Tổng cục Thống kê cũng cho biết, tổng cộng có có 3.210 lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài trong giai đoạn này.
Trong tổng số lượt góp vốn, mua cổ phần của nhà đầu tư nước ngoài có 584 lượt góp vốn làm tăng vốn điều lệ của doanh nghiệp với giá trị vốn góp là 0,9 tỷ USD và 2.626 lượt nhà đầu tư nước ngoài mua lại cổ phần trong nước mà không làm tăng vốn điều lệ với giá trị 1,6 tỷ USD.
Thống kê trên chỉ công bố con số “dòng vào”, trong khi vốn đầu tư gián tiếp là loại vốn linh hoạt, dễ dàng rút ra khỏi doanh nghiệp bằng cách bán ra, tất toán các khoản họ đã đầu tư.
Liên quan đến vốn đầu tư gián tiếp vào Việt Nam, thống kê trên TTCK cho thấy, quý I/2020, khối ngoại mua vào 36.965 tỷ đồng, nhưng bán ra 45.680 tỷ đồng. Sang tháng 4, khối ngoại mua 9.325 tỷ đồng, nhưng bán ra 16.800 tỷ đồng.
Tính chung 4 tháng đầu năm, khối ngoại mua vào 46.290 tỷ đồng, nhưng bán ra 62.480 tỷ đồng. Con số mua vào (cổ phiếu, chứng chỉ quỹ…) trên TTCK 4 tháng đầu năm nay tương đương 2,1 tỷ USD, nằm trong tổng số 2,5 USD mà vốn ngoại góp vốn, mua cổ phần (thống kê trên TTCK chỉ dành cho các DN niêm yết và DN có cổ phiếu giao dịch trên sàn UPCoM, không tính đến các DN ngoài sàn).
Xét riêng về giá trị đầu tư gián tiếp, 4 tháng đầu năm nay, vốn ngoại giảm tới 65,3% so với cùng kỳ 2019.
Nhìn sâu vào dòng chảy vốn ngoại vào các DN Việt còn thấy hiện trạng đáng lo hơn, khi dòng vốn vào nhỏ hơn dòng vốn rút ra khỏi DN. Riêng trên TTCK, lượng bán ròng 4 tháng đầu năm là 62.480 tỷ đồng, tương đương 2,8 tỷ USD.
Việc nhà đầu tư nước ngoài rút vốn là xu hướng chung của nhiều TTCK thế giới trong bối cảnh đại dịch gây nên nỗi lo sợ trên toàn cầu.
Tại Việt Nam, phân tích của nhà quản lý TTCK cho biết, trong thời gian qua, đối tượng rút vốn chủ yếu là các quỹ đầu tư ngắn hạn (các quỹ ETF là chính).
Tính đến cuối tháng 3/2020, danh mục đầu tư trên TTCK do nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ vào khoảng 28 tỷ USD, trong đó ước tính 9,5 tỷ USD do các nhà đầu tư mang tính ngắn hạn nắm giữ và 18,5 tỷ USD do các nhà đầu tư trung và dài hạn nắm giữ.
Dự báo từ cơ quan quản lý TTCK cũng cho rằng, nếu tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp trên bình diện quốc tế thì khả năng một số nhà đầu tư trung và dài hạn cũng có thể rút vốn cả trên thị trường cổ phiếu và thị trường trái phiếu.
Mức rút vốn kể cả trong kịch bản xấu, có thể vẫn chưa gây sức ép lên dự trữ ngoại hối, nhưng nếu xảy ra tình huống nhà đầu tư bán dồn dập vào một thời điểm ngắn thì sức cầu trong nước sẽ khó hấp thụ, hệ lụy có thể làm ảnh hưởng đến giá chứng khoán.
Bên cạnh các giải pháp khôi phục lại nền sản xuất trong nước, diễn biến vốn ngoại vào ít, rút ra nhiều như trên khiến nhiều ý kiến từ thị trường cho rằng, Chính phủ cần có sự quan tâm và có giải pháp chính sách, có thông điệp để giữ chân dòng vốn ngoại ở lại với DN Việt Nam.
Dòng vốn này không chỉ cung cấp tài chính cho các DN, mà còn có thể giúp các DN Việt Nam cải thiện chất lượng quản trị, mở rộng thị trường, hòa nhập nhanh hơn vào chuỗi sản xuất toàn cầu.
Tường Vi