Ảnh: Lê Toàn.
Bức tranh TTCK Việt Nam đi ngược với diễn biến tích cực của nền kinh tế khi cùng ngày, Chính phủ họp phiên thường kỳ tháng 11, chia sẻ những thông số khả quan.
Chia sẻ tại phiên họp, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, 11 tháng đầu năm nay, kinh tế thế giới tiếp tục xu hướng tăng trưởng chậm lại và diễn biến phức tạp về thương mại, đầu tư, rủi ro tài chính, tiền tệ quốc tế gia tăng nhưng trong nước, các ngành, các cấp và cộng đồng doanh nghiệp đã nỗ lực vượt khó, nền kinh tế chúng ta tiếp tục xu hướng chuyển biến tích cực.
Theo đó, kinh tế vĩ mô tiếp tục ổn định, CPI tháng 11/2019 tăng 0,96%, nhưng bình quân 11 tháng chỉ tăng 2,57% so với bình quân cùng kỳ, đây là mức tăng thấp nhất trong 3 năm gần đây. Các ngành, lĩnh vực chủ yếu tiếp tục đà phát triển.
Tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng tháng 11 tăng trưởng 12,6%, là mức tăng cao nhất trong 6 năm trở lại đây.
Tháng 11, lượng khách quốc tế đến Việt Nam đạt trên 1,8 triệu lượt người, cao nhất từ trước đến nay, lũy kế 11 tháng đạt gần 16,3 triệu lượt người, tăng 15,4%.
Xuất khẩu đạt trên 241 tỷ USD, tăng 7,8%. Khu vực trong nước tăng 18,1%, cao hơn nhiều so với khu vực FDI là 3,8%. Xuất siêu 9,1 tỷ USD, là năm thứ tư liên tiếp nước ta xuất siêu…
Thủ tướng cho rằng, năm 2019, kim ngạch xuất nhập khẩu của Việt Nam sẽ cán đích 500 tỷ USD.
Thu hút đầu tư tiếp tục xu hướng tích cực. Cả nước có 126.700 doanh nghiệp đăng ký thành lập mới và có 36.900 doanh nghiệp quay trở lại hoạt động.
Vốn FDI thực hiện đạt 17,6 tỷ USD, tăng 6,8%. Ðiểm được Thủ tướng biểu dương đó là việc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đã quyết định tiếp tục hạ 0,5% lãi suất cho vay đối với các lĩnh vực ưu tiên (lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa bằng VND đối với các nhu cầu vốn phục vụ nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ, doanh nghiệp nhỏ và vừa, doanh nghiệp ứng dụng công nghệ cao giảm từ 6,5% xuống 6,0%/năm).
Chuẩn bị cho năm 2020, Thủ tướng cho rằng, phải tìm dư địa mới cho tăng trưởng và làm rõ hơn mô hình tăng trưởng.
Việc tìm dư địa mới cho tăng trưởng GDP đang đặt ra “nóng” trong bối cảnh một số đầu kéo cho tăng trưởng gần đây có tín hiệu suy yếu, các trục trặc dù đã được chỉ ra nhưng chậm được sửa chữa hiệu quả.
Tuy nhiên, đó là câu chuyện của năm 2020, còn năm 2019, bức tranh 11 tháng cho thấy, nền kinh tế có khả năng về đích với 12/12 chỉ tiêu kinh tế lớn của năm sẽ đạt được.
Trong khi nền kinh tế ghi nhận những thông số tích cực thì TTCK Việt Nam tiếp tục mất điểm trên sàn và mất điểm trong lòng nhà đầu tư.
Một thống kê được đưa ra bởi Công ty Chứng khoán VietinBank cho biết, chỉ khoảng 5% nhà đầu tư tại TTCK Việt Nam có lãi, 95% còn lại là thua lỗ, hoặc hòa vốn.
Gần 1 tháng qua, VN-Index giảm từ 1.025 điểm xuống dưới 960 điểm, mức giảm chung là hơn 6%, nhưng tài khoản của nhiều nhà đầu tư bị bào mòn gấp đôi, gấp ba. Hoạt động đầu tư kiếm lời ngắn hạn trên TTCK ngày càng khó khăn.
Sắc đỏ bao trùm sàn chứng khoán và VN-Index giảm cả 2 phiên đầu tháng 12 một lần nữa cho thấy, TTCK có diễn biến ngược quy luật trong bức tranh chung của nền kinh tế. Vậy nhà đầu tư nên làm gì trong hoàn cảnh này?
Các chuyên gia khuyên rằng, nhà đầu tư nên kiên nhẫn quan sát và chỉ giải ngân khi biết rõ doanh nghiệp định đầu tư có câu chuyện cụ thể về tăng trưởng. Ðầu tư khi có niềm tin rõ ràng vào doanh nghiệp và niềm tin về sức tăng trưởng bền vững của nền kinh tế, đồng tiền giải ngân mới khó bị mất mát, thương tổn.
Nếu đầu tư ngắn hạn và lại sử dụng dòng tiền vay margin lãi suất cao (10 - 15%) như hiện nay, cơ hội để nhà đầu tư chiến thắng thị trường là rất nhỏ.
Người quan sát