Những thị trường nhập khẩu hàng hóa chính yếu của Việt Nam trong năm 2019 (Biểu đồ: Thế Hải).
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, trong năm 2019, cả nước ghi nhận 37 mặt hàng nhập khẩu đạt kim ngạch trên 1 tỷ USD, chiếm tới 90,6% tổng kim ngạch nhập khẩu.
Trong số này, có 4 mặt hàng đạt trên 10 tỷ USD, chiếm 45,8%, trong đó: Điện tử, máy tính và linh kiện đạt 51,6 tỷ USD, chiếm 20,3%, tăng 19,5% so với năm trước; máy móc thiết bị, dụng cụ phụ tùng đạt 36,6 tỷ USD, tăng 11,4%; điện thoại và linh kiện đạt 14,7 tỷ USD, giảm 7,9%; vải đạt 13,3 tỷ USD, tăng 4,4%; sắt thép đạt 9,5 tỷ USD, giảm 4,2%; chất dẻo đạt 9 tỷ USD, giảm 0,8%; ô tô đạt 7,4 tỷ USD, tăng 37,3%.
Về cơ cấu hàng hóa nhập khẩu năm 2019, nhóm hàng tư liệu sản xuất ước tính đạt 231,2 tỷ USD, tăng 6,7% so với năm trước và chiếm 91,2% tổng kim ngạch hàng hóa nhập khẩu, giảm 0,3& so với năm 2018, trong đó nhóm hàng máy móc thiết bị, dụng cụ, phương tiện vận tải và phụ tùng đạt 111,7 tỷ USD, tăng 9,9%; nhóm hàng nguyên, nhiên, vật liệu đạt 119,5 tỷ USD, tăng 3,8% và nhóm hàng tiêu dùng ước tính đạt 22,3 tỷ USD, tăng 10,8%.
Về thị trường hàng hóa nhập khẩu năm 2019, Trung Quốc vẫn là thị trường nhập khẩu lớn nhất của Việt Nam với kim ngạch đạt 75,3 tỷ USD, tăng 14,9% so với năm trước; tiếp theo là thị trường Hàn Quốc đạt 47,3 tỷ USD, giảm 0,6%; thị trường ASEAN đạt 32,1 tỷ USD, tăng 0,8%; Nhật Bản đạt 19,6 tỷ USD, tăng 3%; thị trường EU đạt 14,8 tỷ USD, tăng 6,4%; Hoa Kỳ đạt 14,3 tỷ USD, tăng 12,3%.
Bộ Công Thương nhận định, cùng với việc thúc đẩy xuất khẩu, 2019 là năm nước ta thực hiện tốt khâu kiểm soát nhập khẩu. Theo đó, điển hình là nhóm hàng cần kiểm soát nhập khẩu đã tăng trưởng chậm lại và nhập khẩu các nhóm hàng cần thiết cho sản xuất, tiêu dùng trong nước cũng như các mặt hàng nhập khẩu phục vụ gia công, xuất khẩu đều tăng khá.
Cụ thể, nhập khẩu của nhóm hàng hóa phục vụ sản xuất để xuất khẩu và hàng hóa thiết yếu luôn chiếm gần 90%, nhập khẩu của nhóm hàng không khuyến khích nhập khẩu chỉ chiếm 7,2%.
Thế Hải