Giá xăng tiếp tục giảm, lập mức rẻ kỷ lục mới
Tại kỳ điều chỉnh chiều 13/4, Liên Bộ Công Thương - Tài chính đã quyết định điều chỉnh theo hướng giảm giá các loại mặt hàng xăng dầu.
Cụ thể, giá xăng E5RON92 được điều chỉnh giảm 613 đồng/lít; Xăng RON 95 giảm 621 đồng/lít; Dầu diesel giảm 436 đồng/lít; Dầu hỏa giảm 502 đồng/lít; Dầu mazut giảm 126 đồng/kg.
Sau điều chỉnh, giá xăng E5RON92 có bán tối đa là 11.343 đồng/lít; Xăng RON 95 là 11.939 đồng/lít; Dầu diesel 10.823 đồng/lít; Dầu hỏa 8.639 đồng/lít; Dầu mazut 9.327 đồng/kg.
Tại kỳ điều hành này, Liên Bộ đã thực hiện trích lập Quỹ BOG đối với xăng E5RON92 ở mức 400 đồng/lít; xăng RON95, dầu hỏa và dầu diesel ở mức 1.400 đồng/lít; dầu mazut trích lập ở mức 200 đồng/kg.
Giá xăng có thể giảm sâu hơn nữa nếu đề xuất này được chấp thuận
Nhiều ý kiến cho rằng, mức giảm của xăng dầu trong nước là chưa tương xứng với mức giảm của thế giới.
Ngoài vấn đề quỹ bình ổn giá, thuế phí ở mức cao là một trong những nguyên nhân xuất hiện độ “vênh". Bộ Công Thương cho biết, hiện nay, tỷ trọng thuế, phí trong giá xăng dầu hiện ở mức cao (khoảng 55 - 60% đối với mặt hàng xăng, 35 - 40% đối với mặt hàng dầu).
Trong đó, thuế bảo vệ môi trường chiếm khoảng 32% đối với mặt hàng xăng và từ 11 - 20% đối với mặt hàng dầu. Do vậy, mới đây, Bộ Công Thương vừa đề xuất Chính phủ xem xét, chỉ đạo Bộ Tài chính nghiên cứu và trình phương án giảm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng dầu ở mức phù hợp.
Đặc biệt, theo Bộ Công Thương, cần xem xét điều chỉnh giảm thêm thuế bảo vệ môi trường đối với mặt hàng xăng sinh học E5 RON 92 cho phù hợp với thực tế để tạo mức chênh lệch giá và khuyến khích sử dụng xăng sinh học.
“Hiện tại, thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 RON 92 đang ở mức 3.800 đồng/lít, việc tính thuế bảo vệ môi trường đối với xăng sinh học E5 bằng 95% mức thuế bảo vệ môi trường của xăng khoáng RON92 như hiện nay là chưa phù hợp”, Bộ Công Thương cho biết.
Chính thức chuyện "chưa từng có": Miễn giảm 11.000 tỷ đồng tiền điện
Ngày 16/4, Bộ Công Thương chính thức có quyết định giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng bị ảnh hưởng bởi đại dịch Covid-19.
Theo đó, khách hàng sử dụng điện sinh hoạt cũng được giảm 10% giá bán lẻ điện bậc 1-4 (dưới 300 kWh/tháng). Cục Điều tiết Điện lực tính toán, khách hàng dùng ở mức 100 kWh một tháng được hỗ trợ 17.000 đồng. Tương tự, mức 200kWh thì khoản tiền hỗ trợ 37.000 đồng mỗi tháng; mức 300 kWh thì khoản hỗ trợ là 62.560 đồng một tháng.
Còn hộ dùng điện từ 300 kWh trở lên, khoản tiền được hỗ trợ tối đa là 62.560 đồng một tháng (do vẫn được hưởng giảm 10% đơn giá điện bậc 1-4).
Như vậy, giá bán lẻ điện sinh hoạt sẽ được giảm từ kỳ ghi chỉ số công tơ tháng 5, 6 và 7, tương ứng với tiền điện các tháng 4, 5 và 6.
Doanh nghiệp sản xuất, kinh doanh cũng sẽ được giảm 10% giá điện ở các khung giờ cao điểm, bình thường và thấp điểm.
Cơ sở lưu trú du lịch sẽ được giảm giá điện từ giá bán lẻ điện kinh doanh xuống bằng mức giá điện sản xuất sau giảm giá.
Giá bán buôn điện tại khu vực nông thôn, khu tập thể, cụm dân cư, tổ hợp thương mại được giảm 10% bậc 1-4 của giá sinh hoạt; giảm 10% giá bán buôn cho mục đích khác theo đơn giá hiện hành. Các khu công nghiệp, chợ cũng được giảm 10% giá bán buôn điện.
Tổng số tiền hỗ trợ giảm giá điện, tiền điện cho khách hàng ảnh hưởng vì Covid-19 ước tính 11.000 tỷ đồng.
Nguyên nhân nào khiến tiền điện của người dân tăng đột biến?
Nhiều người dân ở TPHCM phản ánh tiền điện sinh hoạt phải đóng trong tháng 3 bất ngờ tăng vọt 30-40%, có những gia đình, tiền điện thậm chí tăng gấp đôi so với bình thường.
Ông Bùi Trung Kiên, Phó TGĐ Tổng công ty Điện lực TPHCM (EVN HCMC) cho biết, theo quy luật hàng năm, từ tháng 3 đến tháng 6 là mùa nắng nóng.
Nhiệt độ trung bình các tháng đều tăng cao, trong đó nhiều ngày có nhiệt độ lên đến 37 – 40 độ C. Tổng lượng điện tiêu thụ của TPHCM trong tháng 3 so với tháng 2 cũng tăng mạnh.
Tháng 3/2017 tăng khoảng 15, 6%, tháng 3/2018 tăng 22,13% và tháng 3/2019 tăng 21,24% so với cùng kỳ năm trước. Như vậy, càng nắng nóng, nhu cầu sử dụng điện của thành phố càng tăng.
Cũng theo ông Kiên, nguyên nhân tiếp theo chính là kỳ hóa đơn tháng 4 (sử dụng điện trong tháng 3) có số ngày sử dụng điện nhiều hơn 2 ngày so với kỳ hóa đơn tháng 3 (sử dụng điện trong tháng 2), tương đương 6,89%. Đây cũng là nguyên nhân khiến lượng điện năng tiêu thụ của kỳ hóa đơn này tăng nhiều hơn so với kỳ hóa đơn trước.
Ngoài ra, do dịch Covid-19, học sinh nghỉ học dài ngày, người dân ở nhà phòng dịch ngay trong thời gian nắng nóng nên việc sử dụng điện trong sinh hoạt tăng mạnh hơn. Một số người chưa chủ động tiết kiệm điện và liên tục mở máy lạnh khi thấy nóng.
Tổng cục Dự trữ Nhà nước chỉ mua được 4% chỉ tiêu gạo dự trữ năm 2020
Thủ tướng yêu cầu phải mua đủ số lượng 190.000 tấn gạo dự trữ quốc gia năm 2020 nhưng đến thời điểm hiện tại, Tổng cục Dự trữ Nhà nước mới mua được 7.700 tấn (4%) do doanh nghiệp trúng thầu bỏ hợp đồng.
Dư luận dấy lên thông tin Tổng cục Dự trữ đưa giá chào mua quá rẻ khiến doanh nghiệp cảm thấy bất lợi không cung cấp, chấp nhận bỏ hợp đồng?
Ông Đỗ Việt Đức, Tổng cục Dự trữ Nhà nước (Bộ Tài chính) cho rằng: Tại thời điểm mở thầu tại sao rẻ quá? Rẻ quá sao có doanh nghiệp trúng thầu.
Theo ông Đức, nhiều doanh nghiệp lý giải tại thời điểm mở thầu thì giá "được", nhưng những ngày sau họ bị tác động mạnh từ diễn biến thị trường giá tăng, nguồn cung không đảm bảo nên không mua được gạo, không cung ứng được.
Hải quan nêu tên 4 doanh nghiệp "bùng" gạo dự trữ để đi xuất khẩu
Ông Âu Anh Tuấn, Cục trưởng Cục Giám sát quản lý về hải quan, Tổng cục Hải quan cho biết, danh sách đăng ký tờ khai xuất khẩu xuất hiện những doanh nghiệp đã trúng thầu dự trữ quốc gia mặt hàng gạo theo đấu thầu của Tổng cục dự trữ Nhà nước. Theo báo cáo của Tổng cục Dự trữ Nhà nước, họ không đến ký hợp đồng hoặc từ chối ký hợp đồng cung cấp gạo dự trữ quốc gia .
Đáng nói, khi hệ thống hải quan cho đăng ký tờ khai xuất khẩu, các doanh nghiệp này lại đăng ký tờ khai xuất khẩu lên tới hàng nghìn tấn gạo.
Cụ thể: Tổng Công ty lương thực miền Bắc (Vinafood1) trúng thầu 4.500 tấn, đến thời điểm hiện nay chưa ký hợp đồng. Tuy nhiên doanh nghiệp này lại đăng ký xuất khẩu 8 tờ khai với số lượng 7.200 tấn.
Công ty TNHH Phát Tài trúng thầu 17.940 tấn gạo dự trữ, nhưng doanh nghiệp cũng đăng ký 5 tờ khai xuất khẩu, tổng khối lượng hơn 13.000 tấn.
Công ty Cổ phần Vĩnh Tường và Công ty CP xuất nhập khẩu Thuận Ninh cũng nằm trong danh sách trúng thầu nhưng chưa ký hợp đồng với Tổng Cục dự trữ Nhà nước. Hai doanh nghiệp này cũng đăng ký tờ khai xuất khẩu trên 10.000 tấn.
Cơ quan Hải quan cho rằng, hiện tượng này làm phát sinh nguy cơ không đảm bảo an ninh lương thực quốc gia, đảm bảo dự trữ quốc gia.
Mở cửa đăng ký xuất gạo lúc nửa đêm: Có điều gì khuất tất không?
Cơ quan chức năng (bao gồm Bộ Công Thương, Tổng cục Hải quan) cho doanh nghiệp mở tờ khai làm thủ tục hải quan hạn ngạch (quota) xuất khẩu 400.000 tấn gạo vào lúc 0 giờ ngày 12/4 .
Chuyên gia kinh tế độc lập Nguyễn Đức Thành đánh giá, điều này khiến nhiều doanh nghiệp không kịp trở tay. Chỉ những doanh nghiệp biết được thông tin đó mới có thể đăng ký quota được.
“Tôi thấy đây là vấn đề bất nhất, tự đẩy chúng ta vào khó khăn, đẩy khó khăn thêm cho doanh nghiệp trong bối cảnh họ chịu tác động của dịch Covid-19”, PGS, TS Thành nói.
Theo kiến nghị của ông Thành, Chính phủ cần có giải pháp thay thế hạn ngạch bởi nặng tính xin cho và đẩy khó về cho các bên mà không hiệu quả. Ông Thành khuyến nghị nên sử dụng chính sách đánh thuế xuất khẩu gạo thay vì chính sách quota. Nếu sử dụng thuế có sự can thiệp nhưng không quá đột ngột với thị trường, ít nhất điều này tạo ra vùng đệm làm cho giá gạo trong nước luôn thấp hơn thế giới, giảm được lo lắng giá gạo trong nước tăng lên quá cao.
Việt Nam có thể là đại công xưởng khẩu trang của thế giới
Mới đây, lãnh đạo một công ty may lớn tại Việt Nam chia sẻ việc mới được “đặt hàng” 400 triệu khẩu trang y tế, trị giá 52 triệu USD.
Theo thông tin do Cục Công nghiệp tổng hợp, chỉ tính riêng 50 doanh nghiệp đã có báo cáo với Bộ Công Thương, năng lực sản xuất khẩu trang đã lên đến 8 triệu chiếc/ngày, tức là vào khoảng 200 triệu chiếc mỗi tháng. Nếu tính trên quy mô cả nước thì sản lượng sẽ lớn hơn rất nhiều.
Nguyên liệu sản xuất khẩu trang về cơ bản không quá khắt khe. Trước đây, doanh nghiệp phải nhập khẩu vải kháng khuẩn hoặc hóa chất để sản xuất ra vải kháng khuẩn. Nhưng hiện nay một số doanh nghiệp, điển hình như Công ty Dệt lụa Nam Định, đã có thể tự sản xuất vải kháng khuẩn hoàn toàn từ nguyên liệu sinh học trong nước.
Nếu có thị trường, có khách hàng thì năng lực sản xuất khẩu trang hiện nay còn có thể nâng cao hơn nữa. Trong số này, ngoài khẩu trang y tế thì khẩu trang vải cũng có khả năng “xuất ngoại".
Lãnh đạo Cục Xuất nhập khẩu khẳng định, Việt Nam có đủ năng lực để trở thành một quốc gia sản xuất khẩu trang vải lớn trên thế giới.
Mai Chi (tổng hợp)