốc gia chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả TP.HCM (Ban 389 TP.HCM) thông tin, từ đầu 2019 đến nay, số vụ buôn lậu, gian lận thương mại tăng đột biến: Số vụ phát hiện, bắt giữ 46.763 vụ, tăng 73,1% so với năm 2018; số vụ vi phạm về hàng cấm, hàng nhập lậu 3.973 vụ tăng 49%; gian lận thương mại 41.648 vụ, tăng 77%; hàng giả 1.142 vụ, tăng 21%; số vụ vi phạm hành chính 46.648 vụ, tăng 78%; số đối tượng, vụ việc khởi tố tăng 80-90%; số tiền xử phạt hành chính trên 1.700 tỷ đồng, tăng 35% so với năm 2018.
Theo Ban 389 TP.HCM, nơi đây được xem là “mảnh đất màu mỡ” để các đối tượng buôn lậu, kinh doanh, hàng hóa, nhập lậu, hàng giả, hàng kém chất lượng vào làm nơi trung chuyển và tiêu thụ. Trong khi đó, việc xác định đối tượng vi phạm để quy trách nhiệm và xử lý, kể cả xử lý hình sự vẫn chưa đạt yêu cầu. Một phần chế tài chưa đủ mạnh, thủ phạm là người nước ngoài, doanh nghiệp có trụ sở chính ở nước ngoài điều hành từ xa, công tác kiểm tra, giám sát, hậu kiểm hàng hóa vẫn còn nhiều bất cập, các văn bản quy định pháp luật vẫn còn nhiều kẽ hở…
Tại buổi tập huấn mới đây của Cục Hải quan TP.HCM liên quan đến hành vi gian lận xuất xứ, xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ và chuyển tải bất hợp pháp, lãnh đạo Cục Hải quan TPHCM cảnh báo, hàng hóa từ các nước bị áp thuế suất cao sẽ tìm cách chuyển tải bất hợp pháp vào Việt Nam, giả mạo xuất xứ để xuất khẩu vào các thị trường để lẩn tránh biện pháp phòng vệ thương mại. Nếu bị nước nhập khẩu phát hiện và áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại, hành vi này sẽ gây ra những hậu quả khôn lường. Hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam sẽ bị các nước điều tra, áp thuế chống bán phá giá, thuế tự vệ, thuế trợ cấp...
Uyên Phương