Trên cơ sở đề nghị của Bộ TN-MT về các giải pháp bảo vệ, cải thiện chất lượng môi trường không khí, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng giao Bộ TN-MT chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành có liên quan và UBND các tỉnh thành rà soát, đánh giá kết quả thực thi pháp luật về bảo vệ môi trường không khí, nhất là ở các đô thị lớn; đề xuất giải pháp tổng thể bảo vệ môi trường không khí, báo cáo Thủ tướng Chính phủ trước ngày 15-1-2020.
Phó Thủ tướng giao Bộ GTVT chủ trì, đề xuất mức tiêu chuẩn khí thải đối với ô tô phù hợp với điều kiện kinh tế - xã hội từng thời kỳ; tiếp tục nghiên cứu xây dựng chính sách kiểm soát khí thải đối với xe mô tô, xe gắn máy tham gia giao thông tại các thành phố...
Bộ Công thương tăng cường chỉ đạo công tác quản lý sử dụng hiệu quả tài nguyên, bảo vệ môi trường trong hoạt động sản xuất công nghiệp và thương mại, đặc biệt trong công tác lập và phê duyệt quy hoạch; tăng cường kiểm soát đối với các dự án, nhà máy phát thải lớn, có nguy cơ gây ô nhiễm môi trường cao...
UBND TP Hà Nội, UBND TPHCM và các địa phương trong cả nước nghiên cứu, đánh giá toàn diện chất lượng môi trường không khí trên địa bàn; triển khai đồng bộ các giải pháp để hạn chế, giảm thiểu nguồn phát thải gây ô nhiễm môi trường không khí xung quanh...
Chiều 19-12, Bộ TN-MT chủ trì cuộc họp về các giải pháp cấp bách kiểm soát chất lượng môi trường không khí. Cuộc họp có sự tham dự của lãnh đạo Bộ TN-MT, Văn phòng Chính phủ, các bộ: Công thương, NN-PTNT, GTVT, Xây dựng, KH-CN, GD-ĐT, Tài chính, KH-ĐT, Nội vụ, TT-TT, Y tế và UBND cùng Sở TN-MT TP Hà Nội và TPHCM. Các phóng viên chỉ được mời dự phần đầu cuộc họp.
Liên tiếp nhiều ngày, chất lượng không khí ở Hà Nội ở ngưỡng nguy hiểm cho sức khỏe con người. Trong ngày 14-12, ứng dụng đo chỉ số chất lượng không khí Airvisual xếp Hà Nội là thành phố ô nhiễm nhất thế giới với chỉ số AQI lên tới 271.
Tại cuộc họp, Bộ trưởng Bộ TN-MT Trần Hồng Hà cho biết, chất lượng không khí ở 2 thành phố lớn, theo số liệu quan trắc chính thức của trung ương và địa phương bị ô nhiễm, có những thời điểm vượt ngưỡng, ảnh hưởng sức khỏe con người. Khí thải từ phương tiện giao thông là nguồn gây ô nhiễm không khí lớn nhất. Vấn đề nhiên liệu tới đây cũng phải đặt ra; cần phải xây dựng lộ trình phù hợp để hạn chế nguồn gây ô nhiễm. Quy chuẩn đối với nhiên liệu và phương tiện ở Việt Nam so với thế giới còn rất thấp.
Cùng ngày, TP Hà Nội cũng đã có cuộc họp về vấn đề này. Chủ tịch UBND TP Hà Nội Nguyễn Đức Chung đã yêu cầu Sở TN-MT chuẩn bị địa điểm lắp đặt 50 - 70 trạm quan trắc cố định và trên cao để quan trắc chất lượng không khí. Bắt đầu từ thứ bảy, chủ nhật tuần này, các quận huyện, thị xã sẽ phát động người dân tham gia tổng vệ sinh môi trường; bên cạnh đó tiếp tục phát động chương trình trồng cây xanh; tăng cường tuyên truyền, vận động người dân không đốt rơm rạ, nhất là đốt rác tại các làng nghề. Thành phố sẽ xây dựng, đề xuất HĐND TP ban hành nghị quyết về chế tài xử lý cá nhân, tổ chức gây ô nhiễm, có chế tài xử phạt cụ thể; ban hành định mức thu liên quan xả thải làng nghề, hộ kinh doanh gây ô nhiễm môi trường.
Phan Thảo - Anh Thư