Sau nhiều chờ đợi của nhà đầu tư, kết quả kinh doanh của Vingroup (mã chứng khoán VIC) trong quý 1/2020 cũng đã được công bố tại báo cáo tài chính hợp nhất quý 1/2020, cho thấy sự ảnh hưởng rõ nét của dịch Covid-19 tới tập đoàn này.
Theo đó, tổng doanh thu thuần hợp nhất trong quý 1 của Vingroup đạt 15.368 tỷ đồng - giảm 29,6% so với cùng kỳ năm trước, chủ yếu do không còn ghi nhận doanh thu từ hoạt động bán lẻ. Nếu loại doanh thu lĩnh vực bán lẻ trong quý 1/2019 để so sánh tương đương thì doanh thu quý 1/2020 vẫn tăng 3,9% so với cùng kỳ.
Trong khi đó, doanh thu chuyển nhượng bất động sản trong kỳ đạt 6.883 tỷ đồng. Doanh thu từ cho thuê bất động sản đầu tư và các dịch vụ liên quan đạt 1.797 tỷ đồng, tăng 6,4% so với cùng kỳ năm trước.
Doanh thu từ hoạt động du lịch và vui chơi giải trí trong quý 1/2020 đạt 1.806 tỷ đồng, giảm 6,7% so với cùng kỳ năm trước.
Với việc doanh thu bán ô tô bắt đầu được ghi nhận từ tháng 6/2019, doanh thu từ hoạt động sản xuất trong 3 tháng đầu năm nay đạt 3.259 tỷ đồng, tăng 164,6% so với cùng kỳ.
Kết thúc quý đầu tiên của năm, Vingroup đạt lợi nhuận trước thuế 3.428 tỷ đồng, tăng 77,8% so với cùng kỳ năm trước; tuy vậy, lợi nhuận sau thuế lại giảm 50% so với cùng kỳ, đạt 505 tỷ đồng.
Tại ngày 31/3/2020, Vingroup có 413.613 tỷ đồng tổng tài sản, vốn chủ sở hữu đạt 122.112 tỷ đồng, tăng lần lượt 2,4% và 1,3% so với cuối năm 2019.
Kết quả hoạt động sản xuất nói trên của Vingroup diễn ra trong bối cảnh, ba tháng đầu năm 2020, Vingroup và các doanh nghiệp Việt Nam phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức khi toàn bộ nền kinh tế bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19.
Theo thông tin từ Vingroup, trong lĩnh vực sản xuất, VinFast bắt đầu đẩy mạnh chiến lược tận dụng hệ sinh thái Vingroup. Đầu năm 2020, hãng điện thoại của Vingroup là VinSmart cũng đã ra mắt ba mẫu điện thoại mới, vươn lên top 3 thương hiệu bán chạy nhất tháng 3 với 16,7% thị phần điện thoại thông minh.
Trên thị trường chứng khoán, cổ phiếu VIC của Vingroup ghi nhận sụt giảm nhẹ 0,11% còn 91.900 đồng trong phiên giao dịch 29/4.
Trong khi đó, thị trường chứng khoán vẫn gặp khó trước kỳ nghỉ. VN-Index tăng 1,9 điểm (tương ứng 0,25%), lên 769,11 điểm và HNX-Index tăng 0,57 điểm (tương ứng 0,54%), lên 106,84 điểm. UPCoM-Index tăng 0,11 điểm (tương ứng 0,2%), lên 52,22 điểm.
Thanh khoản đạt 250,08 triệu cổ phiếu, tương ứng 4.191,08 tỷ đồng trên HSX và 47,87 triệu cổ phiếu, tương ứng 330,7 tỷ đồng trên HNX. Thị trường UPCoM có 11,48 triệu cổ phiếu giao dịch, tương ứng 148,28 tỷ đồng.
Toàn thị trường có 397 mã cổ phiếu tăng và 65 mã tăng trần, áp đảo so với 282 mã giảm và 38 mã giảm sàn. Tuy nhiên việc VIC giảm giá cũng như SAB, VHM, VNM, VPB, MSN diễn biến tiêu cực đã gây áp lực đáng kể lên chỉ số chính VN-Index. Ngược lại, VCB, CTG, BID, VJC tăng.
Mai Chi