18 ngân hàng Việt Nam bị Moody's hạ triển vọng tín nhiệm
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody's Investors Service ("Moody's") mới đây đã công bố về việc hạ triển vọng tín nhiệm của 18 ngân hàng Việt Nam.
Theo đó, 10 trong số 18 ngân hàng được Moody’s thay đổi triển vọng sang "Tiêu cực", trong khi đó giữ nguyên xếp hạng nhà phát hành và tiền gửi ngoại tệ và nội tệ dài hạn.
Trong số 10 ngân hàng này, Moody’s giữ nguyên xếp hạng tín dụng cơ bản (BCA) và BCA dài hạn đối với 4 ngân hàng, cũng như đánh giá rủi ro đối tác dài hạn (CR Assessments) và xếp hạng rủi ro đối tác (CRR) của 6 ngân hàng.
5 ngân hàng khác được Moody’s thay đổi triển vọng về xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn thành "Tiêu cực", nhưng vẫn giữ xếp hạng tiền gửi ngoại tệ dài hạn.
Với 3 ngân hàng còn lại, Moody’s cũng xác nhận Đánh giá Rủi ro Đối tác và Đánh giá Rủi ro Đối tác dài hạn.
Theo phía Moody’s, việc xem xét đánh giá xếp hạng của 18 ngân hàng được thực hiện bắt đầu từ ngày 10/10/2019, sau khi tổ chức này xem xét hạ xếp hạng của Việt Nam vào ngày 9/10/2019.
Ngày 18/12 vừa qua, Moody's đã thông báo về việc giữ nguyên xếp hạng tín nhiệm quốc gia của Việt Nam ở mức Ba3 đối với các khoản phát hành bằng đồng nội tệ và ngoại tệ và các khoản vay cao cấp không được bảo đảm. Đồng thời, Moody's hạ triển vọng xuống "Tiêu cực", kết thúc thời gian đưa hồ sơ tín dụng của Việt Nam vào diện theo dõi hạ bậc kể từ ngày 9/10/2019.
Theo Moody's, xếp hạng khả năng thanh toán là yếu tố quan trọng để họ đưa ra mức xếp hạng các ngân hàng Việt Nam bởi vì nó sẽ ảnh hưởng tới khả năng Chính phủ Việt Nam có thể hỗ trợ các ngân hàng trong những giai đoạn khó khăn.
Tổ chức xếp hạng này cho biết, việc thay đổi xếp hạng với 18 ngân hàng Việt Nam không phản ánh sự suy yếu của hồ sơ tài chính độc lập của các ngân hàng.
18 ngân hàng bao gồm: ABBank, ACB, HDBank, Vietcombank, BIDV, LienVietPostBank, MB, NamABank, OCB, SHB, SeABank, TPBank, Agribank, VIB, VietinBank, MSB, VPBank và Techcombank.
Công ty Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV) đánh giá việc Moody's hạ triển vọng xếp hạng đối với các ngân hàng Việt Nam "có thể gây ra tác động nhất định đến thị trường chứng khoán".
Báo cáo công bố mới đây của Ngân hàng Thế giới (WB) nhấn mạnh thị trường tài chính ở Việt Nam vẫn chưa có nhiều sản phẩm tài chính dài hạn do sự tập trung quá mức ở khu vực ngân hàng.
WB nhấn mạnh nguồn cung tín dụng dài hạn của ngân hàng cho các doanh nghiệp bị hạn chế do tính chất ngắn hạn của tiền gửi (trên 80% là tiền gửi từ một năm trở xuống), do chi phí giao dịch tương đối cao vì thiếu thông tin, thiếu tài sản thế chấp đầy đủ và cơ chế xử lý tình trạng mất khả năng trả nợ còn yếu.
"Điều này làm hạn chế cơ hội để khu vực kinh tế thực có thể thu hút, giao dịch, bảo hiểm và quản lý rủi ro, tiết kiệm hoặc đầu tư trong dài hạn. Thiếu thị trường huy động tài chính dài hạn cũng gây hạn chế cho việc huy động tài chính để phát triển hạ tầng ở Việt Nam", phía WB nhận định.
Tổ chức này cho hay, mô hình kinh doanh và cơ cấu nguồn lực hiện nay của các ngân hàng không hoàn toàn phù hợp để huy động tài chính cho đầu tư dài hạn.
Minh Tâm