Vì sao thịt lợn chưa nằm trong danh mục hàng dự trữ quốc gia?

Vì sao thịt lợn chưa nằm trong danh mục hàng dự trữ quốc gia?
Trả lời tại cuộc họp báo sáng ngày 26/12 tại Hà Nội về lý do tại sao chưa đưa thịt lợn vào trong danh mục hàng dự trữ quốc gia, Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời cho biết, trong bối cảnh ngân sách còn khó khăn, nhiều mặt hàng sẽ được xem xét và cân nhắc trong thời gian tới.

Sẽ cân nhắc đưa vào danh mục dự trữ

Theo Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Dự trữ Nhà nước Lê Văn Thời, hiện Tổng cục Dự trữ Nhà nước đang phối hợp với các bộ, ngành để rà soát danh mục hàng dự trự quốc gia. Những mặt hàng nào cần thiết sẽ đưa vào, những mặt hàng nào chưa cần thiết, chưa thiết yếu trong điều kiện ngân sách còn khó khăn thì chưa đưa vào và những gì lạc hậu thì đưa ra. Việc rà soát, đánh giá và chuyển đổi này được thực hiện hàng năm.

“Tham khảo một số nước thì chúng tôi nhận thấy do nguồn ngân sách của họ có nên họ đưa vào khá nhiều mặt hàng thiết yếu để dự trữ. Như ở Nhật đưa vào dự trữ quốc gia cả nhà vệ sinh di động, cháo, thậm chí là cả nước và thiết bị để làm sạch nước. Còn ở Nga, họ dự trữ rất nhiều thịt bao gồm cả thịt gà, thịt bò và thịt lợn. Khi cần xuất ra thị trường thì các sản phẩm này đã được chia nhỏ theo lạng, kg, rất thuận lợi cho người dân. Tuy nhiên, chúng ta cần cân đối, xem xét để phù hợp với tình hình ngân sách bởi có những những mặt hàng đã được đề xuất nhưng sau khi xem xét ý kiến của các bộ, ngành thì thấy là chưa cần thiết. Không riêng gì thịt lợn mà nhiều mặt hàng đã và đang được cân nhắc, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của dự trữ quốc gia”, ông Thời cho biết.

Cũng theo ông Lê Văn Thời, danh mục hàng dự trữ quốc gia được quy định cụ thể trong Luật Dự trữ quốc gia năm 2012. Luật quy định danh mục hàng dự trữ quốc gia bao gồm các nhóm hàng: Lương thực; Vật tư, thiết bị cứu hộ, cứu nạn; Vật tư thông dụng động viên công nghiệp; Nhiên liệu... Trong nhóm hàng lương thực hiện nay mới chỉ có mặt hàng thiết yếu là gạo, chưa có thịt lợn. Mặc dù vậy, Tổng cục Dự dữ Nhà nước sẽ cân nhắc, tính toán đến phương án này.

Không riêng gì thịt lợn mà nhiều mặt hàng đã và đang được cân nhắc, sử dụng có hiệu quả nguồn lực của dự trữ quốc gia. Ảnh: Internet.

Cho biết thêm về một số nội dung liên quan đến hoạt động xuất cấp hàng dự trữ quốc gia cho các địa phương để hỗ trợ nhân dân khắc phục hậu quả thiên tai, dịch bệnh, cứu đói, dự án trồng rừng và học sinh vùng đặc biệt khó khăn trong năm 2019, đại diện Tổng cục Dự trữ Nhà nước cho biết, từ đầu năm đến nay, Tổng cục đã thực hiện xuất 110.784 tấn gạo với tổng giá trị khoảng 1.093 tỷ đồng để hỗ trợ nhân dân.

Đã xuất cấp hơn 110.000 tấn gạo

Trong đó, đã hỗ trợ tết Nguyên đán hơn 7,8 nghìn tấn gạo; hỗ trợ thiên tai mưa lũ 3,8 nghìn tấn gạo; hỗ trợ giáp hạt 6,7 nghìn tấn; hỗ trợ dự án rừng hơn 17,8 nghìn tấn; hỗ trợ gạo cho học sinh 69,4 nghìn tấn gạo; viện trợ ngoại giao 5.000 tấn gạo.

Về vật tư thiết bị, Tổng cục Dự trữ Nhà nước đã thực hiện xuất cấp trang thiết bị từ nguồn dự trữ quốc gia cho Ủy ban Quốc Gia ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn để cấp cho các bộ, ngành, địa phương với tổng giá trị khoảng 59 tỷ đồng….

Liên quan đến công tác xuất cấp gạo cứu đói cho người dân trong dịp Tết Nguyên đán năm 2020, Phó Tổng cục trưởng Lê Văn Thời cho biết, nhiều năm qua, hàng năm, vào dịp Tết Nguyên đán, Chính phủ đều có những chính sách và ban hành các quyết định xuất cấp từ nguồn dự trữ quốc gia để hỗ trợ cho các địa phương vùng khó khăn, đặc biệt là ở những địa bàn vùng sâu, vùng xa, vùng bị thiên tai, bão lụt nên người dân không bị đứt bữa.

Từ năm 2018 đến nay, Tổng cục Dữ trữ Nhà nước đã chủ động phối hợp với các địa phương sớm rà soát, xác định nhu cầu hỗ trợ lương thực dịp Tết nhằm hỗ trợ kịp thời cho nhân dân dịp Tết.

Về thời gian dự kiến hoàn thành việc xuất cấp gạo dự trữ, Tổng cục đặt mục tiêu sau thời gian 2 ngày, kể từ ngày Tổng cục Dự trữ Nhà nước nhận được quyết định của Thủ tướng Chính phủ và kế hoạch tiếp nhận của địa phương, gạo dự trữ quốc gia sẽ giao cho người dân.

Theo số liệu của Bộ NN&PTNT, sản lượng thịt lợn cả năm 2019 ước đạt khoảng 3,3 triệu tấn, giảm 13,5% so với năm 2018 (bao gồm giảm khoảng 9,0% do thiệt hại bị bệnh Dịch tả lợn châu Phi và gián tiếp do chưa tái đàn).

Hiện nay, tổng đầu lợn theo báo cáo của các tỉnh hiện còn khoảng 25 triệu con. Trong đó, đàn nái là 2,7 triệu con; đàn lợn giống cụ kỵ, ông bà còn 109 nghìn con, cơ bản đáp ứng đủ cho nhu cầu nhân giống phục vụ tái đàn lợn.

Xuân Thảo

Tags: Thịt Lợn Dự Trữ Quốc Gia Cấp Gạo Cứu Đói Danh Mục Hàng Dự Trữ Quốc Gia