Ngày 9/5, tại Hội nghị trực tuyến giữa Chính phủ và doanh nghiệp, ông Trần Bá Dương, Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần Ô tô Trường Hải (THACO), cho hay trong 4 tháng đầu năm, THACO đạt doanh thu 1.500 tỷ đồng.
Vì ảnh hưởng của dịch bệnh, 27% nhân viên của THACO đã phải nghỉ việc tạm thời, chỉ mới trở lại đầy đủ trong thời gian ngắn. Với dự đoán thị trường và sức mua giảm 25% từ đây đến hết năm, ông Dương vẫn cam kết nộp ngân sách nhà nước 12.000 tỷ đồng (chỉ giảm 15% so với năm trước).
Chia sẻ quan điểm cá nhân về việc Chính phủ thực hiện gói giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp, ông Dương cho rằng, Chính phủ có trách nhiệm vận hành nền kinh tế những lúc khó khăn nên cần tập trung hỗ trợ cho người nghèo, nhóm doanh nghiệp dễ tổn thương như doanh nghiệp nhỏ, doanh nghiệp khởi nghiệp.
Doanh nghiệp có khi lời khi lỗ, khi thành công, khi thất bại nên ông Dương kiến nghị Chính phủ đưa ra những giải pháp cân nhắc hài hòa giữa việc giải quyết khó khăn trước mắt với nguyên tắc thị trường, nhằm không chỉ vượt qua khó khăn trước mắt, mà còn khuyến khích tinh thần đổi mới, mới mục tiêu chung là tạo môi trường kinh doanh minh bạch, công bằng, phù hợp với kinh tế thị trường chung của thế giới.
Theo ông Dương, Chính phủ chỉ nên đưa ra biện pháp hỗ trợ doanh nghiệp giúp doanh nghiệp tự đứng trên đôi chân của mình chứ không phải tạo ra tâm lý ỷ lại, trông chờ. Vì thế, "Tôi đề nghị không nêu trực tiếp các biện pháp hỗ trợ cho doanh nghiệp tránh làm mất nhuệ khí của doanh nghiệp”, ông Dương nhấn mạnh.
Bên cạnh đó, Chủ tịch của Thaco cho rằng Chính phủ nên sớm có biện pháp nới lỏng, tiếp tục hợp tác với các nước nguy cơ dịch bệnh thấp như Lào và Campuchia; ưu tiên mở cửa khẩu đường bộ sớm hơn để thực hiện giao thương, sản xuất kinh doanh cho các doanh nghiệp Việt Nam ở nước bạn.
Kiến nghị đón đầu dịch chuyển chuỗi chuỗi sản xuất toàn cầu, thông qua việc nâng cao, giảm giá thành logistic quốc tế với Chu Lai và miền Trung nói chung cũng được ông Dương đề cập.
Nói về Thaco, ông Dương cho hay, trước nay Thaco nhập linh kiện về nhưng phải xuất hơn 90% container rỗng về TP HCM hoặc ra Hải Phòng. Hàng xuất khẩu từ miền Trung phải đưa về TP HCM rồi mới xuất khẩu, điều này dẫn đến giá thành vận chuyển cao 1,5 lần so với 2 đầu đất nước.
Với nỗ lực xuất khẩu, thời gian qua, lượng xuất khẩu cũng rất lớn và tăng nhanh. Ví dụ như tháng 4 đạt 1.000 container, dự kiến cuối năm đạt 1.500 container/tháng, sang năm 2021 đạt hơn 2.000 container/tháng. Như vậy đến cuối năm giá thành tại Chu Lai - Quảng Nam sẽ bằng ở TP HCM và Hải Phòng.
Tuy nhiên có 2 dự án lớn có chủ trương từ 2018 nhưng chưa được triển khai. Một là luồng tàu Cửa Lở đón tàu 5 vạn tấn, vốn đầu tư 5.000 tỷ và Quốc lộ 14A nối từ cao tốc Đà Nẵng - Quảng Ngãi lên TP HCM, chiều rộng 5, 5 – 7m hiện đang xuống cấp, vốn đầu tư khoảng 1.400 tỷ.
"Thaco chủ trương làm nhà đầu tư, xin ứng vốn để thực hiện và xin các cơ chế tạo nguồn thu hoàn vốn theo đúng quy định pháp luật. Nếu 2 dự án này được làm nhanh, Thaco hứa với Thủ tướng sẽ tiếp tục phát triển kinh tế Chu Lai, miền Trung trong công - nông - lâm nghiệp và giao nhận vận chuyển, xem dịch bệnh này là động lực để phát triển…”, ông Dương nói.