Theo CNN, tập đoàn dầu mỏ của Saudi Arabia bán 3 tỷ cổ phiếu với giá 8,53 USD/cổ phiếu trong phiên IPO ở nước này. Như vậy, Saudi Aramco đã huy động được 25,6 tỷ USD, vượt qua kỷ lục IPO 25 tỷ USD của Alibaba hồi năm 2014.
Với đợt IPO này, Saudi Aramco được định giá 1.700 tỷ USD. Như vậy, công ty kinh doanh lãi nhất thế giới chính thức trở thành doanh nghiệp có giá trị vốn hóa cao nhất thế giới, vượt xa Apple (1.150 tỷ USD).
Nhưng bất chấp những con số kỷ lục đó, đợt IPO này không đáp ứng được kỳ vọng to lớn của Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman. Trước đó, ông kỳ vọng sẽ huy động được tới 100 tỷ USD từ đợt IPO và Saudi Aramco đạt giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD.
Một cơ sở chế biến dầu mỏ của Saudi Aramco ở Abqaiq. Ảnh: Bloomberg.
Saudi Arabia cần tiền
Hơn nữa, Saudi Aramco chỉ được niêm yết trên Tadawul, Sàn chứng khoán Saudi, thay vì New York (Mỹ) hay London (Anh). Cổ phiếu của hãng chỉ thu hút các nhà đầu tư trong nước và các quốc gia láng giềng.
“Đợt IPO của Aramco được kỳ vọng là màn chào sân hoành tráng của Saudi Arabia với các nhà đầu tư toàn cầu. Cuối cùng, đây chỉ là một cuộc gặp gỡ của các thành viên trong gia đình”, New York Times dẫn lời nhà phân tích Karen Young thuộc Viện Doanh nghiệp Mỹ nhận định.
Bất chấp việc sở hữu trữ lượng dầu mỏ khổng lồ, Saudi Arabia đang đối mặt với nhiều khó khăn về tài chính do giá dầu thô sụt giảm, thâm hụt ngân sách tăng cao. Nước này vẫn còn 500 tỷ USD trong các quỹ dự trữ của ngân hàng trung ương và 250 tỷ USD do Quỹ Đầu tư Công (PIF) quản lý.
“Thực tế là Saudi Arabia đang dần cạn tiền. Họ cần tiền, cần thêm đầu tư từ bên ngoài để thực hiện kế hoạch phát triển Tầm nhìn 2030”, AFP dẫn lời tướng David Petraeus, Chủ tịch Viện KKR Global, phân tích.
Kho dầu của Saudi Aramco ở cảng Ras Tanura. Ảnh: New York Times.
Kể từ khi lên nắm quyền, Thái tử Mohammed bin Salman tuyên bố triển khai hàng loạt dự án quy mô lớn, sẽ tiêu tốn hàng chục đến hàng trăm tỷ USD với kỳ vọng sẽ thu hút đầu tư và tạo hàng nghìn công ăn việc làm.
Danh sách bao gồm Dự án Biển Đỏ được xây dựng bên ngoài thành phố cảng Jeddah và “thành phố tương lai” NEOM 500 tỷ USD với taxi bay và robot có thể trò chuyện. Năm ngoái, “thành phố giải trí” Qiddiya bắt đầu được xây dựng.
Quá nhiều yếu tố tác động
Theo New York Times, vài tháng trước một số ngân hàng quốc tế đánh giá Saudi Aramco có thể đạt giá trị vốn hóa 2.000 tỷ USD. Thậm chí Bank of America ước tính con số cuối cùng có thể lên đến 2.500 tỷ USD.
Tuy nhiên, ngày 14/9 Saudi Aramco rúng động vì vụ không kích khiến sản lượng nhà máy sụt giảm gần 50%. Sự kiện đó cho thấy rõ nguy cơ địa chính trị tại Trung Đông, nhưng không cản trở được kế hoạch IPO của Saudi Aramco.
Để thu hút các nhà đầu tư quốc tế, Saudi Aramco cam kết trả cổ tức tới 75 tỷ USD/năm. Nhưng rốt cuộc hàng loạt quỹ đầu tư và nhà đầu tư quốc tế khẳng định mức 2.000 tỷ USD là quá cao nếu xét đến việc giá dầu đang giảm và nguy cơ địa chính trị Trung Đông lớn.
Thái tử Saudi Arabia Mohammed bin Salman (phải) từng kỳ vọng rất lớn vào đợt IPO của Saudi Aramco. Ảnh: New York Times.
Ngoài ra, nhà phân tích Karen Young nhận định việc Thái tử Mohammed bin Salman mở chiến dịch chống tham nhũng hồi năm 2017 khiến hàng trăm hoàng tử và doanh nhân bị bắt giữ khiến giới đầu tư nước ngoài lo ngại. Chính quyền Saudi Arabia cũng bị chỉ trích dữ dội vì vụ điệp viên nước này sát hại nhà báo Jamal Khashoggi ở Istanbul (Thổ Nhĩ Kỳ) năm 2018.
Nguồn tin của New York Times tiết lộ Saudi Aramco tổ chức hàng loạt cuộc họp với các ngân hàng quốc tế trong tháng 11 để thảo luận về đợt IPO. Tuy nhiên các ngân hàng quả quyết rằng giới đầu tư nước ngoài định giá công ty chỉ ở mức 1.300-1.800 tỷ USD.
Do đó, Thái tử Mohammed bin Salman quyết định hủy các cuộc gặp với nhiều nhà đầu tư nước ngoài ở châu Á, châu Âu và Bắc Mỹ và tập trung vào kế hoạch IPO trong nước.
Minh Phụng