"Tôi đã có cuộc thảo luận rất tốt với Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình về thoả thuận thương mại khổng lồ. Trung Quốc đã bắt đầu mua lượng lớn nông sản và hơn thế nữa.Việc ký kết chính thức đang được sắp xếp. Chúng tôi cũng bàn về Triều Tiên - vấn đề chúng tôi đang làm việc với Trung Quốc, và Hong Kong", Trump viết trên Twitter về cuộc điện đàm ngày 20/12.
Hãng thông tấn nhà nước Trung Quốc Xinhua cho biết ông Tập ca ngợi vai trò của thương mại trong việc "đóng góp đáng kể cho sự ổn định và phát triển quan hệ Mỹ - Trung và sự tiến bộ của nền kinh tế thế giới". Tuy nhiên, ông Tập nói với ông Trump rằng Trung Quốc quan ngại sâu sắc về "những lời nói và hành động tiêu cực" của Mỹ về các vấn đề liên quan đến Đài Loan, Hong Kong, Tân Cương và Tây Tạng.
"Những hành động này can thiệp vào công việc nội bộ của Trung Quốc, làm tổn hại lợi ích của Trung Quốc, làm suy yếu niềm tin lẫn nhau và sự hợp tác giữa hai bên", ông Tập nói, theo tóm tắt của Xinhua. Bắc Kinh hy vọng Washington sẽ "chú ý và nhìn nhận nghiêm túc mối lo ngại của Trung Quốc".
Bắc Kinh nổi giận khi Washington tháng trước thông qua luật Dân chủ và Nhân quyền Hong Kong, theo đó Ngoại trưởng Mỹ hàng năm có trách nhiệm chứng nhận Hong Kong duy trì quyền tự quyết để đặc khu có thể hưởng ưu đãi thương mại từ Mỹ, duy trì vai trò trung tâm tài chính của thế giới. Trump cũng thông qua luật cấm bán hơi cay, đạn cao su và các thiết bị khác được lực lượng cảnh sát Hong Kong sử dụng để đối phó người biểu tình.
Hạ viện Mỹ hôm 3/12 thông qua Dự luật Duy Ngô Nhĩ, yêu cầu Tổng thống Mỹ trong vòng 4 tháng từ khi ban hành luật đệ trình lên quốc hội danh sách quan chức Trung Quốc bị coi là chịu trách nhiệm hoặc đồng lõa với các vi phạm nhân quyền ở Tân Cương. Những quan chức này phải chịu các biện pháp trừng phạt theo Đạo luật Magnitsky, bị tịch thu tài sản tại Mỹ và bị cấm nhập cảnh vào Mỹ.
Từ đầu năm 2017, chính phủ Trung Quốc bị cáo buộc đưa khoảng một triệu người Duy Ngô Nhĩ và các thành viên dân tộc thiểu số Hồi giáo vào các trại tập trung, nơi họ bị giam và được giáo huấn chính trị. Bắc Kinh khẳng định các cơ sở là "trung tâm đào tạo nghề" và họ đang phản ứng hợp pháp với các mối đe dọa từ chủ nghĩa cực đoan tôn giáo.
Tuyên bố này không thuyết phục được các nước phương Tây, đặc biệt là Mỹ. Chính phủ Mỹ đã công bố loạt biện pháp trừng phạt đối với quan chức, các tổ chức chính phủ và các công ty tư nhân Trung Quốc "chịu trách nhiệm hoặc tạo điều kiện cho vi phạm nhân quyền ở Tân Cương".