Ngày 5/2, Ngân hàng Nhà nước thông báo: Hội đồng Quản trị Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) – cơ quan ra quyết định cao nhất của BIS đã ra thông cáo chính thức mời Ngân hàng Nhà nước Việt Nam làm hội viên trong năm 2020.
Cùng với Việt Nam, năm nay có ngân hàng trung ương các nước Morocco và Kuwait, nâng tổng số hội viên của BIS từ 60 lên 63.
Sự kiện này đánh dấu bước tiến mới trong tiến trình hội nhập quốc tế của Ngân hàng Nhà nước nói riêng và hệ thống ngân hàng nói chung.
Theo Ngân hàng Nhà nước, việc kết nạp hội viên mới của BIS là rất hạn chế, trung bình sau từ 5 - 10 năm mới kết nạp thêm hội viên. Lần kết nạp hội viên gần nhất diễn ra vào năm 2011.
"Việc lựa chọn kết nạp hội viên của BIS là rất nghiêm ngặt, dựa trên những tiêu chí như quy mô phát triển kinh tế, trình độ quản trị ngân hàng trung ương. Việc BIS mời Ngân hàng Nhà nước gia nhập thể hiện sự công nhận các thành quả phát triển kinh tế - xã hội của Việt Nam trong những năm qua cũng như những kết quả tích cực của Ngân hàng Nhà nước trong điều hành chính sách tiền tệ và quản lý hệ thống ngân hàng", thông báo trên cho biết.
Về phía Ngân hàng Nhà nước, việc trở thành thành viên của BIS sẽ giúp Ngân hàng Nhà nước và hệ thống ngân hàng tiếp cận các nguyên tắc, chuẩn mực cao nhất của hệ thống tài chính toàn cầu, góp phần đẩy nhanh việc hội nhập quốc tế của hệ thống tài chính ngân hàng trong nước, giúp củng cố, tăng cường năng lực và sức cạnh tranh của hệ thống tài chính ngân hàng Việt Nam cũng như của nền kinh tế.
Hơn nữa, Ngân hàng Nhà nước nói riêng và Việt Nam nói chung được tham gia trực tiếp vào quá trình xây dựng các chuẩn mực, nguyên tắc, tiêu chí, thông lệ hoạt động tài chính tiền tệ, ngân hàng trên thế giới, tạo cơ hội để xử lý các vấn đề đặc thù của nền kinh tế và hệ thống tài chính ngân hàng trong nước nhằm củng cố ổn định tài chính và tăng trưởng bền vững.
Thành lập năm 1930, BIS là tổ chức quốc tế lâu đời nhất và là một trong những tổ chức uy tín nhất trong hệ thống tài chính, tiền tệ toàn cầu.
Hội viên của BIS gồm ngân hàng trung ương/cơ quan quản lý tiền tệ các nước, bao gồm các nước phát triển và một số quốc gia đang phát triển có tầm ảnh hưởng trên toàn cầu như các nước thuộc nhóm G7, G20 và OECD, chiếm 95% GDP toàn thế giới.
BIS gồm 06 ủy ban và 03 tổ chức/diễn đàn trực thuộc. Trong đó, 06 ủy ban trực thuộc gồm Ủy ban Irving Fisher về Thống kê NHTW (IFC), Ủy ban Cơ sở hạ tầng Thanh toán và Thị trường (CPMI), Ủy ban Basel về Thanh tra ngân hàng (BCBS), Ủy ban Hệ thống tài chính toàn cầu (CGFS), Ủy ban thị trường (Market Committee), và Diễn đàn NHTW.
03 tổ chức/diễn đàn trực thuộc gồm Hội đồng Ổn định Tài chính (FSB), Hiệp hội quốc tế các Cơ quan Bảo hiểm tiền gửi (IADI), và Hiệp hội quốc tế các Cơ quan Giám sát Bảo hiểm (IAIS).
Thông qua hoạt động của các ủy ban/tổ chức/diễn đàn trực thuộc, BIS có vai trò chủ chốt trong việc thiết lập các nguyên tắc, chuẩn mực chung cho hoạt động của thị trường tài chính, ngân hàng, bảo hiểm toàn cầu mà tiêu biểu là Khuôn khổ Basel về Thanh tra, giám sát ngân hàng I, II, III cùng nhiều chuẩn mực quốc tế khác trong lĩnh vực thị trường tài chính, bảo hiểm, hệ thống thanh toán...
BIS tham gia trực tiếp vào hoạt động của các nhóm nước như G7, G20, OECD cũng như các khuôn khổ hợp tác khu vực (như ASEAN, APEC …) để phối hợp với các nước, khu vực trong việc xây dựng và thực thi các chuẩn mực quốc tế, đảm bảo sự vận hành trôi chảy của thị trường tài chính quốc tế, củng cố ổn định tài chính và hỗ trợ tăng trưởng kinh tế toàn cầu.
Bên cạnh đó, BIS còn là đối tác thực hiện các nghiệp vụ đầu tư ngoại hối cho các ngân hàng trung ương, là diễn đàn hợp tác giữa các ngân hàng trung ương, là nơi các ngân hàng trung ương /cơ quan quản lý tiền tệ tiến hành phối hợp chính sách tiền tệ, trao đổi kinh nghiệm điều hành chính sách và hệ thống ngân hàng tài chính, thực hiện các nghiên cứu về những vấn đề nổi cộm, cùng quan tâm trong hệ thống tài chính, hướng tới đảm bảo ổn định tài chính và tiền tệ toàn cầu.
BIS là tổ chức đi đầu trong việc nghiên cứu những xu thế mới của hệ thống tài chính toàn cầu như sự tham gia của các tập đoàn công nghệ lớn trong lĩnh vực tài chính, tác động của tiến trình số hóa tới hoạt động quản lý, thanh tra giám sát hệ thống tài chính...
Linh Linh