Báo Anh đưa tin cảnh hỗn loạn trước SEA Games ở Philippines

Báo Anh đưa tin cảnh hỗn loạn trước SEA Games ở Philippines
Các tờ báo Anh đồng loạt đưa tin về khâu chuẩn bị lộn xộn, cảnh cầu thủ ngủ trên sàn, ăn không đủ no khi dự SEA Games 30.

Công nhân ghép thảm bên ngoài phòng thay đồ ở sân vận động Rizal Memorial. Ảnh: BBC.

"Đại hội Thể thao Khu vực Đông Nam Á (SEA Games) lần thứ 30 khởi đầu đầy trắc trở ở Philippines" là tựa đề bài viết của phóng viên Howard Johnson đăng trên BBC hôm nay.
Johnson cho biết đã nộp đơn đăng ký làm thẻ sự kiện cách đây hai tháng nhưng đến nay vẫn chưa nhận được thẻ tác nghiệp. Sau nhiều ngày chờ đợi, anh nhận được lời giải thích rằng việc cấp thẻ bị trì hoãn do "trục trặc trong in ấn" và được cấp thẻ tạm có giá trị trong hai ngày.

Khi tham quan sân vận động Rizal Memorial hôm qua, Johnson nhận thấy mọi thứ vẫn như một công trường ngổn ngang, khi công nhân vẫn hối hả ghép thảm dọc hành lang dẫn từ phòng thay đồ của cầu thủ ra sân. Tấm biển đề dòng chữ "Phòng thay đồ" được in bằng giấy A4 dán trên tường, bên trong phòng là những mớ dây điện vẫn thò xuống từ trên trần, trong khi xi măng trát trên tường vẫn còn ướt.

Tờ Daily Mail của Anh cũng cho rằng công tác tổ chức SEA Games 30 "đang trong tình trạng hỗn loạn" dù chỉ vài ngày nữa là đến lễ khai mạc. Khoảng thời gian trước thềm sự kiện đã bị rối loạn bởi các báo cáo về tình trạng vận động viên phải chờ đợi ở sân bay, không đủ thức ăn và phải ngủ trên sàn vì không đủ chỗ.

Một báo Anh khác là Guardian đưa tin các cầu thủ đội U22 Campuchia phải ngủ trên sàn phòng chức năng và ghế của khách sạn Century Park Hotel ở Manila vì đến sớm hơn giờ nhận phòng và khách sạn khi đó không còn chỗ. Century Park Hotel ra thông báo rằng do cầu thủ đến sớm hơn dự kiến nên dù họ muốn cung cấp chỗ ở cũng không thể.
Các vận động viên Thái Lan thì than phiền họ không có đủ phòng, buộc ba vận động viên phải ngủ trong phòng dành cho hai người.


 Cầu thủ Campuchia ngủ trên ghế khách sạn ở Manila hôm 26/11. Ảnh: Guardian.

Trong trận bóng đầu tiên diễn ra trước lễ khai mạc giữa Myanmar và Malaysia tại sân vận động Rizal Memorial, hai đội thi đấu mà không có bảng hiển thị tỷ số. Các đội bóng đá Đông Timor và Myanmar cũng buộc phải chờ ở sân bay nhiều giờ trước khi xe buýt đưa họ đến nơi tập luyện.

Trong khi đó, một số vận động viên Hồi giáo cho biết tình trạng thiếu thực phẩm halal (đồ ăn được chấp nhận theo luật Hồi giáo) khiến họ phải nhịn đói. Quan chức Ủy ban Quốc gia về người Hồi giáo Philippines Ramadan Aguan nói rằng họ đã nhắc nhở ban tổ chức về điều này, nhưng không nhận được phản hồi gì.
"Chúng tôi có một số vấn đề vì các nhà tổ chức SEA Games không thể cung cấp thức ăn halal", Aguan nói với tờ South China Morning Post có trụ sở ở Hong Kong. "Chúng tôi đã nhắc nhiều lần nhưng chúng tôi không biết tại sao họ không để ý".

Đội tuyển bóng đá nữ Việt Nam cũng yêu cầu khách sạn tăng khẩu phần ăn bởi khẩu phần hiện tại quá ít và không đủ dưỡng chất cần thiết. Tuy nhiên, khách sạn trả lời rằng họ phải kiến nghị với ban tổ chức nếu muốn bữa ăn đầy đủ hơn.

Coconuts Manila đưa tin công nhân xây dựng thậm chí đã lắp hai bồn cầu trong cùng một phòng vệ sinh, hành động khiến truyền thông nước ngoài cho rằng ban tổ chức thiếu nghiêm túc với công tác hậu cần SEA Games.


Hai bồn cầu trong một buồng vệ sinh tại nơi phục vụ các vận động viên ở Philippines. Ảnh: Coconuts Manila.

Ngay cả đội bóng đá nữ Philippines cũng phàn nàn về việc không được phục vụ đủ thức ăn và nước uống tại khách sạn của họ. Trong một cuộc họp báo, huấn luyện viên Let Dimzon cho biết chất lượng và số lượng thực phẩm là không đủ và thiếu dưỡng chất mà các vận động viên cần có. Các cầu thủ buộc phải ngủ 4-5 người trong phòng đôi.
"Thật đáng buồn khi chúng tôi là đội chủ nhà và đây là cách chúng tôi được đối xử", hậu vệ Hali Long nói. "Tôi không thể tưởng tượng được các nước khác phải cảm thấy như thế nào".
Chủ tịch ủy ban SEA Games 30 Alan Cayetano xin lỗi vì "sự bất tiện" ảnh hưởng đến các vận động viên. "Chúng tôi xin lỗi vì sự bất tiện này hoặc tôi có thể gọi đó là sự thiếu hiệu quả hoặc sai lầm", Cayetano nói. Tuy nhiên, bất chấp những tranh cãi quanh công tác hậu cầu, Cayento cho biết 95% các vận động viên cảm thấy "hài lòng".

SEA Games 30 diễn ra từ ngày 30/11 đến ngày 11/12, riêng các trận đấu của môn bóng đá nam đã diễn ra trước vài ngày. Tổng thống Philippines Rodrigo Duterte tức giận khi nhận được những báo cáo về công tác hậu cần SEA Games. Phủ Tổng thống kêu gọi nhà tổ chức đảm bảo công tác hậu cần để vận động viên yên tâm thi đấu.

Huyền Lê 

Tags: Sea Games 30 U22 Đại Hội Thể Thao