Kiểm đồng bảng Anh. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo giới quan sát, Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) sẽ giữ nguyên lãi suất tại cuộc họp ngày 19/12 (giờ địa phương) khi cân nhắc đến những diễn biến bất ổn xung quanh vấn đề Brexit - chỉ việc nước Anh rời Liên minh châu Âu (EU).
Tất cả 69 nhà kinh tế tham gia cuộc thăm dò của hãng tin Reuters đều dự đoán BoE sẽ giữ nguyên lãi suất chuẩn ở mức 0,75% với tỷ lệ bỏ phiếu 7 thuận và 2 chống như cuộc họp tháng trước.
Nhưng khi đề cập đến triển vọng chính sách của BoE trong năm 2020, các nhà kinh tế có sự phân hóa quan điểm khá rõ ràng giữa khả năng ngân hàng trung ương này hạ lãi suất, giữ nguyên, hoặc thậm chí có thể tiếp tục nâng lãi suất như kế hoạch đã bị trì hoãn trước đó, tùy thuộc vào cách mà Brexit diễn ra.
Một câu hỏi lớn khác chưa được giải quyết là ai sẽ thay thế ông Mark Carney sau khi ông dự kiến thôi giữ chức Thống đốc BoE vào ngày 31/1/2020.
Sự bất ổn vây quanh Brexit đã ngăn ông Carney và các đồng nghiệp đi theo “làn sóng” tăng lãi suất trong năm 2018 do Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) dẫn đầu.
Kế hoạch nâng lãi suất lại tiếp tục bị gác lại khi các ngân hàng trung ương khác, bao gồm cả Fed và Ngân hàng Trung ương châu Âu (ECB), đã chuyển hướng sang hạ lãi suất nhằm ngăn chặn các tác động của tranh chấp thương mại Mỹ-Trung đối với nền kinh tế của họ.
Ba năm rưỡi sau khi các cử tri Anh bỏ phiếu quyết định rời khỏi EU vào tháng 6/2016, cuối cùng Brexit đã có đường hướng rõ ràng hơn: việc đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson giành được thế đa số áp đảo tại Quốc hội Anh đảm bảo Brexit sẽ diễn ra vào ngày 31/1/2020, theo sau đó là giai đoạn chuyển tiếp theo kế hoạch cũ.
Nhưng Thủ tướng Boris Johnson đã “đổ gáo nước lạnh” lên sự hưng phấn của thị trường tài chính Anh bằng cách đề xuất một dự luật loại trừ bất kỳ đề nghị gia hạn nào cho quá trình chuyển tiếp dự kiến kết thúc vào cuối năm 2020.
Nếu dự luật trên được thông qua, các nhà đàm phán sẽ chỉ có 11 tháng để ký kết một thỏa thuận thương mại giữa Anh và EU - nhiệm vụ mà giới chức trách cả hai bên đã cảnh báo là quá tham vọng.
Và nếu hết năm 2020 vẫn chưa có thỏa thuận, quan hệ giữa Anh với thị trường chung khổng lồ của EU sẽ không có ràng buộc gì để bảo vệ thị trường việc làm và thương mại của hai bên. Điều đó càng gia tăng triển vọng của một Brexit gây nhiều thiệt hại cho kinh tế Anh.
Ông Allan Monks, một nhà kinh tế của ngân hàng JP Morgan, cho rằng khi còn quá nhiều bất ổn xoay quanh Brexit ảnh hưởng tới triển vọng năm 2020 của kinh tế Anh, BoE có khả năng giữ nguyên xu hướng ôn hòa vào năm tới.
Nhưng ngay cả khi BoE giữ nguyên lãi suất như chuyên gia này dự kiến, ông Monks cho rằng ý định chống lại việc gia hạn cho thời gian chuyển tiếp của Thủ tướng Anh sẽ khiến triển vọng nền kinh tế trở nên “chông chênh” vào năm 2021.
Trong khi đó, ông Christian Schulz, một nhà kinh tế của ngân hàng Citi, đã dự đoán BoE sẽ hạ lãi suất vào tháng 8/2020, sau đó sẽ tiến hành cắt giảm nhiều hơn và nối lại hoạt động mua trái phiếu vào năm 2021 khi nước Anh có nguy cơ rơi vào suy thoái vì “canh bạc” Brexit mới của Thủ tướng Johnson./.
H. Thủy