Có thể nói, với các doanh nghiệp, đặc biệt là doanh nghiệp vừa và nhỏ, việc tiếp cận và tận dụng sức mạnh của thương mại điện tử thông qua các sàn giao dịch lớn và uy tín là cách tốt nhất để vừa quảng bá sản phẩm, vừa thúc đẩy doanh số bán hàng và gầy dựng thương hiệu. Cách làm này giúp doanh nghiệp tiết kiệm khá nhiều thời gian, công sức, chi phí.
Thậm chí, doanh nghiệp/nhà bán lẻ không nhất thiết phải có kiến thức về thương mại điện tử hay nền tảng Marketing vững chắc mới có thể tham gia bởi mọi khâu từ bán hàng, tiếp thị sản phẩm, giao hàng, chăm sóc khách hàng… sẽ được các doanh nghiệp thương mại điện tử hỗ trợ.
Trên thực tế, việc hợp tác với sàn thương mại điện tử không đòi hỏi nhà bán hàng phải tốn quá nhiều công sức. Điều kiện cần và đủ là doanh nghiệp cần có sản phẩm tốt, chất lượng…
Ngoài ra, nếu có thể cung cấp sản phẩm với mức giá ưu đãi tốt, sẵn sàng tham gia vào các chương trình khuyến mãi lớn của trang thương mại điện tử thì doanh nghiệp càng có nhiều cơ hội để thúc đẩy doanh số bán hàng cũng như tiếp cận một lượng lớn khách hàng tiềm năng.
Những khâu còn lại liên quan đến kỹ thuật, marketing thậm chí là khâu giao hàng, logistic, doanh nghiệp thương mại điện tử sẵn sàng hỗ trợ nhà bán hàng.
Sau khi đã có đủ kiến thức và sẵn sàng chuyển đổi số, việc lựa chọn nền tảng để kinh doanh lâu dài cũng cực kỳ quan trọng. Bởi điều này không chỉ giúp doanh nghiệp khởi đầu thuận lợi mà còn hướng đến phát triển bền vững về sau.
Tuy nhiên, trong một khảo sát gần đây được thực hiện bởi đội ngũ Sàn Giao dịch tại Tiki, các doanh nghiệp vừa và nhỏ (SME) thường khá e dè trong việc mở rộng kênh phân phối trên các sàn thương mại điện tử, xuất phát từ 3 “nỗi sợ”: sợ không bán được hàng, sợ không thể quản lý, sợ “tiền mất tật mang”. Tựu trung, lý do dẫn đến những lo ngại này chính là kiến thức kinh doanh trên thương mại điện tử còn khá hạn chế.
Với mô hình truyền thống, các doanh nghiệp, đặc biệt là SME, sẽ gặp phải nhiều rào cản hơn so với kinh doanh trên các nền tảng số, như chi phí cao hơn, hạn chế mở rộng thị phần, khó linh hoạt và chịu nhiều ảnh hưởng hơn khi có khủng hoảng (như dịch bệnh, khủng hoảng tài chính)... Điển hình là trong dịch bệnh COVID-19 vừa qua, SME là đối tượng chịu nhiều ảnh hưởng nặng nề.
Trong hơn hai tháng qua, chuyển đổi sang mô hình bán hàng trên thương mại điện tử (TMĐT) được xem là “tất yếu” với các doanh nghiệp vừa và nhỏ. Việc chuyển đổi kinh doanh từ mô hình trực tiếp kiểu truyền thống lên trực tuyến đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi linh hoạt tư duy kinh doanh vốn có. Lúng túng trong khâu chuyển đổi, thiếu kĩ năng bán hàng trực tuyến, hạn chế kiến thức công nghệ, thiếu vốn đầu tư... là những bài toán khó được đặt ra cho các doanh nghiệp quy mô vừa và nhỏ (SMEs) trong bước đầu số hóa.
Khi bước vào giai đoạn “bình thường mới”, các doanh nghiệp kinh doanh trên sàn TMĐT tiếp tục được hưởng lợi từ chính sách tài chính để đầu tư mở rộng kinh doanh.
Đơn cử như sàn Lazada đã xúc tiến những gói vay ưu đãi với các đơn vị ngân hàng, nhà phát hành thẻ…để nhà bán hàng tận dụng giải quyết khó khăn hay chủ động mở rộng quy mô doanh nghiệp. Chính sách này đã góp phần hỗ trợ Trần Lâm – ông chủ Julyhouse thực hiện “cuộc chơi lớn”, đầu tư vào sản xuất nước rửa tay sát khuẩn nhằm bắt kịp nhu cầu thị trường ngay từ thời điểm đầu năm 2020. Theo anh Trần Lâm, phần lợi nhuận có được từ giai đoạn này đã tiếp tục giúp công ty mạnh dạn phát triển thêm các sản phẩm và thương hiệu khác dành cho nhu cầu bổ sung sức đề kháng và chăm sóc sức khoẻ như HeVieFood, hay sản phẩm tận dụng ưu thế của Việt Nam như dòng chăm sóc tóc từ chiết xuất Bồ Kết và dầu Mắc Ca Macaland để chuẩn bị cho thị trường quay trở lại khi mùa dịch đi qua.
Còn sàn giao dịch Tiki mới đây cũng kết hợp với Hiệp hội Thương mại Điện tử Việt Nam (VECOM) cùng Trung tâm Phát triển Kinh doanh Online (IM Group) đã chính thức ký kết hợp tác chiến lược, ra mắt dự án “Hỗ trợ 500.000 doanh nghiệp chuyển đổi số và phát triển thương mại điện tử bền vững” trong 3 năm 2020-2022. Với các nội dung, tổ chức các khóa đào tạo giúp doanh nghiệp nắm vững các kiến thức nền tảng để tăng cường khả năng quản lý và phát triển doanh nghiệp, tăng hiệu quả kinh doanh trực tuyến trên; theo sát và đồng hành cùng doanh nghiệp để tiến tới việc kinh doanh trên Tiki và các nền tảng trực tuyến.; gói hỗ trợ 200 tỷ đồng cho 20.000 doanh nghiệp bắt đầu kinh doanh trên sàn được Tiki tung ra trong năm nay với những hoạt động thiết thực,...
“Giai đoạn đầu khi chuyển dịch sang kinh doanh online trên các sàn thương mại điện tử là thời điểm nhiều thử thách nhất với các nhà bán bởi họ chưa quen thuộc với phương thức vận hành, mức độ hiệu quả hay nguồn lực cần đầu tư. Chính vì vậy, chúng tôi hy vọng sự hợp tác lần này cùng Hiệp hội thương mại điện tử Việt Nam và IM Group, cùng sự hỗ trợ từ các Sở ban ngành tại các địa phương, sẽ giúp Tiki tiếp cận và hỗ trợ thêm nhiều doanh nghiệp vừa và nhỏ chuyển đổi số thành công, không chỉ dừng lại ở việc lên sàn Tiki mà còn đi cùng họ cho đến khi có thể tự phát triển kinh doanh thành thạo”, bà Vũ Thị Nhật Linh, Phó Tổng Giám đốc Quản lý Sàn Thương mại tại Tiki chia sẻ.
Theo chuyên gia tài chính Nguyễn Trí Hiếu, nền tảng kỹ thuật số dựa trên 3 cấu phần: Một là hạ tầng cơ sở kỹ thuật số, bao gồm máy điện toán, Internet, mạng xã hội và các phương tiện truyền thông nhanh chóng…; hai là cơ chế, quy trình để vận hành các cơ sở đó; ba là mô hình kinh doanh dựa trên nền tảng kỹ thuật số, một trong đó là thương mại điện tử.
“Với 3 cấu phần này, doanh nghiệp cần nắm bắt được hiện tại Việt Nam đang ở mức độ nào của quy mô hạ tầng cơ sở, thế chế đã hoàn thiện ở mức nào và mô hình kinh doanh đang ở đâu để có thể định vị, từ đó đưa ra chiến lược đầu tư và chuyển đổi.
Bên cạnh đó, các nhà quản trị của doanh nghiệp cũng phải thực sự quyết tâm dần thoát khỏi mô hình kinh doanh truyền thống để đi vào mô hình kinh doanh trên nền tảng kỹ thuật số, từ đó mới có chiến lược đầu tư cụ thể vào công nghệ và nguồn nhân lực, đưa doanh nghiệp bước vào giai đoạn phát triển mới”, ông Hiếu phân tích.
Khánh Hà