Theo hướng quản lý chặt chẽ, sử dụng, khai thác có hiệu quả nguồn lực tài chính từ tài sản công. Tuy nhiên trên thực tế vẫn có những trường hợp “tài sản công biến thành tài sản ông”. Diễn đàn Doanh nghiệp mong muốn nhận được những đóng góp, phản ánh, kiến nghị từ doanh nghiệp, bạn đọc về vấn đề này tại hòm thư: [email protected].
Thứ trưởng Bộ Xây dựng Nguyễn Văn Sinh vừa ký loạt thông báo gửi 12 cựu quan chức yêu cầu trả lại nhà công vụ của Chính phủ sau nhiều lần thúc giục.
Đã đến lúc phải nhìn lại hiệu quả của chính sách phát triển quỹ nhà ở công vụ, nếu quản lý và xử lý không nghiêm thì sẽ dễ bị lợi dụng, lạm dụng. Thậm chí, coi đây như một nguồn lợi, lợi ích để thụ hưởng.
Quy định pháp luật lỏng lẻo
Hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về quản lý, sử dụng nhà ở công vụ được quy định tại: Luật nhà ở 2005, Nghị định 71/2010/NĐ-CP hướng dẫn Luật Nhà ở, Nghị định 34/2013/NĐ-CP về quản lý và sử dụng nhà ở thuộc sở hữu nhà nước, Quyết định 09/2008/QĐ-TTg quy định nguyên tắc thiết kế và tiêu chuẩn sử dụng nhà ở công vụ, Thông tư 16/2010/TT-BXD hướng dẫn Luật nhà ở. Gần đây, có Luật Nhà ở 2014; Thông tư 01/2014/TT-BXD; Thông tư số 09/2015/TT-BXD hướng dẫn quản lý sử dụng nhà ở công vụ.
Các văn bản trên đều yêu cầu cán bộ, lãnh đạo được thuê nhà ở phải trả lại nhà cho đơn vị quản lý, vận hành nhà công vụ trong thời hạn ba tháng từ khi “không còn nhu cầu sử dụng, không còn tiêu chuẩn thuê nhà công vụ, không còn giữ chức vụ lãnh đạo, khi chuyển công tác đi nơi khác...”, đồng thời cũng quy định rõ họ “không được chuyển đổi hoặc cho thuê lại dưới bất kỳ hình thức nào”.
Tuy nhiên, các quy định pháp luật còn thiếu, chỉ quy định chung chung. Cụ thể, đơn vị quản lý nhà ở công vụ chỉ có quyết định giao nhà ở công vụ mà không có hợp đồng thuê nhà, không quy định về việc thuê, giá thuê cụ thể, thời hạn thuê nhà ở công vụ …) do vậy việc thu hồi nhà ở công vụ của các cán bộ lãnh đạo của các Bộ, ngành thành phố trực thuộc Trung ương khi hết tiêu chuẩn nhà ở công vụ gặp khó khăn.
"Trách nhiệm quản lý nhà công vụ thuộc Bộ Xây dựng, theo nguyên lý bình thường không phải thông báo để giục trả mà phải ra quyết định hành chính thu hồi nhà công vụ khi hết thời hạn sử dụng".
Mặt khác, quy định về giá thuê nhà ở công vụ chưa được thống nhất, nơi thì áp dụng theo quy định của Quyết định số 118/TTg ngày 27/11/1992 của Thủ tướng Chính phủ về xóa bỏ chế độ bao cấp nhà ở, đưa tiền nhà vào lương, nơi thì áp dụng Nghị định số 90/2006/NĐ-CP, trong đó quy định giá thuê nhà ở công vụ bằng 10% tiền lương và phụ cấp (nếu có).
Một thực trạng nữa là giá thuê nhà ở công vụ không đủ cho chi phí quản lý vận hành, bảo trì và quản lý cho thuê. do vậy nhà nước vẫn phải bù kinh phí để quản lý vận hành và bảo trì. Từ đó dẫn đến tình trạng nhà ở công vụ xuống cấp, người sử dụng nhà ở công vụ phải tự bỏ tiền để chi phí cho việc sửa chữa cải tạo, tự trang bị những nội thất thiết yếu nên họ không dễ dàng trả lại.
Việc các công chức được giao/cho thuê nhà công vụ nhưng khi hết công vụ hoặc về hưu mà không trả nhà có thể hiểu là không chỉ chây ỳ thiếu ý thức mà còn vi phạm quy định tại điểm đ khoản 2 Điều 34 Luật nhà ở 2014: “Trả lại nhà ở công vụ cho Nhà nước khi không còn thuộc đối tượng được thuê nhà ở hoặc khi không còn nhu cầu thuê nhà ở công vụ hoặc khi có hành vi vi phạm thuộc diện bị thu hồi nhà ở theo quy định của Luật này trong thời hạn không quá 90 ngày, kể từ ngày nhận được thông báo của cơ quan quản lý nhà ở công vụ”.
Mặt khác, việc lạm dụng sử dụng nhà công vụ mà không phải trả tiền có thể được coi là một kiểu tham nhũng tài sản công.
Cần thiết có công ty quản lý
Nếu cựu quan chức không thực hiện quyết định thu hồi thì tiến hành cưỡng chế. Điều này đã được quy định rõ tại Điều 84 Luật Nhà ở 2014, trường hợp không bàn giao lại nhà ở công vụ thì cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà ở thực hiện cưỡng chế thu hồi và UBND cấp tỉnh có trách nhiệm tổ chức cưỡng chế thu hồi nhà ở này trong thời hạn 30 ngày, kể từ ngày ban hành quyết định cưỡng chế thu hồi.
Tuy nhiên, việc áp dụng này trên thực tế rất khó khăn do cán bộ công chức được bố trí nhà có chức vụ quyền hạn nên còn nhiều nể nang. Do vậy, cần cụ thể hoá hành vi và có chế tài là điều cần thiết nếu cơ quan chức năng tiến hành sửa luật hoặc ban hành văn bản dưới luật.
Để giải quyết vấn đề trên cần thiết có 1 công ty được giao quản lý cho thuê nhà công vụ. Việc thuê nhà này sẽ được nhà nước hỗ trợ tiền thuê từ ngân sách. Việc một công ty đứng ra quản lý cho thuê nhà công vụ cũng sẽ giảm được tình trạng nhà công vụ bị sử dụng không đúng mục đích, nhiều ngôi nhà bị bỏ trống, hoặc cho thuê với giá rẻ mạt chỉ vì người được phân nhà không sử dụng đến. Khi thôi nhiệm vụ, việc doanh nghiệp quản lý nhà sẽ đòi dễ hơn, khắc phục được tình trạng nể nang giữa những người tiền nhiệm, kế nhiệm.
Ngoài ra, có thể thu hồi một số nhà ở công vụ riêng lẻ, tập trung xây dựng những khu nhà ở công vụ riêng biệt cho các cơ quan Trung ương đảm bảo quy mô, chất lượng nhà ở công vụ và các yêu cầu về an ninh, an toàn, cảnh quan môi trường cho người sử dụng nhà ở công vụ. Hạn chế việc phát triển nhà ở công vụ tại các thành phố lớn. Chỉ nên tập trung duy trì nhà ở công vụ cho các địa phương vùng sâu, vùng xa để thu hút, động viên cán bộ về công tác, hoặc dành cho lực lượng vũ trang, giáo viên về đây làm việc...
Nhà nước nên mạnh dạn chuyển dần sang cơ chế khoán tiền nhà cho cán bộ, lãnh đạo, công chức thuộc diện cần sử dụng nhà công vụ để tăng tính linh hoạt, tiết kiệm ngân sách nhà nước và hạn chế tình trạng khó đòi lại nhà.
Để có lý có tình, cán bộ cấp cao trả nhà công vụ khi còn khó khăn về nhà ở, chưa có nhà ở thuộc sở hữu của mình sẽ được tạo điều kiện được thuê, mua nhà ở xã hội với mức diện tích nhà ở tối thiểu do Chính phủ quy định theo từng thời kỳ và từng khu vực.