Năm 2019 là một năm tương đối thành công của Chính phủ về mặt kiểm soát lạm phát chung với mặt bằng giá trung bình ước tăng 2,7%, thấp hơn mức 3,5% của 2 năm trước.
Chính phủ đã thành công trong việc hạn chế rủi ro lạm phát thông qua kiểm soát đáng kể phí/giá do nhà nước kiểm soát, đặc biệt là chi phí y tế.
So sánh với cơ cấu lạm phát trong giai đoạn 2017-2019, rõ ràng nhóm dịch vụ y tế đóng góp ngày càng ít hơn vào lạm phát chung do các biện pháp quản lý hành chính. Đóng góp của nhóm này đang được thay thế bằng sự gia tăng của nhóm thực phẩm trong khi đó tỷ lệ đóng góp của vận tải và giáo dục duy trì không đổi.
Tuy nhiên, theo nhận định của Công ty Chứng khoán Rồng Việt (VDSC), trong năm 2020 một số vấn đề có thể phát sinh từ đây. Loại bỏ hầu hết các nhóm hàng do nhà nước kiểm soát, lạm phát cơ bản đã tăng kể từ quý 2 năm 2018 do hiệu ứng lan tỏa của việc tăng giá điện và thịt lợn. Đặc biệt trong quý 4 năm 2019, giá các mặt hàng này được ước tính tăng 1,9% so với cùng kỳ năm 2018. Theo lý thuyết, rất khó để giải quyết lạm phát cơ bản tăng.
“Nhìn sang năm 2020, đây thực sự là năm của những chú heo khi diễn biến giá thịt heo sẽ ảnh hưởng mạnh và trực tiếp tới kết quả lạm phát cả năm. Chúng tôi dự đoán mặt bằng giá chung sẽ gia tăng khi giá thịt lợn đã tăng từ giữa năm 2019 và sự gia tăng gần đây thực sự đã đẩy lạm phát tăng đột biến” – VDSC nhận định.
Giá thịt heo đã tăng hơn 50% so với đầu năm và dao động quanh mức 65.000 đồng/kg trong tháng 11. Đáng chú ý, điều này không bắt nguồn từ chu kỳ biến động giá thịt heo do cung-cầu thường thấy. Dịch lợn châu Phi lây lan là nguyên nhân chính khiến nguồn cung thịt lợn giảm mạnh và buộc các quốc gia phải tăng cường nhập khẩu thịt lợn.
Với giả định hơn 60.000 đồng/kg đối với giá thịt heo và 60-65 USD/thùng đối với dầu thô Brent, kịch bản cơ sở của VDSC đối với lạm phát cơ bản năm 2020 là 3,5% và sức nóng từ lạm phát sẽ bắt đầu ngay từ đầu năm tới. Áp lực tăng giá cao hơn vẫn hiện hữu bởi năng lực kiểm soát bị hạn chế nhưng vẫn cần thiết của cơ quan quản lý.
Thực tế, việc giá thịt heo tăng đã khiến giá gia cầm, đặc biệt là giá gà tăng mạnh trong khoảng 2 tuần nay.
Theo Tập đoàn Dabaco, tăng mạnh nhất là giống gà J-Dabaco cách đây một tuần giá trên 50.000 đồng/kg nay đã cán mốc 70.000 đồng/kg. Các giống gà thuần như Mía Sơn Tây, Ri Lạc Thủy cũng tăng trên 10 giá, từ mức trên 70.000 đồng/kg hiện đang bán dao động từ 83.000 - 86.000 đồng/kg, cá biệt những đàn gà nuôi lâu, đẹp mã có giá trên 90.000 đồng/kg tại chuồng.
Không chỉ các giống gà lông màu, giá gà trắng hiện cũng tăng, tại miền Bắc giá gà trắng đạt mức 43.000 - 44.000 đồng/kg, miền Nam 34.000 - 35.000 đồng/kg, tăng gần 10 giá. So với giá lợn và gà, giá vịt ổn định hơn khi duy trì xung quanh ngưỡng 46.000 - 48.000 đồng/kg. Trong khi đó, giá trứng gà tươi công nghiệp hiện dao động 1.800 - 2.000 đồng/quả, không có nhiều biến động.
Đặc biệt, theo số liệu công bố mới nhất của Cục Thú y, do ảnh hưởng dịch tả heo châu Phi đến nay số đầu lợn tiêu hủy đã gần 6 triệu con, sản lượng gần 400.000 tấn, chiếm khoảng 9% sản lượng thịt của cả nước. Đấy là chưa kể số lượng heo nái và heo thịt bị tiêu hủy, hoặc bán chạy của một số doanh nghiệp chưa được công bố, thống kê nên số liệu thực tế lượng lợn tiêu hủy do dịch tả châu Phi có thể còn lớn hơn.
Theo số liệu thống kê của Cục Chăn nuôi, năm 2019 gia cầm tăng trưởng 13%, trâu bò tăng trên 4%, thủy sản gần 7%. Như vậy, với mức giảm lượng thịt heo khoảng 10%, ngành gia cầm phải tăng trưởng khoảng 40 - 50%, mới bù đắp được.
Hiền Anh