Vietnam Airlines ước tính thừa 40 tàu bay, đàm phán người lao động luân phiên nghỉ việc không lương

Vietnam Airlines ước tính thừa 40 tàu bay, đàm phán người lao động luân phiên nghỉ việc không lương
Tình trạng dôi dư tàu bay, nhiều thị trường không thể khai thác khiến Vietnam Airlines đang phải đối mặt với nhiều khó khăn, lên phương án cắt giảm nhân sự, giảm lương.

Ngày 28/2, ông Nguyễn Hoàng Anh, Chủ tịch Ủy ban quản lý vốn Nhà nước tại doanh nghiệp đã chủ trì cuộc họp với 19 tập đoàn, tổng công ty đánh giá ảnh hưởng của dịch bệnh Covid-19 đến hoạt động sản xuất kinh doanh của các đơn vị trực thuộc này.

Tại cuộc họp, ông Dương Chí Thành, Tổng giám đốc Tổng công ty Hàng không Việt Nam - Vietnam Airlines (VNA, mã HVN) nói: “Cập nhật ngày hôm qua tình hình khác rất nhiều, xấu đi gấp đôi”.

Ông Thành cho biết, hơn 1 tháng phòng chống dịch, triển khai các biện pháp, ngay từ 20/1 VNA đã phải điều chỉnh dịch vụ trên máy bay. Chiều 30/1 đã họp để cắt giảm các chuyến bay. Tháng 2/2020, kế hoạch ban đầu là doanh thu 60 tỷ đồng tuy nhiên sau đó thực tế thu được là 25 tỷ đồng. Tháng 3/2020 kế hoạch doanh thu là 70 tỷ nhưng khả năng chỉ được 5 tỷ đồng.

Hàn và Nhật Bản là 2 thị trường quan trọng nhất của VNA hiện cũng đang có những diễn biến rất phức tạp về tình hình dịch bệnh. Theo lãnh đạo VNA, VNA vận hành khoảng 100 chiếc máy bay, tuần trước báo cáo dôi dư khoảng 20-30 chiếc nhưng tuần này số máy bay thừa khoảng 40 chiếc.

Ngoài thị trường quốc tế, thị trường nội địa cũng ảnh hưởng. Thông thường tháng 5 hàng năm là cao điểm mùa hè, nhưng năm nay trong bối cảnh học sinh nghỉ học dài ngày vì dịch bệnh, coi như năm nay không có cao điểm hè.

Đầu năm 2020, VNA đã làm hợp đồng cho thuê tàu bay với đối tác châu Âu tuy nhiên, thời điểm làm gần xong hợp đồng cho thuê 10 chiếc tàu bay phía đối tác thông báo huỷ hợp đồng bởi dịch bệnh Covid-19.

Về lực lượng lao động tại Vietnam Airlines, theo ông Thành, 20.000 cán bộ nhân viên ảnh hưởng trực tiếp do thị trường Trung Quốc, Hàn Quốc giảm gần hết, Singapore cũng cắt giảm các đường bay giải pháp được VNA đưa ra là lao động nước ngoài có hợp đồng sẽ đàm phán họ nghỉ không lương trong 1 thời gian. Trước mắt làm việc với phi công nước ngoài nghỉ không nhận lương 3 tuần. Người Việt Nam thì sẽ giảm từ 2 tuần đến 10 ngày, thay phiên nhau nghỉ. Lãnh đạo doanh nghiệp cũng giảm thu nhập 40%, nhân viên chưa giảm lương nhưng khi nghỉ sẽ không nhận lương.

“Trong khó khăn, thị trường chắc chắn sẽ phục hồi vấn đề là khi nào và tốc độ phục hồi ra sao”, ông Thành nói.

Ngày 27/2, tại cuộc họp của Bộ Giao thông vận tải, đánh giá thiệt hại của ngành vận tải do dịch Covid-19, ông Đinh Việt Thắng, Cục trưởng Cục Hàng không, cho biết dịch bệnh diễn biến ngày càng phức tạp, khiến thiệt hại các hãng hàng không nặng nề hơn.

Theo ước tính sơ bộ, dịch bệnh có thể tác động làm giảm doanh thu của các hãng Việt Nam khoảng 25.000 tỷ đồng.

Cục Hàng không cũng lên 2 kịch bản của thị trường hàng không: trường hợp khả quan nhất dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 4, thị trường sẽ đạt 67 triệu khách, giảm 15,4% so với 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 12,7 triệu khách quốc tế, giảm 28,3%; và 35,3 triệu khách nội địa, giảm 5,5%; tổng vận chuyển chỉ đạt 48 triệu khách (giảm 9,2% cùng kỳ).

Trường hợp xấu hơn, dịch bệnh được kiểm soát trước tháng 6, với ước tính huỷ toàn bộ các chuyến bay đến/đi Hàn Quốc, tổng thị trường chỉ đạt 61,2 triệu khách, giảm 22,6% so với 2019. Trong đó, các hãng Việt Nam vận chuyển được 10,4 triệu khách quốc tế và 35,3 triệu khách nội địa; tổng vận chuyển chỉ đạt 45,7 triệu khách, giảm 17% so cùng kỳ.

BẢO VY

Tags: Hàng Không Covid-19 Vietnam Airlines