Ngày 16/12, tại buổi họp báo của Văn phòng báo chí Quốc vụ viện, người phát ngôn Cục thống kê quốc gia Trung Quốc Phó Lăng Huy cho biết, số liệu kinh tế 11 tháng năm 2019 cho thấy nền kinh tế Trung Quốc đang phát triển ổn định, tuy nhiên, ông này cũng không khẳng định liệu nền kinh tế lớn thứ hai thế giới có đạt được mốc tăng trưởng 6% trong năm 2020 hay không.
Theo số liệu của Cục thống kê quốc gia Trung Quốc công bố, một loạt các chỉ số của nền kinh tế Trung Quốc 11 tháng năm 2019 đều cao hơn so với dự kiến, như sản lượng công nghiệp trong tháng 11 tăng 6,2% (tăng 1,5% so với tháng 10), trong đó ngành chế tạo kỹ thuật cao, ngành chế tạo trang thiết bị lần lượt tăng 8,9% và 8,5%, doanh số bán lẻ tháng 11 tăng 8% (tăng 0,8% so với tháng 10) – cho thấy mức độ tiêu dùng của người dân bắt đầu tăng trở lại.
11 tháng năm 2019, Trung Quốc cũng tạo ra 12,79 triệu việc làm (vượt mục tiêu 11 triệu của cả năm). Tổng kim ngạch thương mại xuất nhập khẩu tăng 2,4%, trong đó kim ngạch thương mại với hai đối tác hàng đầu là EU và ASEAN lần lượt tăng 7,7% và 12,7%. Đầu tư tài sản cố định tăng 5,2% (bằng mức tăng 10 tháng năm 2019).
Tuy nhiên trong tháng 11, chỉ số giá tiêu dùng CPI của Trung Quốc đã tăng mạnh 4,5%, (tăng 0,7% so với tháng 10 và là mức tăng cao nhất kể từ tháng 2/2012 đến nay). Giá thực phẩm tiếp tục tăng 19,1%, trong đó giá thịt gia súc tăng 74,5%, đặc biệt giá thịt lợn tăng 110,2%, ảnh hưởng lên CPI 2,64 điểm phần trăm.
Ngoài ra, chỉ số giá sản xuất (PPI) – thước đo lợi nhuận của doanh nghiệp tiếp tục giảm 1,4% (giảm 0,1% so với cùng kỳ). Đầu tư ngành chế tạo và đầu tư cơ sở hạ tầng chỉ tăng lần lượt 2,5% và 4% so với mức tăng đầu tư tài sản cố định là 5,2%.
Cũng tại buổi họp báo, xoay quanh chủ đề liệu nền kinh tế Trung Quốc có đảm bảo mốc tăng trưởng GDP 6% trong năm 2020 hay không, ông Phó Lăng Huy cho rằng, nếu căn cứ vào các yêu cầu và tiêu chuẩn của phát triển chất lượng cao, chỉ cần đảm bảo tỷ lệ tạo việc làm, vật giá ổn định, thu nhập người dân tăng, môi trường sinh thái được cải thiện thì tăng trưởng kinh tế cao hay thấp một chút đều có thể chấp nhận được.
Mặc dù vậy, đứng từ góc độ chuyên gia, ông Lý Tuyết Tùng – Phó Viện trưởng Viện nghiên cứu kinh tế công nghiệp thuộc Viện khoa học xã hội Trung Quốc cho rằng, trong bối cảnh kinh tế toàn cầu giảm tốc thì việc Trung Quốc đạt mục tiêu tăng trưởng GDP 6% trong năm 2020 là một nhiệm vụ không hề đơn giản.
Ông Lý Tuyết Tùng nói: “Để thực hiện được mục tiêu đề ra, một mặt cần tăng cường mức độ điều chỉnh nghịch chu kỳ, bảo đảm tính đàn hồi của nền kinh tế, tiếp tục đi sâu cải cách mở cửa và đổi mới, nâng cao động lực nội sinh của tăng trưởng kinh tế, ngoài ra cần giữ vững giới hạn đỏ không để xảy ra các rủi ro về mặt hệ thống”.
Trước đó theo Sách Xanh Kinh tế Trung Quốc (9/12) dự báo, kinh tế Trung Quốc sẽ tăng trưởng khoảng 6,1% trong năm 2019 và khoảng 6% trong năm 2020. Đây là dự báo được được đưa ra trên cơ sở tổng hợp các yếu tố bên trong và bên ngoài có thể tác động đến nền kinh tế nước này.
Mặc dù tại Trung Quốc có nhiều ý kiến về việc không nhất thiết phải duy trì mức tăng trưởng 6% đối với nền kinh tế trong năm 2020, song theo các chuyên gia đây là mức tăng tối thiểu để đảm bảo nền kinh tế Trung Quốc không bị sụt giảm một cách đột ngột, ảnh hưởng đến các vấn đề an sinh xã hội.
Ngoài ra, mức tăng trưởng 6% cũng được cho là mốc giúp nước này hoàn thành mục tiêu tăng gấp đôi tổng sản phẩm quốc nội (GDP) và thu nhập trong thập niên 2010-2020 mà Đảng Cộng sản Trung Quốc đã đề ra. Tuy nhiên, tất cả sẽ phải chờ đến kỳ họp Lưỡng hội tháng 3 sang năm khi mà Trung Quốc sẽ chính thức công bố các chỉ tiêu phát triển kinh tế xã hội trong năm 2020./.
Đinh Tuấn