Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Theo các nguồn tin của Reuters, Apple đã từ bỏ kế hoạch cho phép người dùng iPhone mã hóa hoàn toàn các bản sao lưu thiết bị của họ trong dịch vụ iCloud sau khi Cục Điều tra Liên bang Mỹ (FBI) phàn nàn rằng hành động này sẽ gây tổn hại cho các cuộc điều tra.
Sự đảo ngược này của gã khổng lồ công nghệ được cho là dấu hiệu cho thấy Apple đã sẵn sàng giúp đỡ các cơ quan thực thi pháp luật và tình báo của Mỹ, mặc dù trước đó hãng này luôn thể hiện một lập trường cứng rắn trong các tranh chấp pháp lý với chính phủ và tự coi mình là người bảo vệ thông tin của khách hàng.
Cuộc chiến kéo dài giữa các nhà điều tra về mối quan tâm của các công ty công nghệ và bảo mật đối với quyền riêng tư của người dùng đã quay trở lại, thu hút chú ý của công chúng tuần trước, khi Bộ trưởng Tư pháp Mỹ William Barr thực hiện bước hiếm hoi là kêu gọi Apple mở khóa hai chiếc iPhone được sử dụng bởi nghi phạm bắn chết ba người Mỹ tại một căn cứ hải quân ở Pensacola, Florida vào tháng trước.
Trong khi đó, trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump cáo buộc Apple từ chối mở khóa điện thoại được sử dụng bởi những kẻ giết người, buôn bán ma túy và các thành phần tội phạm bạo lực khác.
Các thượng nghị sỹ đảng Cộng hòa và Dân chủ đã đe dọa áp đặt các đạo luật chống lại việc mã hóa.
Trên thực tế, Apple đã chuyển các bản sao lưu iCloud của iPhone nghi phạm vụ nổ súng Pensacola cho cơ quan chức năng và trong nhiều vụ việc khác, Apple cũng đã cung cấp cho Cục Điều tra Liên bang Mỹ nhiều trợ giúp sâu rộng hơn.
Một phát ngôn viên của Apple đã từ chối bình luận về việc xử lý vấn đề mã hóa của công ty hoặc bất kỳ cuộc đàm phán nào với FBI.
Hơn hai năm trước, Apple đã nói với FBI rằng họ có kế hoạch cung cấp cho người dùng mã hóa đầu cuối khi lưu trữ dữ liệu điện thoại của họ trên iCloud.
Theo kế hoạch đó, chủ yếu được thiết kế để ngăn chặn tin tặc, Apple sẽ không còn chìa khóa để mở khóa dữ liệu được mã hóa, nghĩa là nó sẽ không thể chuyển tài liệu cho chính quyền dưới dạng có thể đọc được ngay cả theo lệnh của tòa án./.
Việt Đức