Chiều 3-12, UBND TP Hà Nội đã có tờ trình ra Hội đồng Nhân dân (HĐND) TP về việc đưa Dự án đường sắt đô thị TP Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương. Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư Hà Nội Nguyễn Mạnh Quyền cho biết, dự án đường sắt đô thị T P Hà Nội, tuyến số 2, đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo, có tổng mức đầu tư dự kiến 195.365 triệu yên (khoảng 35.679 tỷ đồng), thời gian thực hiện dự kiến chủ yếu trong trong giai đoạn 2021-2025.
Về cơ cấu nguồn vốn, TP đề xuất vay vốn ODA dự kiến 167.226 triệu yên (khoảng 30.572 tỷ đồng; chiếm 85,6% tổng mức đầu tư); Vốn đối ứng từ ngân sách TP Hà Nội là 5.107 tỷ đồng, tương đương 28.139 triệu yên (chiếm 14,4% tổng mức đầu tư). Ông Quyền nhấn mạnh, việc sử dụng ODA và vay ưu đãi để đầu tư là phù hợp do nguồn vốn này có thời gian ân hạn 10 năm, thời gian hoàn trả 30 năm, lãi suất vốn vay thấp hơn (0,1-0,2% mỗi năm) so với huy động từ trái phiếu (khoảng 7-10%).
UBND TP Hà Nội cho biết, trong giai đoạn 2021-2025, tổng số nợ phải trả là 0 đồng do đang trong thời gian ân hạn. Các nguồn vay và trả nợ gốc trong giai đoạn 2021-2025 và các giai đoạn tiếp theo sẽ được cân đối để đảm bảo dự án không làm tổng dư nợ vay của TP vượt quá 70% số thu ngân sách địa phương. Các phương án vay vốn và trả nợ sẽ được tính toán cụ thể trong giai đoạn tiếp theo sau khi dự án được phê duyệt điều chỉnh tổng mức đầu tư và các hiệp định vay vốn được ký chính thức.
Theo tờ trình, để có cơ sở trình Thủ tướng Chính phủ quyết định về việc bố trí vay vốn nước ngoài bổ sung phần điều chỉnh tổng mức đầu tư tăng thêm của dự án, UBND TP đề nghị HĐND TP xem xét, quyết định đưa dự án xây dựng tuyến đường sắt đô thị TP Hà Nội tuyến 2, đoạn Nam Thăng Long – Trần Hưng Đạo, vào danh mục dự án đầu tư từ vốn vay của chính quyền địa phương từ năm 2020 và các năm tiếp theo.
Tuyến đường sắt đô thị đoạn Nam Thăng Long - Trần Hưng Đạo sẽ đi qua hồ Gươm.
Sau khi nghe tờ trình, đại diện Ban Kinh tế - ngân sách HĐND TP đã trình bày báo cáo thẩm tra, cho biết, trong điều kiện cân đối các nguồn lực của Hà Nội hiện nay, việc sử dụng nguồn vốn ODA và vay ưu đãi của nhà tài trợ nước ngoài cho dự án không vượt quá hạn mức vay nợ của TP. HĐND TP cũng khẳng định, khả năng cân đối ngân sách TP để đáp ứng nhu cầu vốn đối ứng cho dự án phù hợp với dự kiến kế hoạch tài chính trung hạn của TP giai đoạn 2021 - 2015.
Tuy nhiên, Ban Kinh tế - Ngân sách HĐND TP cũng đề nghị UBND TP dự kiến các khoản vay và trả nợ chi tiết theo từng năm để tính toán vào tổng hạn mức vay hàng năm và cân đối nguồn lực của thành phố. Sau đó trình HĐND TP quyết nghị phương án vay và trả nợ chi tiết theo quy định của Luật quản lý nợ công.
Ngọc Yến