Virus Corona đã cuốn bay của thị trường chứng khoán Việt gần 10 tỷ USD

Virus Corona đã cuốn bay của thị trường chứng khoán Việt gần 10 tỷ USD
Chỉ cần 3 phiên giao dịch, virus Corona đã “đánh ngã” VN-Index về vùng điểm thấp nhất trong 1 năm giao dịch trở lại đây. Trong thời gian tới, nhà đầu tư tiếp tục trông chờ vào sự vững vàng của mốc kháng cự mạnh nhất, 900 điểm.

Chứng khoán Việt Nam bị cuốn phăng gần 10 tỷ USD vì virus Corona (ảnh minh họa)

Thị trường chứng khoán cần từ 3 đến 6 tháng để bình ổn

Chốt phiên giao dịch 3/2, VN-Index giảm 8,48 điểm, tương đương 0,91% về mốc 928,14 điểm. Đây là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp của VN-Index sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và cũng là vùng điểm thấp nhất của chỉ số chuẩn trong 1 năm giao dịch trở lại đây.

Ngay từ đầu phiên sáng, VN-Index đã rơi vào tâm lý hoảng loạn khi có lúc xuống dưới ngưỡng tâm lý 900 điểm. Tuy vậy, trong phiên chiều, nhờ sự hồi phục của một số cổ phiếu bluechips trụ cột như BID, CTG, HPG, đà giảm của thị trường đã phần nào được hoãn lại. 

Trong rổ VN30, số mã giảm điểm áp đảo với 20 mã so với 7 mã tăng điểm. Các cổ phiếu có ảnh hưởng tiêu cực nhất đến VN-Index là VHM, GAS và PLX khi lấy đi của chỉ số lần lượt 2,24, 1,84 và 0,75 điểm. Ở chiều ngược lại, các cổ phiếu có ảnh hưởng tích cực nhất đến chỉ số dĩ nhiên là là BID, CTG và HPG với mức đóng góp vào chỉ số lần lượt là 2,34, 0,81 và 0,36 điểm tăng. Thanh khoản trên sàn HSX đạt 239 triệu cổ phiếu, tăng so với mức 204 triệu của phiên trước.

Đây là phiên giảm điểm thứ 3 liên tiếp của VN-Index sau kỳ nghỉ Tết Nguyên Đán và cũng là vùng điểm thấp nhất của chỉ số chuẩn trong 1 năm giao dịch trở lại đây. Tác nhân chính được cho là do đại dịch virus Corona và những ảnh hưởng tiêu cực từ sự sụt giảm mạnh gần 7% của thị trường Trung Quốc trong ngày giao dịch đầu tiên sau kì nghỉ Lễ.

Tính toán của Nhadautu.vn thậm chí cho thấy (từ phiên 22/1, phiên cuối trước khi nghỉ Tết Nguyên Đán), 3 phiên giảm điểm đã đánh bay gần 9,6 tỷ USD vốn hóa của chỉ số chuẩn.

Cùng với đà bán tháo trên thị trường, khối ngoại cũng bán ròng trong phiên 30-31/1, và mua ròng trở lại trong phiên 3/2. Tính chung, khối ngoại đã bán ròng 157 tỷ đồng trên HOSE trong 3 phiên giao dịch đầu năm Canh Tý. Dù vậy, tính từ đầu năm 2020 tới nay, khối ngoại vẫn mua ròng khá mạnh với giá trị hơn 2.000 tỷ đồng trên HoSE.

Những diễn biến thời điểm hiện tại có phần phù hợp với các kỳ đại dịch trước đó.

Một thống kê từ CTCP Chứng khoán Agribank (Agriseco Research) cho biết, trong các trận đại dịch SARS, H5N1 hay H1N1, TTCK thế giới thường giảm mạnh trong giai đoạn dịch bùng phát nhưng tăng trở lại ít nhất trung bình 8,5% sau đó 6 tháng. Ngoài ra, thống kê cũng cho thấy khi đại dịch đạt đỉnh thì cũng là thời điểm TTCK bắt đầu tạo đáy và tăng điểm trở lại. Trong các đại dịch trước, thông thường VN-Index mất nhiều điểm nhất trong thời gian dịch cao trào kéo dài khoảng 6 tuần. Công ty này nhận định, VN-Index nhiều khả năng có thể giảm thêm 3-5% trước khi bình yên và hồi phục trở lại.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC) đánh giá, đối chiếu với dịch SARS tương tự, trong khoảng 3 tháng đến khi dịch bệnh tạo đỉnh và bắt đầu được khống chế. Ở khoảng thời gian này, TTCK thường phản ứng thất thường và giảm điểm.

Nhà đầu tư nên có hành động thế nào?

Hạ đòn bẩy với các nhà đầu tư nắm nhiều cổ phiếu là phương án tiên quyết và cần sự dứt khoát, dù vậy BSC vẫn lưu ý nhà đầu tư, “không bán hoảng loạn bằng mọi giá”. Ngoài ra, công ty này cũng khuyên nhà đầu tư tìm cơ hội tăng tỷ trọng tại các ngành, cổ phiếu theo lịch sử là được hưởng lợi.

CTCP Chứng khoán Ngân hàng Công thương Việt Nam xác định, thị trường chứng khoán sẽ ảnh hưởng ngắn hạn và ngưỡng hỗ trợ theo phân tích kỹ thuật mạnh nhất sẽ nằm quanh mức 900 điểm. CTCK này cho hay, tín hiệu bắt đáy sẽ xuất hiện khi có quốc gia đầu tiên công bố khống chế dịch thành công.

Trong khi đó, CTCP Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) nhận định, rủi ro giảm điểm của thị trường vẫn đang hiện hữu nên nhà đầu tư có tỷ trọng tiền mặt cao chỉ cân nhắc giải ngân ở các vùng hỗ trợ mạnh như 898 – 910 điểm hay 860 – 870 điểm. Nhà đâu tư cần hạn chế các hoạt động mua đuổi giá cao khi thị trường phục hồi mạnh.

Bộ phận phân tích doanh nghiệp của công ty chứng khoán VnDirect cho rằng nCoV là một sự kiện thiên nga đen, gây tác động mạnh trong ngắn hạn nhưng khó có thể thay đổi cả một chu kỳ kinh tế. VnDirect khuyến nghị, nhà đầu tư cần cân nhắc giữa việc giữ vị thế an toàn trong ngắn hạn (hạ tỷ trọng cổ phiếu) với việc duy trì trạng thái dài hạn đối với những doanh nghiệp tăng trưởng bền vững và ít chịu ảnh hưởng từ dịch bệnh này.

Với những doanh nghiệp trong danh mục hoặc trong tầm ngắm, nhà đầu tư cần nhìn nhận đầy đủ về những yếu tố có thể ảnh hưởng như gián đoạn nguồn cung, khó khăn trong việc tiêu thụ sản phẩm hay mức độ ảnh hưởng về thị trường đầu ra kể cả khi dịch bệnh đã được kiểm soát trước khi ra quyết định giao dịch.

Cẩn trọng dòng tiền đầu cơ từ nhóm cổ phiếu Dược, Y tế

Trong phiên 3/2, cổ phiếu nhóm Dược, Y tế tiếp tục gây ấn tượng với mức tăng đạt 4,5%. Tính trong 1 tuần giao dịch trở lại đây, nhóm này đã sinh lời 16,9%, mức tăng trưởng ấn tượng trong khi tất cả các nhóm ngành khác đang chìm trong sắc đỏ.

Dù vậy, nhà đầu tư cần lưu ý tìm hiểu về hoạt động kinh doanh các doanh nghiệp này. Giới đầu tư nhận định, một số doanh nghiệp chưa chắc hưởng lợi từ dịch virus Corona, dù vậy dòng tiền đầu cơ vẫn hỗ trợ đẩy giá cổ phiếu tăng trưởng mạnh mẽ.

Ngoài ra, việc dịch bệnh kiểm soát cũng là yếu tố khiến cổ phiếu nhóm ngành này giảm về giá trị thật, sau một thời gian tăng trưởng nóng.

Bảo Linh

Tags: Nghỉ Tết Nguyên Đán Virus Corona Chứng Khoán Vn-Index Hose Sars H5N1