Đây là nội dung đáng chú ý tại báo cáo nghiên cứu về thị trường tiền tệ tuần từ 10-14/2/2020 vừa được bộ phận nghiên cứu của Công ty chứng khoán SSI công bố.
Theo bộ phận nghiên cứu của SSI, diễn biến dịch bệnh Covid -19 tiếp tục là nhân tố chính chi phối diễn biến thị trường. Tuy vậy, điểm sáng là số ca nhiễm và tử vong mới đang có xu hướng giảm xuống. Một số đồng tiền châu Á (KWR, THB, TWD…) phục hồi nhẹ trong tuần sau khi đã sụt giảm rất sâu từ đầu năm đến nay. Tuy nhiên tâm lý thận trọng vẫn bao trùm, vàng tăng giá thêm 0,72%, lên mức 1.584 USD/oz.
Mặc dù là nền kinh tế chịu thiệt hại nặng nhất từ dịch bệnh nhưng đồng CNY của Trung Quốc chỉ mất giá khoảng 0,34% tính từ đầu năm đến nay nhờ các các nỗ lực nới lỏng tiền tệ kích thích kinh tế của Ngân hàng trung ương Trung Quốc (PBoC) đã giúp CNY phục hồi 0,22% trong tuần qua, ở mức 6,987CNY/USD. GBP cũng phục hồi 1,2%, lên trên mốc 1,3 USD/GBP nhờ thông tin tăng trưởng Q4/2019 của Anh cao hơn mức kỳ vọng (đạt 1,1% so với cùng kỳ năm trước) và kế hoạch đầu tư tới 106 tỷ GBP để xây dựng đường sắt cao tốc của Chính Phủ Anh.
Ở chiều ngược lại, EUR tiếp tục giảm sâu (giảm 1% so với tuần trước) xuống mức thấp nhất trong gần 3 năm. Đầu tầu kinh tế khu vực là Đức vẫn đang giảm tốc, doanh số bán lẻ và đơn hàng sản xuất công nghiệp của nước này đều sụt giảm rất mạnh trong tháng 12/2019, lần lượt là -3,3% và -2,1% so với tháng trước. Triển vọng kinh tế ảm đạm đã kéo giảm chỉ số lạc quan của nhà đầu tư khu vực EU.
Trong bối cảnh đó, việc Fed tuyên bố duy trì chính sách hiện tại cho thấy triển vọng kinh tế Mỹ vẫn lạc quan, hỗ trợ đồng USD tiếp tục tăng giá mạnh. Chỉ số DXY đã tăng liên tục, chốt tuần ở mức 99,12 điềm. Áp lực quốc tế khiến tỷ giá USD/VND cũng nhích tăng 5đ/USD lên mức 23.145/23.3165 trên ngân hàng, tăng 10đ/USD lên mức 23.200/23.220 trên thị trường tự do. Tỷ giá trung tâm cũng tăng thêm 14đ/USD, lên mức đỉnh mới 23.215đ/USD.
Diễn biến dịch bệnh và chênh lệch lãi suất VND-USD trên liên ngân hàng thu hẹp có thể tạo sức ép tâm lý nhất định lên tỷ giá. Tuy nhiên cán cân cung cầu ngoại tệ vẫn chưa bị ảnh hưởng nhiều vì việc nhập khẩu hàng hóa cho sản xuất và tiêu dùng cũng đang chậm lại. Nhìn về dài hạn, các công cụ hỗ trợ ổn định tỷ giá vẫn còn nhiều dư địa và vì vậy chưa có cơ sở để lo lắng về sự mất giá của VND.
Tuần qua, NHNN tiếp tục hút ròng 25 nghìn tỷ đồng thông qua phát hành tín phiếu kỳ hạn 91 ngày, lãi suất 2,65%. Tổng lượng tín phiếu lưu hành hiện tại là 86 nghìn tỷ đồng trong khi kênh OMO vẫn duy trì số dư bằng 0 và ngừng các giao dịch ngoại tệ. Nguồn cung dồi dào từ các NHTM lớn khiến lãi suất trên liên ngân hàng tiếp tục giảm. Chốt tuần ở mức 2,16%/năm (giảm 39 điểm cơ bản) với kỳ hạn qua đêm và 2,52%/năm (giảm 28 điểm cơ bản) với kỳ hạn 1 tuần. Chênh lệch lãi suất VND-USD tiếp tục thu hẹp từ mức 0,9%/năm xuống 0,53%/năm với kỳ hạn qua đêm.
Trên thị trường 1, lãi suất tiền gửi ổn định ở mức 4,1-5,0%/năm với kỳ hạn dưới 6 tháng, 5,3-7,4%/năm với kỳ hạn 6 đến dưới 12 tháng và 6,4-7,5%/năm với kỳ hạn 12, 13 tháng. Trong bối cảnh tiền đồng dồi dào sau Tết và tình hình dịch bệnh làm gia tăng rủi ro trên thị trường tài chính, việc duy trì lãi suất tiền gửi hấp dẫn đã giúp lượng tiền gửi của khách hàng tại các NHTM tăng trưởng khá tích cực trong vài tuần gần đây.
Xuân Yến