Xuất, nhập khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc: Không bỏ trứng vào một giỏ

Xuất, nhập khẩu vào thị trường Mỹ và Trung Quốc: Không bỏ trứng vào một giỏ
Mỹ và Trung Quốc là 2 nền kinh tế lớn nhất thế giới, cũng là 2 thị trường xuất, nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam.

Tuy nhiên, giới phân tích nhìn nhận đối với một số mặt hàng thì không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, mà cần đa dạng hóa thị trường...

Xuất khẩu vào Mỹ đạt kỷ lục

Mỹ là thị trường mà Việt Nam xuất khẩu lớn nhất từ nhiều năm nay, vượt xa các thị trường đứng thứ 2. Năm 2019, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang thị trường này đạt 60,7 tỷ USD, cao nhất từ trước tới nay, vượt xa mức kỷ lục đã đạt được trong năm 2018 là 47,5 tỷ USD. Tỷ trọng của thị trường này trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam chiếm trên 23% - cao hơn tỷ trọng 19,5% của năm trước.

 May hàng xuất khẩu tại Tổng Công ty May 10. Ảnh: Công Hùng

So với cùng kỳ năm trước, năm nay tăng 27,8%, cao gấp 3 lần tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (8,1%). Mức tăng so với năm trước là 13,2 tỷ USD, chiếm 66,7% tổng mức tăng kim ngạch xuất khẩu của cả nước (19,8 tỷ USD).

Các mặt hàng Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ có 35 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD, trong đó có 24 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, với 13 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD, đặc biệt có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (dệt may, điện thoại và linh kiện, giày dép, máy tính, sản phẩm điện tử và linh kiện, thủy sản…).

Mặc dù xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng trên 2% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ, nhưng vẫn đứng thứ hạng cao (năm 2018 đứng thứ 12, sau Trung Quốc 539,5 tỷ USD, Mexico 346,5 tỷ USD, Canada 318,5 tỷ USD, Nhật Bản 152,6 tỷ USD, Đức 125,9 tỷ USD, Hàn Quốc 74,3 tỷ USD…). Dự báo năm 2019, vươn lên đứng thứ 8.

Trong khi xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ đạt quy mô lớn nhất và tăng với tốc độ rất cao, thì xuất khẩu sang Trung Quốc có quy mô nhỏ hơn nhiều và tăng rất thấp. Xuất khẩu sang thị trường này chiếm 15,7% tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước, chỉ bằng 2/3 tỷ trọng xuất khẩu của Việt Nam sang Mỹ.

So với cùng kỳ tăng không đáng kể (0,2%), thấp xa so với tốc độ tăng của xuất khẩu sang Mỹ cũng như tốc độ tăng của tổng kim ngạch xuất khẩu của cả nước. Các mặt hàng xuất khẩu sang Trung Quốc có nhiều, trong đó có 40 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD, với 29 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, đặc biệt có 10 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD (máy tính, điện thoại, rau quả, xơ sợi, máy móc, thiết bị, dụng cụ phụ tùng, cao su, gỗ. Trong 40 mặt hàng trên, có 16 mặt hàng giảm so với cùng kỳ (như rau quả, gạo, sắn và sản phẩm sắn, điện thoại, dầu thô, sản phẩm cao su, sản phẩm mây tre cói thảm…).

Nhập siêu từ Trung Quốc tăng cao

Nhập khẩu từ Trung Quốc trong năm 2019 chiếm tới 29,7% tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước, lớn nhất trong các thị trường. So với năm 2018, nhập khẩu từ Trung Quốc tăng 14,9%, cao gấp hơn 2 lần tốc độ tăng chung. Mức tăng nhập khẩu từ Trung Quốc so với năm trước lên tới 9,8 tỷ USD, chiếm trên 59% mức tăng tổng kim ngạch nhập khẩu của cả nước.

Nhập khẩu từ Trung Quốc có nhiều mặt hàng, trong đó có 43 mặt hàng đạt trên 10 triệu USD, với 34 mặt hàng đạt trên 100 triệu USD, có 21 mặt hàng đạt trên 500 triệu USD, đặc biệt có 14 mặt hàng đạt trên 1 tỷ USD. Mặt hàng máy móc, thiết bị, dụng cụ, phụ tùng Việt Nam nhập từ Trung Quốc chiếm tới 40,3% tổng kim ngạch của cả nước, trong khi các máy móc này phần nhiều không phải là kỹ thuật, công nghệ nguồn, thậm chí còn bị loại ra, nhưng DN Việt Nam đã ham rẻ nhập khẩu, làm cho năng suất, sức cạnh tranh thấp…

Do nhập khẩu tăng cao, xuất khẩu giảm, nên nhập siêu từ Trung Quốc lớn và tăng cao (40,2% so với cùng kỳ) với mức tăng lên đến 9,7 tỷ USD; tỷ lệ nhập siêu (so với xuất khẩu) của Việt Nam từ Trung Quốc lên đến 81,4%, cao hơn nhiều tỷ lệ tương ứng của năm trước (58,2%). Nhập siêu từ Trung Quốc lớn và tăng cao do nhiều yếu tố. Xuất khẩu tiểu ngạch của Việt Nam sang Trung Quốc gặp khó khăn do Trung Quốc thay đổi chính sách nhập khẩu tiểu ngạch.

Đồng tiền NDT của Trung Quốc giảm giá mạnh so với USD, trong khi VND giảm giá thấp hơn. Hàng hóa xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn, nên có mặt hàng đã tìm đến thị trường các nước, trong đó có Việt Nam để xuất khẩu sang Mỹ nhằm né thuế.

Do xuất khẩu có quy mô lớn hơn nhập khẩu và có tốc độ tăng cao hơn nhập khẩu, nên với Mỹ, Việt Nam xuất siêu lớn và tăng so với cùng kỳ (tăng 33,3%). Tỷ lệ xuất siêu so với xuất khẩu đạt 76,4%, cao hơn tỷ lệ tương ứng của cùng kỳ (73,2%). Xuất siêu lớn sang Mỹ do nhiều yếu tố. Do xuất khẩu của Trung Quốc vào Mỹ gặp khó khăn nên hàng hóa của Việt Nam có thể “lấp” vào thị phần đó. Mặc dù hàng xuất khẩu vào Mỹ tăng và xuất siêu, nhưng xuất khẩu của Việt Nam vào thị trường này mới chiếm chưa đến 3% tổng kim ngạch nhập khẩu của Mỹ.

Vấn đề quan trọng hiện nay là đối với một số mặt hàng thì không nên “bỏ trứng vào một giỏ”, mà cần đa dạng hóa thị trường; đối với tổng số thì tăng nhập khẩu để giảm xuất siêu vào thị trường này; mặt khác, cần kiểm soát kỹ các mặt hàng về xuất xứ mà DN nước khác thông qua DN Việt Nam xuất khẩu sang Mỹ để né thuế...

Đức Minh

Tags: Xuất Nhập Khẩu Mỹ Trung