Kể từ lúc dịch bệnh xuất hiện đến khi Chính phủ chính thức công bố dịch vào ngày 1/2/2020, đến nay Việt Nam đã kiểm soát bệnh dịch rất tốt. Các giải pháp chữa trị, phòng ngừa đã phát huy hiệu quả, vì vậy không có tình trạng lây lan COVID-19 trong cộng đồng tại Việt Nam.
Hiện nay các điểm tham quan, khu di tích, nhà hàng phục vụ khách du lịch vẫn được mở cửa bình thường.
Tổng cục Du lịch đã phối hợp với các địa phương, doanh nghiệp du lịch để có các biện pháp phòng chống và giảm thiểu nguy cơ nhiễm bệnh, bảo đảm an toàn cho khách du lịch. Một số điểm tham quan luôn sẵn sàng các điều kiện tốt nhất nhằm tăng cường phòng, chống dịch như phun khử trùng, phát khẩu trang, đẩy mạnh tuyên truyền cho du khách.
Tổng Cục trưởng Tổng cục Du lịch Nguyễn Trùng Khánh khẳng định, trong thời gian dịch bệnh diễn ra ngành du lịch luôn duy trì trách nhiệm với cộng đồng xã hội và đặt ưu tiên hàng đầu đối với du khách và sự an toàn của du khách.
Với sự kiểm soát hiệu quả, biện pháp phòng tránh dịch bệnh đang được triển khai tới tất cả các địa phương, điểm tham quan, ngành du lịch khẳng định rằng du khách đến Việt Nam thời điểm này luôn được bảo đảm an toàn.
Theo thông tin từ Sở Du lịch TPHCM, tính riêng 10 ngày đầu tháng 2/2020, lượng khách du lịch đến TPHCM đã giảm 12% so với cùng kỳ năm 2019. Sở Du lịch TPHCM đã kịp thời tuyên truyền thông tin liên quan về dịch bệnh đến người dân và du khách; ban hành các văn bản thực hiện tốt phòng, chống dịch bệnh; lắng nghe, ghi nhận những thông tin phản ánh về các biện pháp ứng phó dịch bệnh của các doanh nghiệp du lịch, đơn vị kinh doanh thuộc lĩnh vực du lịch trên địa bàn.
Ngành du lịch TPHCM cũng tổ chức phát khẩu trang y tế miễn phí cho người dân và du khách tại các địa điểm như: Nhà thờ Đức Bà, Bưu điện, Nhà hát thành phố, Hội trường Thống Nhất, Bảo tàng Chứng tích chiến tranh… Do đó, mỗi hành khách khi đến với TPHCM đều thấy được sự thân thiện và an toàn.
Để đảm bảo an toàn cho du khách, tuyến du lịch đường thủy phục vụ khách du lịch hằng ngày từ Bến Bạch Đằng (Quận 1) đi TP. Vũng Tàu và ngược lại, tất cả tàu cao tốc đều được phun khử trùng trước và sau mỗi hành trình. Song song đó, nhân viên sử dụng máy để đo thân nhiệt mỗi hành khách khi lên tàu. Nếu phát hiện hành khách có thân nhiệt cao, biểu hiện sốt, sẽ phối hợp với ngành Y tế có hướng xử lý đúng quy định. Trên tàu còn bố trí nước rửa tay diệt khuẩn và khẩu trang y tế.
Thời gian tới, ngành du lịch TPHCM sẽ tiếp tục tập trung nhằm hạn chế lây lan dịch bệnh do Covid-19 một cách tốt nhất. Bên cạnh đó, Sở đang nghiên cứu để tham mưu các giải pháp hỗ trợ ngành du lịch, các doanh nghiệp du lịch thành phố thu hút ngày càng nhiều du khách ngay sau hết dịch.
Tại Hà Nội, du lịch văn hóa là thế mạnh của du lịch Thủ đô. Trong đó, những di tích như: Nhà tù Hỏa Lò, Văn Miếu-Quốc Tử Giám, đền Ngọc Sơn - hồ Hoàn Kiếm, Hoàng thành Thăng Long, chùa Trấn Quốc... là những điểm đến thu hút đông đảo khách du lịch nhất.
Việc tập trung đông người sẽ làm tăng nguy cơ lây lan dịch bệnh cho nên việc phòng, chống dịch bệnh tại các di tích, bảo đảm an toàn cho du khách càng trở nên quan trọng. Ngoài các văn bản chỉ đạo, đôn đốc việc phòng, chống dịch Covid-19 tại các điểm di tích trên địa bàn, Sở VH&TT Hà Nội còn tổ chức các đoàn kiểm tra công tác phòng, chống dịch bệnh tại các di tích; phối hợp Sở Du lịch, chính quyền các địa phương để tuyên truyền, hướng dẫn, thực hiện các biện pháp phòng dịch.
Việc phòng, chống dịch bệnh còn được sự hỗ trợ của nhiều cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp. Ví dụ như Câu lạc bộ Lữ hành UNESCO Hà Nội phối hợp với các đơn vị tổ chức phát miễn phí khoảng 100 nghìn khẩu trang cho khách du lịch, nhất là tại những di tích quan trọng như: Văn Miếu-Quốc Tử Giám, Nhà tù Hỏa Lò, Ngôi nhà Di sản 87 phố Mã Mây, đền Ngọc Sơn...
Với nỗ lực của nhiều phía, việc thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh giúp khách du lịch yên tâm, góp phần giảm thiệt hại cho du lịch cả nước trước ảnh hưởng của dịch Covid-19, đồng thời, còn tạo ấn tượng lâu dài cho khách về Việt Nam như một điểm đến an toàn, thân thiện, ngay trong lúc khó khăn nhất.
Nhật Nam