Theo Luật phòng, chống tác hại của rượu, bia 2019 bắt đầu hiệu lực từ ngày 1.1.2020, cấm người điều khiển phương tiện giao thông cơ giới đường bộ (ôtô, máy kéo, xe máy, xe máy điện, môtô) và phương tiện giao thông thô sơ đường bộ (xe đạp, xích lô, xe lăn, xe súc vật kéo) có nồng độ cồn vượt mức cho phép.
Nhiều người cho rằng, quy định này không những có tác động đến các hàng quán nhậu mà còn tác động đến các doanh nghiệp rượu bia trên thị trường.
Theo đó, cổ phiếu của 2 "ông lớn" ngành này là Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Sài Gòn (Sabeco) và Tổng Cty CP Bia - Rượu - Nước giải khát Hà Nội (Habeco) đều đang có những diễn biến tiêu cực.
Cổ phiếu SAB của Sabeco đã có phiên giảm giá thứ 4 liên tiếp từ ngày 27.12. Kết thúc phiên giao dịch sáng nay (2.1), cổ phiếu SAB mất 1.500 đồng, tương đương 0,7%, còn 226.500 đồng/cp. Như vậy, vốn hoá thị trường của Sabeco đã "bay hơi" gần 962 tỉ đồng.
Trong khi đó, cổ phiếu BHN của Habeco cũng có 2 phiên giảm giá liên tiếp và tăng nhẹ trở lại trong hôm nay, ở mức 76.200 đồng/cp.
Theo ông Võ Thế Vinh - Trưởng phòng Phân tích và tư vấn đầu tư Công ty Chứng khoán Đầu tư Việt Nam (IVS), quy định uống rượu bia không lái xe phần nào tác động đến cổ phiếu của các doanh nghiệp rượu bia. Tuy nhiên, đây cũng không phải là nguyên nhân chính cho việc cổ phiếu của các doanh nghiệp ngành này biến động.
Theo ông Vinh, quy định này áp chung cho toàn bộ các sản phẩm rượu bia có sử dụng trên thị trường, trong đó có cả các đối thủ ngoại. Bên cạnh đó, quy định này cũng sẽ khó có thể làm thay đổi thói quen của người Việt, thay vào đó, người dân sẽ thay đổi hình thức di chuyển để vẫn có thể uống rượu bia nhưng vẫn tuân thủ luật. Nếu trước đây họ tự lái xe đến quán nhậu thì nay có thể sử dụng các phương tiện khác.
Chuyên gia này phân tích, cổ phiếu của một doanh nghiệp chịu tác động bởi 3 yếu tố gồm: Thị trường, khả năng tăng trưởng của doanh nghiệp và nội tại của doanh nghiệp trong thời gian dài trước đó.
Hiện nay, hoạt động kinh doanh của các doanh nghiệp bia rượu trong nước đang chịu sự cạnh tranh trực tiếp từ các doanh nghiệp ngoại. Với mức sống của người dân ngày càng tăng, người tiêu dùng có nhiều lựa chọn hơn. Người dân cũng đã có sự thay đổi trong sử dụng rượu bia, với nhiều loại thức uống mới.
Sự cạnh tranh khốc liệt giữa các doanh nghiệp trong nước với nhau và giữa các doanh nghiệp trong nước với doanh nghiệp ngoại đã khiến cho thị trường thu hẹp lại. Khi đó, sức tăng trưởng của các doanh nghiệp cũng ở mức vừa phải, không đáp ứng được kỳ vọng của các nhà đầu tư.
PHẠM DUNG