Cái tên Uniqlo đã tạo ra sức hút rất lớn không chỉ ở Việt Nam mà còn tại nhiều quốc gia châu Á. Thống kê cho thấy, hãng có tới hơn 2.100 cửa hàng bán lẻ trên thế giới. Đáng chú ý là thương hiệu này lại chỉ có 50 cửa hàng tại Mỹ và bị đánh giá là không thành công tại thị trường này. Sau đây là một số lý do khiến Uniqlo gặp khó khăn tại Mỹ:
Hạn chế về nhận diện thương hiệu
Theo CNBC, Uniqlo có 9 cửa hàng tại New York, tuy nhiên nhiều người Mỹ chưa bao giờ biết về Uniqlo hoặc không biết cách phát âm tên thương hiệu này. Nhiều thông tin cho biết, Uniqlo còn đang thua lỗ tại thị trường này.
Ông Masahiko Nakasuji, Giám đốc Tiếp thị của Uniqlo cũng thừa nhận những khó khăn khi tiếp cận thị trường xứ cờ hoa. "Uniqlo là thương hiệu lớn ở châu Á, nhưng ở Mỹ, chúng tôi cần làm nhiều hơn để người tiêu dùng Mỹ biết đến thương hiệu Uniqlo" - ông Masahiko Nakasuji nói.
Vấn đề về kích cỡ
Ba cửa hàng đầu tiên của Uniqlo ở Mỹ đều nằm tại các siêu thị thuộc bang New Jersey. Hãng gặp nhiều vấn đề kích cỡ sản phẩm. Người Mỹ thường cao lớn hơn người Nhật Bản. Hãng phải đóng cửa các cửa hàng này trong vòng một năm.
Cạnh tranh khốc liệt
So sánh với các đối thủ thời trang nhanh như Zara, HM thì Uniqlo không chạy theo xu hướng, không đua theo các mùa mốt. Những sản phẩm phổ biến nhất của hãng được bày bán từ tháng này qua tháng khác, năm này qua năm khác.
Phong cách thiết kế của Uniqlo ít nhiều giống với GAP. Người tiêu dùng Mỹ một thời rất chuộng thương hiệu này nhưng cũng thoái trào. Uniqlo không có nhiều sự đột phá, sự giản dị của hãng chưa thể quyến rũ được người tiêu dùng Mỹ.
►Tỷ phú Tadashi Yanai: Tôi sẽ không giảm giá để giành khách hàng mà muốn giành cảm tình của họ bằng chất lượng, bằng sự gần gũi trên từng sản phẩm của Uniqlo