Cục Chế biến và Phát triển Thị trường Nông sản, cho biết xuất khẩu gạo tháng 4 đạt 400.000 tấn với giá trị 185 triệu USD, đưa tổng khối lượng và giá trị xuất khẩu mặt hàng này 4 tháng đầu năm đạt lần lượt 1,92 triệu tấn và 886 triệu USD. So với cùng kỳ, con số này giảm 7,9% về khối lượng và 0,5% về giá trị.
Tính riêng trong tháng 3, xuất khẩu gạo sang thị trường lớn nhất là Philippines đạt 594,2 nghìn tấn tăng 8,2%, giá trị đạt 257,2 triệu USD, tăng 19,1% so với cùng kỳ 2019. Các thị trường khác có giá trị xuất khẩu gạo tăng đột biến là Trung Quốc tăng gấp 4,37 lần, Đài Loan tăng gấp 2,79 lần và Indonesia tăng 92,1%.
Cũng theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, trong 2 tháng đầu năm,Trung Quốc mua gạo Việt gấp 7 lần về sản lượng, 8 lần về giá trị so với cùng kỳ 2019 khi đạt hơn 66.222 tấn (tương đương 37 triệu USD). Giá gạo xuất khẩu bình quân 3 tháng đầu năm 2020 đạt 461,9 USD một tấn, tăng 6,3% so với cùng kỳ năm 2019.
Đặc biệt, giá gạo Trung Quốc nhập của Việt Nam bình quân đạt 12,7 triệu đồng/tấn, cao hơn giá Việt Nam bán cho các "bạn hàng" khác khoảng 2,7 triệu đồng/tấn. Giá gạo mà Trung Quốc nhập của Việt Nam tăng hơn 1,7 triệu đồng/tấn so với giá gạo bình quân nước này nhập của Việt Nam năm 2019.
Cũng 3 tháng qua Philippines đã nhập hơn nửa triệu tấn gạo của Việt Nam, giá bình quân chỉ 9,9 triệu đồng/tấn, thấp hơn so với mức Trung Quốc nhập của Việt Nam đến 2,8 triệu đồng/tấn.
Trong thị trường chung, giá gạo xuất của Việt Nam bình quân 3 tháng đầu năm hơn 10,7 triệu đồng/tấn. Việc Trung Quốc tăng mua gạo của Việt Nam trong mùa dịch COVID-19 nhằm đáp ứng nhu cầu thiếu hụt tiềm năng lương thực của nước này.
Nhờ tín hiệu tích cực của thị trường gạo xuất khẩu, giá lúa tại khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) nhìn chung có xu hướng tăng trong tháng 4, đặc biệt là các loại lúa thường. Tại một số địa phương, các thương nhân thu gom nhiều loại lúa thường để chế biến thành gạo trắng xuất khẩu và dự trữ. Do đó, đã khiến giá tăng lên mạnh, nhất là sau khi Chính phủ cho phép xuất khẩu gạo vào đầu tháng 4.
Cụ thể, giá lúa tại các tỉnh miền Tây tăng 200-500 đồng một kg lên 5.800-6.700 đồng một kg (tùy loại). Giá gạo tại các cửa hàng ở TP.HCM cũng tăng mỗi loại 2.000-3.000 đồng một kg.
Trên thị trường thế giới, giá gạo xuất khẩu Ấn Độ vào giữa tháng 4 đã tăng lên mức cao nhất 8 tháng, khi các thương nhân bắt đầu tiến hành ký kết hợp đồng mới sau gần ba tuần gián đoạn do lệnh phong tỏa bởi COVID-19.
Việt Nam chưa gom đủ gạo xuất khẩu
Theo thống kê mới nhất của Tổng cục Hải quan, đến cuối chiều ngày 1.5, có 39 doanh nghiệp (DN) mở được tờ khai đăng ký xuất khẩu gạo hạn ngạch 400.000 tấn tháng 4, mới chỉ gom được 279.186 tấn gạo xuất khẩu. Như vậy, số gạo thực xuất chỉ đạt 70% hạn ngạch 400.000 tấn.
Tại cuộc họp của Bộ Công Thương hôm 28.4, sản xuất năm 2020 ước đạt 43,5 triệu tấn thóc. Riêng vùng Đồng bằng Sông Cửu Long, vụ Đông Xuân tới nay về cơ bản đã thu hoạch xong 1,54 triệu ha gieo trồng, sản lượng ước đạt 10,8 triệu tấn thóc. Sau khi trừ đi nhu cầu tiêu dùng và dự trữ, lượng thóc còn dư có thể xuất khẩu trong năm nay là khoảng 13,54 triệu tấn, tương đương khoảng 6,5-6,7 triệu tấn gạo.
Cũng theo lãnh đạo Bộ Công Thương, đến cuối tháng 4, các yếu tố quan trọng nhất dẫn đến quyết định giãn tiến độ xuất khẩu gạo vào cuối tháng 3 đã có sự thay đổi đáng kể, theo hướng tốt lên. Căn cứ bối cảnh trong nước và ngoài nước, xét mục tiêu giãn tiến độ xuất khẩu gạo để bảo đảm an ninh lương thực quốc gia trong thời điểm khó khăn nhất đã đạt được, Bộ Công Thương và các bộ, ngành thống nhất kiến nghị Thủ tướng kể từ ngày 1.5, cho phép hoạt động xuất khẩu gạo được trở lại bình thường theo quy định tại Nghị định 107/2018/NĐ-CP ngày 15.8.2018 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo.
Thủ tướng cho rằng trong bối cảnh dịch bệnh, thiên tai, thời tiết bất thường, cần phải bảo đảm an ninh lương thực, không để đầu cơ, nâng giá, thiếu thốn lương thực. Bên cạnh đó, bảo đảm xuất khẩu lương thực để bảo đảm quyền lợi của người trồng lúa.