Một loạt ông lớn như Facebook, Google, AirBnB, Uber, Youtube, Amazon… đã tạo ra đột phá trên thị trường ngay từ khi mới xuất hiện nhờ vào những lợi thế trên.
Từ thực tế trên, ngày 7-1-2020 tại Hà Nội, UPGen Việt Nam phối hợp với Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách đã tổ chức buổi tọa đàm “Vai trò của kinh tế nền tảng Số đối với tương lai kinh tế Việt Nam”. Đây là buổi tọa đàm thứ ba trong chuỗi tọa đàm gồm tám buổi về Kinh tế nền tảng số (Digital Platform Economy).
Câu chuyện về sự chuyển đổi nền tảng kinh doanh của một thương hiệu
Có mặt tại buổi tọa đàm, ông Trịnh Minh Giang, Chủ tịch Venture Management Consulting Group; Sáng lập Strategy Academy; Phó Chủ tịch Vietnam Mentor Initiative đã tham gia thảo luận. Câu chuyện của ông xoay quanh những Cty, thương hiệu thực tế đã thành công trong quá trình chuyển đổi từ mô hình kinh tế truyền thống sang mô hình kinh doanh trên nền tảng số, mà theo ông, đó là những câu chuyện mang tính thuyết phục rất lớn.
Từ một hãng bán lẻ quần áo thể thao, năm 2012, Nike ra mắt sản phẩm đồng hồ thể thao. Ban đầu người ta không hiểu mục đích của Nike khi sản xuất ra chiếc đồng hồ này. Nhưng tất cả những người sử dụng chiếc đồng hồ này đều rất thú vị khi biết rằng thiết bị đeo tay này có thể định vị người dùng khi chạy bộ cũng như thu thập, lưu trữ thông tin trên hệ thống. Qua đó, khách hàng có thể truy cập tài khoản của mình và tương tác với người dùng khác trên nền tảng mới này.
Sau 7, 8 năm, khi mà rất nhiều các thương hiệu lớn đều sản xuất ra đồng hồ thể thao, thậm chí có thể ưu việt hơn Nike, thế nhưng lúc này Nike đã sở hữu một lượng khách hàng rất lớn và trung thành. Điều đáng nói ở đây, lúc này, Nike không bám giữ khách hàng bởi thương hiệu nữa, mà họ nắm giữ khách hàng bởi… dữ liệu. Khách hàng sẽ không dễ dàng chuyển sang một sản phẩm khác bởi tất cả những dữ liệu sức khỏe của họ đã được lưu giữ trên hệ thống của Nike và việc tương tác với những người khác cùng sử dụng đồng hồ như mình.
“Từ số hóa sản phẩm, Nike đã số hóa thị trường và sâu rộng hơn là số hóa mô hình kinh doanh. Không đơn giản là chuyển đổi số, đây có sự dịch chuyển toàn bộ mô hình kinh doanh'”, ông Giang nói.
…Đến việc cần thiết có sự thay đổi nhận thức của người Việt
Cũng theo sự vận động chung của thế giới, nền kinh tế của Việt Nam cũng thay đổi rất nhiều, PGS.TS Nguyễn Đức Thành, Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và chính sách nhận định. Theo đó, với tất cả những chuyển đổi này, bản chất không có gì quá cao xa hay phức tạp, đơn giản là nó chỉ làm con người gần nhau hơn, giao tiếp với nhau một cách dễ dàng hơn.
Khi công nghệ can thiệp vào cuộc sống, vào nền kinh tế thì tất yếu nó sẽ tác động về vai trò của con người trong nền kinh tế. Sức lao động của con người được giải phóng đáng kể, một số vai trò của con người trong các hệ thống, chuỗi kinh doanh hay sản xuất được thay thế. Điều đó có nghĩa sẽ có rất nhiều người thất nghiệp. Ở đây, sẽ diễn ra sự thay đổi về nghề nghiệp, về cách sống.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành bày tỏ quan điểm, chuyện thất nghiệp trong thời đại số không phải là tiêu cực, mà nó là một giai đoạn đang báo trước một kỷ nguyên phát triển của loài người. Việc thất nghiệp ở đây không phải là vĩnh cửu, mà là bước ngoặt bắt buộc người lao động phải tiếp tục học tập, trau dồi những kỹ năng mới. Xã hội có thêm những nguồn lực mới. Tất yếu, xã hội sẽ phát triển hơn.
Nền kinh tế cũng khiến người lao động phát huy được khả năng, giải phóng và vận dụng sức sáng tạo đến mức tối đa. Xã hội Việt Nam sẽ dần thoát khỏi tư duy của lớp người đi trước, đó là yên ổn ngày làm 8 tiếng tại một DN, cơ quan công sở hoặc một nhà máy nào đó… mà giới trẻ bây giờ họ sẽ tự tìm kiếm cơ hội làm việc cho mình bằng cách tham gia sáng tạo, thể hiện tư duy của mình trên các phương tiện số. Không phụ thuộc vào đồng lương hay ông chủ nào. Điều này cũng tác động đến người sử dụng lao động hiện tại, để tránh việc người lao động bỏ việc, tất nhiên họ sẽ phải thay đổi tư duy quản lý, trả thù lao xứng đáng hơn để những người tài giỏi chấp nhận “yên vị” làm việc với mình.
PGS.TS Nguyễn Đức Thành cũng nhấn mạnh, điều này sẽ dẫn đến việc xảy ra những xung đột trong nhiều gia đình. Mâu thuẫn giữa quan niệm của các bậc cha mẹ thời 1.0, 2.0… và sự bức phá của giới trẻ thời đại 4.0. “Việc phát triển của nền kinh tế số bắt buộc nhận thức của con người Việt Nam phải thay đổi. Đó là điều ai ai cũng nhận thức được cực kỳ rõ nét. Nó đã và đang diễn ra ngay chính tại xã hội Việt Nam”, ông Thành nhận định.
Gia Huy