Vingroup rút khỏi mảng hàng không

Vingroup rút khỏi mảng hàng không
Vingroup dừng làm Vinpearl Air, rút khỏi mảng vận tải hàng không, song vẫn duy trì trường đào tạo nhân lực.

Vingroup vẫn duy trì trường đào tạo nhân lực ngành hàng không.

Ngày 14/1, Tập đoàn Vingroup công bố rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng không VinAviation sẽ vẫn duy trì hoạt động theo cam kết với các học viên.

Vingroup cũng cho biết vừa gửi văn bản lên Bộ Giao thông vận tải, chính thức xin rút khỏi lĩnh vực kinh doanh vận tải hàng không. Tập đoàn này nhấn mạnh đây là bước đi nhất quán trong việc tập trung tối đa nguồn lực cho mục tiêu chiến lược là công nghệ và công nghiệp. 

"Quyết định trên không ảnh hưởng đến mảng đào tạo phi công do Trường Đào tạo nhân lực kỹ thuật cao ngành Hàng Không VinAviation đảm nhiệm. Khoá Đào tạo đang triển khai vẫn tiếp tục được duy trì với đầy đủ những cam kết đã có với học viên", đại diện tập đoàn này cho hay. Đồng thời, Vingroup khẳng định vẫn tiếp tục tham gia các dự án xây dựng, cải tạo hạ tầng hàng không. 

Trao đổi về quyết định trên, ông Nguyễn Việt Quang, Phó chủ tịch kiêm Tổng giám đốc Tập đoàn Vingroup cho biết, thị trường Hàng không Việt Nam rất tiềm năng và đang phát triển mạnh, nhưng cũng có các công ty lớn đang tham gia.

"Việc Vingroup đầu tư mạnh vào hàng không có thể dẫn đến dư thừa nguồn cung, gây lãng phí cho xã hội, đồng thời chúng tôi cũng cần tập trung nguồn lực cho việc phát triển mảng Công nghệ - Công nghiệp của mình, vì vậy chúng tôi quyết định rút lui", vị này nói. 

Trước đó, cách đây nửa năm, Vingroup đã tiến hành thủ tục đổi tên Công ty Phát triển thương mại và dịch vụ VinAsia (thành lập tháng 6/2017) thành Công ty Hàng không Vinpearl Air, có vốn điều lệ 1.300 tỷ đồng, trụ sở tại quận Long Biên, Hà Nội. Từ một doanh nghiệp có ngành nghề kinh doanh chính là bất động sản, đơn vị này được chuyển đổi sang vận tải hành khách hàng không.

Ngay sau đó, Vingroup ký thoả thuận với Tập đoàn CAE (Canada) hợp tác đào tạo phi công, kỹ thuật bay và các nhân sự khác trong lĩnh vực hàng không nhằm cung cấp nguồn lực kỹ thuật cao cho Việt Nam và thế giới. Dự kiến, mỗi năm có 400 phi công và thợ máy đạt tiêu chuẩn quốc tế CAAV, FAA và EASA được cung ứng ra thị trường. Vingroup cho biết cũng sẽ đào tạo các nhân sự khác trong ngành hàng không như huấn luyện chuyển loại, nâng cấp và định kỳ cho phi công, thợ máy; huấn luyện nhân viên điều phái bay, tiếp viên hàng không; quản trị hàng không, kinh tế vận tải hàng không và kỹ sư máy bay....

Đơn vị này sau đó cũng đề xuất dự án lập hãng hàng không Vinpearl Air. Cơ quan quản lý cho rằng Dự án lập hãng hàng không Vinpearl Air đủ điều kiện trình Thủ tướng xem xét, chấp thuận với quy mô 30 máy bay vào năm 2025. Theo đề án của Vinpearl Air, hãng hàng không có tổng vốn đầu tư 4.700 tỷ đồng, dự kiến khai thác cả nội địa và quốc tế từ tháng 7/2020, khởi đầu với đội bay 6 chiếc. Sau đó, mỗi năm, Vinpearl Air sẽ khai thác thêm 6 chiếc, nâng tổng số tàu bay lên 36 vào năm 2025.  Tuy nhiên, Cục Hàng không lưu ý Vinpearl Air về quy mô đội bay 36 chiếc vào năm 2025 có khả năng vượt quá nhu cầu của thị trường. Do vậy, quy mô đội bay của Vinpearl Air nên ở mức 30 máy bay vào năm 2025 là phù hợp.

Gần đây Vingroup công bố rút khỏi một số mảng để tập trung vào mảng công nghệ và công nghiệp. Đầu tháng 12/2019, Vingroup và Tập đoàn Masan thỏa thuận sáp nhập Công ty cổ phần Dịch vụ Thương mại Tổng hợp VinCommerce (đơn vị vận hành VinMart và VinMart+) và Công ty TNHH Đầu tư Phát triển Sản xuất Nông nghiệp VinEco vào Công ty cổ phần Hàng tiêu dùng Masan. Nửa tháng sau đó, Adayroi dừng hoạt động, tích hợp vào ứng dụng VinID, trong khi VinPro bị giải thể - đánh dấu việc Vingroup rút hẳn mảng bán lẻ. 

Nguyễn Hà

Tags: Kinh Doanh Vận Tải Hàng Không Phi Công Vingroup Vinaviation Vinpearl Air