VDSC: Doanh thu Hòa Phát kỳ vọng tăng 34% năm 2020, chiếm 37-42% thị phần miền Bắc và miền Nam
Khoảng 3 tháng trở lại đây, cổ phiếu HPG của Công ty Cổ phần Tập đoàn Hòa Phát tăng khá mạnh với mức tăng gần 19%. "Phe nghi ngờ" về thành công của "siêu dự án" Dung Quất dường như đang bị lép vế so với "phe tin tưởng".
Trong báo cáo phân tích mới đây về triển vọng của Hòa Phát, Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC) dự báo tập đoàn này sẽ đạt mức doanh thu 63.669 tỷ đồng (tăng 14%) và lợi nhuận sau thuế 7.678 tỷ đồng (giảm 10,4%) trong năm 2019.
Đáng chú ý, năm 2020, VDSC kỳ vọng doanh thu của Hòa Phát sẽ tăng tới 34%, trong khi lợi nhuận sau thuế tăng tới 51% so với năm 2019.
Theo chuyên gia của VDSC, khu liên hợp thép Dung Quất sẽ giúp Hòa Phát thống trị thị trường miền Nam.
Cụ thể, Hòa Phát đang giành được thêm thị phần ở miền Nam và miền Trung nhờ sản lượng thép mới từ Dung Quất. Sau khi vận hành lò luyện thép đầu tiên tại Khu liên hợp thép Dung Quất (KLH thép Dung Quất) vào tháng 7/2019, Hòa Phát đã tăng mạnh sản lượng bán hàng ở thị trường miền Nam và miền Trung, với mức tăng lần lượt là 105% và 54%.
VDSC kỳ vọng rằng khi KLH thép Dung Quất hoạt động đầy đủ công suất, thị phần của Hòa Phát có thể đạt 37%-42% tại thị trường miền Bắc và miền Nam, khoảng 60% ở miền Trung.
Bên cạnh đó, công ty chứng khoán này nhấn mạnh việc tăng công suất và giá vốn cạnh tranh là vũ khí quan trọng cho cuộc chinh phục của "vua thép".
Từ dữ liệu lịch sử, VDSC cho rằng Hòa Phát dễ dàng đạt mức công suất huy động 100%, tăng trưởng sản lượng thép xây dựng theo đó sẽ phụ thuộc vào tiến độ vận hành nhà máy hơn là phụ thuộc vào năng lực bán hàng của Hòa Phát.
Giai đoạn I của KLH thép mới được kỳ vọng sẽ hoạt động hết công suất vào năm 2020. Khi đó, Hòa Phát sẽ cung cấp gần 4,2 triệu tấn thép xây dựng cho thị trường cả nước. Giả định tốc độ tăng trưởng của tiêu thụ thép xây dựng nội địa là 6%, công suất thép xây dựng của Hòa Phát sẽ tương đương khoảng 40% nhu cầu trong nước.
Khu liên hợp thép mới đặt tại miền Trung cũng sẽ giúp giảm chi phí và thời gian vận chuyển sản phẩm vào miền Nam.
Ngoài ra, diễn biến giá nguyên liệu được dự báo sẽ có diễn biến tích cự trong những năm tới, từ đó giúp Hòa Phát cải thiện biên lợi nhuận gộp.
VDSC tin rằng biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát sẽ được mở rộng từ mức 18,1% (ước tính năm 2019) lên mức 20,5% (năm 2020) với sự hỗ trợ từ giá than cốc (giảm 10%) và giá quặng sắt (giảm 8%).
Đặc biệt, thép cán nóng (HRC) được kỳ vọng là nhân tố thay đổi cuộc chơi của Hòa Phát.
Việc tự sản xuất thép HRC sẽ giúp Hòa Phát mở rộng biên gộp mảng thép phẳng, bao gồm tôn mạ và ống thép, nhờ giành thêm biên gộp từ các nhà sản xuất HRC và giảm chi phí vận chuyển. Với việc tự sản xuất được HRC. Hòa Phát theo đó sẽ trở thành nhà sản xuất thép phẳng từ thượng nguồn đầu tiên trong nước.
Bên cạnh đó, Hòa Phát cũng có thể cải thiện hiệu suất của các nhà máy tôn mạ - ống thép của mình và trở thành nhà cung cấp thép HRC tiềm năng cho các doanh nghiệp sản xuất thép phẳng khác.
Tuy nhiên, VDSC cho rằng thị trường HRC có thể bị dư cung nhẹ vào cuối năm 2020. Dù vậy, Hòa Phát lại có những lợi thế cạnh tranh đáng kể so với Formosa Hà Tĩnh (FHS).
Tổ hợp sản xuất thép HRC mới của Hòa Phát có suất đầu tư (tỷ lệ CAPEX trên mỗi tấn công suất) thấp hơn đáng kể so với FHS là một lợi thế bền vững để cạnh tranh tại thị trường nội địa.
Cùng với đó, mảng thép HRC của Hòa Phát sẽ được hỗ trợ bởi nhu cầu sử dụng nội bộ. Hiện tại, Hòa Phát sở hữu 3 nhà máy thép ống và 1 nhà máy tôn mạ, sử dụng tối đa 1,4 triệu tấn HRC mỗi năm. Với hơn một nửa sản lượng có thể được sử dụng bởi các nhà máy nội bộ, áp lực bán hàng đối với Hòa Phát sẽ thấp hơn Formosa rất nhiều.
Ngoài ra, VDSC tin rằng biên lợi nhuận gộp của Hòa Phát an toàn hơn các doanh nghiệp Trung Quốc. Trong khi các nhà xuất khẩu HRC của Trung Quốc đang có biên gộp chỉ 2,4%, mảng HRC của Hòa Phát dự kiến có biên gộp là 9,8%. Một trong những nguyên nhân chính là chi phí lao động ở Việt Nam thấp hơn đáng kể so với Trung Quốc. Vị trí của Hòa Phát trên thị trường địa phương cũng là một lợi thế khi giúp giảm chi phí vận chuyển và thời gian vận chuyển.
Dù thế, cũng cần lưu ý rằng KLH thép Dung Quất - Giai đoạn II sẽ có mức sản lượng hòa vốn cao hơn đáng kể so với Giai đoạn I.
VDSC giả định rằng giá HRC và thép cây có thể giảm 4% trong năm 2020 và mỗi giai đoạn của KLH Dung Quất cần chi phí quản lý cố định khoảng 300 tỷ đồng. Do mức đầu tư ban đầu cao hơn và biên gộp thép HRC thấp, KLH Dung Quất - Giai đoạn II có mức sản lượng hòa vốn vào khoảng 1,7 triệu tấn HRC/năm, trong khi con số này của Giai đoạn I chỉ là 0,75 triệu tấn/năm.
Mặc dù triển vọng là khá tích cực nhưng vẫn có những rủi ro trực chờ Hòa Phát. Theo VDSC, rủi ro đáng chú ý nhất là diễn biến giá sản phẩm thép và nguyên vật liệu không thuận lợi.
Trong trường hợp xấu nhất, giá thép và giá HRC có thể giảm 9%. Ngoài ra, nhu cầu về thép xây dựng và HRC có thể yếu hơn dự kiến do tăng trưởng GDP chậm lại và những khó khăn của ngành xây dựng. Do đó, hiệu suất sử dụng Dung Quất giai đoạn I và II có thể giảm xuống còn 60% và 20%, theo tính toán của VDSC.
Thanh Long