Băn khoăn chuyện giảm phí cho doanh nghiệp

Băn khoăn chuyện giảm phí cho doanh nghiệp
Các chính sách giảm mức phí, lệ phí được xem là biện pháp hỗ trợ cần thiết cho các doanh nghiệp vượt khó trước dịch Covid-19, nhưng rất cần đảm bảo tính minh bạch, công bằng và nhất quán nhằm phát huy hiệu quả.

Trong văn bản gần đây mà Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thuỷ sản (Vasep) gửi Cục Xuất Nhập khẩu (Bộ Công Thương) có kiến nghị giảm các chi phí dịch vụ tại cảng cho các lô hàng xuất nhập khẩu.

Bất lợi nhiều loại phí

Theo Vasep, tính hết quý I/2020, xuất khẩu (XK) thủy sản của cả nước mới đạt trên 1,5 tỷ USD, giảm tới 14,2% so với cùng kỳ năm ngoái. Trong khi đó, các lô hàng thủy sản xuất nhập khẩu đa phần đều là hàng đông lạnh nên các chi phí dịch vụ tại cảng như chi phí cắm điện, lưu container, lưu bãi, đảo chuyển container... thường rất lớn.

Điều này đã gây bất lợi cho hoạt động sản xuất kinh doanh của các doanh nghiệp (DN) thủy sản. Đơn cử như tại Tân Cảng ở Tp.HCM (chiếm hơn 50% lượng hàng xuất nhập khẩu thuỷ sản), các phí dịch vụ do cảng thu (trực tiếp hoặc gián tiếp) từ DN.

Cụ thể, các phí này gồm: Phí lưu bãi ở cảng, phí cắm điện, phí đảo chuyển container, phí vận chuyển do phải đổi cảng lấy hàng, phí xếp dỡ hàng hóa (THC). Ngoài ra, DN còn chịu các phí dịch vụ do các hãng tàu thu: phí neo container (Detention), tiền cược container.

Trong bối cảnh hiện tại, theo Vasep, rất cần các giải pháp hỗ trợ cụ thể liên quan đến hoạt động xuất nhập khẩu, logistics trong phạm vi cảng biển của cộng đồng DN, nhất là các DN thủy sản và hàng đông lạnh.

Ngoài DN thuỷ sản, các DN xuất nhập khẩu trong ngành hàng thực phẩm cũng đang chịu áp lực tương tự với hàng đông lạnh, trong đó có chi phí về thú y khiến cho giá thành sản phẩm bị đội lên.

Trong khi đó, nhằm hỗ trợ DN nhanh chóng, kịp thời ứng khó với dịch Covid-19, tại dự thảo mới đây do Bộ Tài chính soạn thảo về Thông tư quy định mức thu, chế độ thu, nộp, quản lý phí, lệ phí trong công tác thú y, phần lớn các mức phí, lệ phí trong công tác thú y đều được giữ nguyên.

Bản dự thảo chỉ sửa đổi về đơn vị tính của “phí kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật (bao gồm cả thủy sản)” và bỏ 2 loại phí kiểm dịch đối với: “sản phẩm động vật nhập khẩu (bao gồm cả thủy sản)” với giá trị 200.000 đồng/lô hàng/xe ô tô; phí kiểm tra chất lượng nguyên liệu thuốc thú y nhập khẩu đối với kiểm tra ngoại quan với giá trị 250.000 đồng/lô hàng.

Nhiều ý kiến cho rằng bản dự thảo này không có khoảng thời gian có hiệu lực tương tự như một loạt dự thảo Thông tư sửa đổi các Thông tư về lệ phí, phí theo hướng giảm so với mức phí hiện hành (phần lớn là giảm 50% các mức phí, lệ phí) trong khoảng thời gian từ khi các Thông tư này có hiệu lực cho đến 31/12/2020.

Và để đảm bảo hỗ trợ DN trong thời kỳ khó khăn vì dịch Covid-19 và tạo sự nhất quán trong chính sách, thì bản dự thảo này nên bổ sung quy định giảm các mức phí tại “Biểu phí, lệ phí trong công tác thú y” ít nhất là 50% như quy định tại Dự thảo và quy định này có hiệu lực như thời gian nêu trên.

Xuất khẩu gặp khó, DN thuỷ sản còn gặp bất lợi trước nhiều loại phí

Còn thiếu nhất quán

Mới đây, khi góp ý với Bộ Tài chính về các Dự thảo Thông tư về phí, lệ phí trong thời kỳ khó khăn do dịch Covid -19 gây ra, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) lưu ý cần xem xét, cân nhắc một số điểm để chính sách đảm bảo tính minh bạch và phát huy hiệu quả.

Nhất là khi các dự thảo Thông tư đều giảm mức lệ phí cấp giấy phép kinh doanh, nhưng tỷ lệ giảm lại khác nhau giữa các lĩnh vực. 

Ví dụ: Giảm 50% mức phí, lệ phí so với quy định hiện hành đối với các hoạt động: cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành quốc tế, lữ hành nội địa; cấp giấy phép thành lập và hoạt động của các tổ chức tín dụng, tổ chức tín dụng phi ngân hàng; cấp giấy phép, giấy chứng nhận hoạt động trong lĩnh vực chứng khoán, cấp phép đặt chi nhánh, văn phòng đại diện của các tổ chức nước ngoài tại Việt Nam.

Trong khi đó, theo dự thảo, chỉ giảm 30% mức phí, lệ phí so với quy định hiện hành đối với hoạt động cấp, cấp lại, gia hạn giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động kiểm định kỹ thuật an toàn lao động; giấy chứng nhận đủ điều kiện hoạt động huấn luyện an toàn, vệ sinh lao động.

VCCI cho rằng mức giảm không đồng nhất giữa các lĩnh vực trên cần được xem xét. Mặc dù thuộc các lĩnh vực khác nhau, nhưng hoạt động được giảm lệ phí, phí đều có tính chất là hoạt động thẩm định của cơ quan quản lý nhà nước đối với các điều kiện kinh doanh để cấp giấy phép cho DN. 

“Vì vậy, tại sao đối với hoạt động cấp giấy phép kinh doanh trong nhiều lĩnh vực giảm 50% mức phí, lệ phí trong khi đối với lĩnh vực an toàn, vệ sinh lao động mức giảm lại chỉ có 30%? Điểm gì ở lĩnh vực này để khiến tỷ lệ giảm lại thấp hơn hầu hết các lĩnh vực còn lại?”, VCCI đặt vấn đề.

Tương tự, giữa các dự thảo Thông tư chưa có sự đồng nhất về đối tượng được giảm. Cụ thể, cùng là hoạt động cấp chứng chỉ hành nghề chứng khoán không được giảm. Trong khi đó, mức lệ phí cấp chứng chỉ hoạt động hành nghề xây dựng, cấp thẻ hướng dẫn viên du lịch thì lại được giảm 50% so với mức phí, lệ phí hiện hành.

Có thể thấy, các dự thảo Thông tư được soạn thảo ban hành nhằm mục đích hỗ trợ và tạo điều kiện thuận lợi cho các DN đang hoạt động, mới thành lập. Tuy nhiên, các chính sách về giảm phí, lệ phí rất cần sự nhất quán, công bằng và rõ ràng. 

Thế Vinh

Tags: Doanh Nghiệp Mức Phí Lệ Phí Vượt Khó Dịch Covid-19 Xuất Khẩu Thủy Sản Xuất Nhập Khẩu Sản Xuất Kinh Doanh Giảm Phí