Trước hết cần hình dung được hoán đổi tiền tệ là việc trao đổi các khoản gốc và lãi của đồng tiền này với khoản gốc và lãi của đồng tiền khác. Mức vốn gốc trong mỗi đồng tiền được trao đổi lúc ban đầu và lúc kết thúc hợp đồng. Vốn gốc được tính dựa trên tỷ giá tại thời điểm ký kết hợp đồng và tại thời điểm kết thúc hợp đồng, vốn gốc này có thể thay đổi giá trị. Hoán đổi tiền tệ được dùng để phòng ngừa rủi ro ngoại hối trong trường hợp các tiền tệ trên bảng cân đối tài sản không cân xứng với nhau.
Tùy vào điều kiện cụ thể của từng chủ thể ký kết mà hoán đổi tiền tệ được dùng cho mục đích khác nhau, nhưng đặc trưng nhất là nhằm tránh được rủi ro tỷ giá và lãi suất.
Chi phí vay vốn ở mỗi quốc gia là khác nhau, có sự chênh lệch giá trị giữa 2 đồng tiền, và đương nhiên các công ty trong nước sẽ có ưu thế hơn công ty nước ngoài, do việc đánh giá tiềm năng và uy tín của công ty bản địa cũng dễ dàng hơn, nên sẽ được hưởng mức lãi suất thấp hơn khi vay vốn. Do đó, hợp đồng hoán đổi tiền tệ được dùng trong trường hợp này để mỗi công ty vẫn nhận được khoản tiền mình mong muốn nhưng với mức chi phí thấp hơn.
Có thể lấy ví dụ về 2 công ty xuất nhập khẩu A (Mỹ) và B (Nhật Bản). Công ty A muốn mở rộng hoạt động tại thị trường Nhật Bản và Công ty B đang muốn nhập hàng vào Mỹ. Giả định 2 công ty đang yêu cầu khoản tiền như nhau, tương đương 100 triệu USD và tỷ giá hối đoái USD/JPY là 1.00USD/108JPY. Nếu Công ty A muốn có được khoản vay tại Nhật phải chịu mức lãi suất 10% và Công ty B cũng phải chịu lãi suất 8% cho khoản vay tại Mỹ. Trong khi đó, Công ty A có thể vay ngân hàng Mỹ với lãi suất 4%, Công ty B có thể vay ngân hàng Nhật với lãi suất 5%.
Khi thực hiện hoán đổi tiền tệ, Công ty A sẽ vay 100 triệu USD từ ngân hàng Mỹ với lãi suất 4% và Công ty B sẽ vay 10.8 tỷ Yên tại Nhật với lãi suất 5%. Sau đó các khoản tiền danh nghĩa này được hoán đổi. Như vậy, Công ty A hiện nắm giữ 10.8 tỷ Yên mình cần và Công ty B nắm giữ 100 triệu USD. Lúc này, Công ty A sẽ chỉ phải trả mức lãi suất 4% thay vì 10% cho khoản vay 100 triệu USD và Công ty B sẽ chỉ trả lãi suất 5% thay vì 8% cho khoản vay 10.8 tỷ Yên. Đây là một trong những lợi thế mà hợp đồng hoán đổi tiền tệ mang lại.
Tăng cung ngoại hối cho các quốc gia
Tương tự như vậy, nhưng khi xét trên góc độ vĩ mô, hoán đổi tiền tệ giữa 2 quốc gia thực chất là hoán đổi thanh khoản giữa 2 NHTW với nhau. Hay nói cách khác, tính thanh khoản của NHTW chính là các giao dịch hoán đổi tiền tệ của các khoản vay khẩn cấp bằng đồng USD trên thị trường nước ngoài. Việc hoán đổi tiền tệ giữa 2 nước đã có tiền lệ từ các cuộc khủng hoảng tài chính trước đây. Như trong cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008, Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) đã thực hiện giao dịch hoán đổi tiền tệ với các nước nhằm mục đích cung cấp USD cho thị trường nước ngoài.
Thế nhưng các hợp đồng hoán đổi tiền tệ này mang lại lợi ích thế nào đến kinh tế của 2 nước thỏa thuận hoán đổi, dẫn đến IMF lại khuyến khích các NHTW thực hiện hoán đổi tiền tệ song phương?
Mỹ vốn được xem là cường quốc số 1 về kinh tế và USD là đồng tiền chung để giao dịch hoặc định giá tài sản của các công ty đa quốc gia. Khi xảy ra một cuộc khủng hoảng tài chính, thị trường ngân hàng, chứng khoán… ở các nước đều lao dốc, nhà đầu tư có xu hướng tìm về các tài sản an toàn như USD và vàng.
Đa số các nhà máy, công ty sẽ làm ăn khó khăn thậm chí thua lỗ trong khủng hoảng, do đó họ không tạo ra doanh thu nhưng lại cần tiền (USD) để thanh toán cho các chi phí duy trì hoạt động. Những điều này vô hình trung tạo ra lực cầu USD đột biến, đẩy giá USD leo dốc. Như vậy, họ sẽ cần thêm lượng USD từ ngân hàng của các nước sở tại, và như đã dẫn chứng ở trên, chi phí cho số vốn này sẽ cao đối với các công ty nước ngoài. Do đó, trong hoàn cảnh này việc hoán đổi tiền tệ hay đúng hơn là Mỹ sẽ cung ứng USD cho các nước thực hiện thỏa thuận, giúp giảm áp lực chi phí cho các công ty và cũng giảm nỗi lo thiếu hụt dự trữ ngoại hối của NHTW các nước.
Phòng ngừa sụp đổ tài chính dây chuyền
Nhưng hoán đổi tiền tệ là 2 bên cùng có lợi, vậy Mỹ sẽ được lợi gì trong thỏa thuận này. Mỹ được xem là nước nhập khẩu hàng hóa của thế giới, khi các quốc gia đối tác có nguồn ngoại hối dồi dào đủ để cung ứng, giúp nền kinh tế ổn định, thì hoạt động sản xuất của các công ty Mỹ tại quốc gia đó hoặc các công ty đối tác sản xuất hàng hóa cung ứng cho Mỹ cũng hoạt động thuận lợi. Khi nền kinh tế của các quốc gia này bất ổn, cũng sẽ ảnh hưởng gián tiếp đến kinh tế Mỹ.
Trong diễn biến dịch Covid-19 lan rộng như hiện nay, đồng USD có khuynh hướng tăng giá so với các loại tài sản khác như dầu, chứng khoán, bất động sản… Và khi đồng USD tăng giá, cũng đồng nghĩa với việc đồng tiền nội tệ của quốc gia còn lại trong cặp tỷ giá hối đoái bị yếu đi. Khi đồng nội tệ mất giá thì giá hàng nhập khẩu sẽ đắt hơn. Nếu hàng nhập khẩu để trực tiếp tiêu dùng thì làm tăng chỉ số giá tiêu dùng (CPI) trực tiếp. Nếu hàng nhập khẩu dùng cho sản xuất thì làm tăng chi phí sản xuất và dẫn tới tăng giá thành sản phẩm. Kết quả cũng là sự tăng lên của chỉ số giá tiêu dùng dẫn đến lạm phát có thể xảy ra.
Hiện nay, một số quốc gia lại đang quá phụ thuộc vào nguồn vốn nước ngoài tính bằng đồng USD, nhất là ở các nền kinh tế mới nổi. Khi đồng bản tệ của các nước này càng mất giá, nền kinh tế của họ càng thiệt hại hơn, dẫn đến thu nhập của người dân càng sụt giảm. Việc Fed cung ứng ra lượng USD giúp các nước này giải quyết được tình trạng khó khăn khi không thu đủ số USD để giải quyết các món nợ.
Vì những hệ lụy có thể gây nên một dây chuyền khủng hoảng kinh tế giữa các nước khi đồng USD tăng giá, việc cung ứng USD hay hoán đổi tiền tệ giữa các quốc gia ngoại trừ giúp giải quyết được bài toán chi phí vốn cho các doanh nghiệp nước đó, mà còn giúp giảm cầu USD, giảm áp lực nguồn cung ngoại hối cho NHTW của các nước, còn giúp nền kinh tế của các nước tránh được suy thoái.
Cũng vì vậy mà Fed vừa thực hiện thỏa thuận hoán đổi tiền tệ với 9 NHTW khác là Úc, Brazil, Đan Mạch, Hàn Quốc, Mexico, New Zealand, Na Uy, Singapore và Thụy Điển. Fed sẽ cung cấp USD cho NHTW các nước trong hạn mức thỏa thuận để đổi lấy bản tệ của nước đó theo tỷ giá hiện hành, và sẽ đổi ngược lại trong một thời điểm ấn định trong tương lai tại cùng mức tỷ giá. Fed cho biết các giao dịch hoán đổi sẽ kéo dài trong ít nhất là 6 tháng tới và khai thác tổng cộng 450 tỷ USD để đảm bảo hệ thống tài chính phụ thuộc vào đồng USD trên thế giới tiếp tục hoạt động. Trong đó, hạn mức cho mỗi NHTW Đan Mạch, Na Uy và New Zealand là 30 tỷ USD; 6 NHTW còn lại mỗi ngân hàng 60 tỷ USD.
Những cam kết này nằm ngoài thỏa thuận hoán đổi vĩnh viễn kể từ cuộc khủng hoảng tài chính năm 2008 của Fed với các NHTW của Canada, Anh, châu Âu, Nhật Bản và Thụy Sĩ.
Nhiều chuyên gia ở một số nước cho rằng trước mắt các thỏa thuận hoán đổi tiền tệ sẽ giúp ổn định thị trường trên toàn thế giới ở một mức độ nào đó, nhưng cuộc khủng hoảng do dịch Covid-19 lần này khác biệt hoàn toàn so với lịch sử năm 2008. Tác động do dịch Covid-19 gây ra được dự báo sẽ nặng nề và kéo dài hơn lên nền kinh tế toàn cầu.
Cát Lam