Ảnh minh họa
Chờ đợi trên đỉnh lịch sử
Thị trường chứng khoán (TTCK) Mỹ rời đỉnh lịch sử trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam) sau nhiều phiên tăng điểm hưng phấn. Những quyết định khó lường của ông Donald Trump trong phần lớn thời gian ở cương vị tổng thống Mỹ khiến nhiều người thận trọng, nhất là ở vào thời điểm Mỹ-Trung Quốc chuẩn bị ký kết thỏa thuận thương mại một phần, thường được gọi là Thỏa thuận giai đoạn 1.
Trước đó, chính quyền ông Donald Trump cũng đã từng một lần hủy thỏa thuận thương mại Mỹ-Trung và cáo buộc Trung Quốc muốn sửa đổi nội dung đã đàm phán trước đó.
Trong phiên giao dịch đêm qua (giờ Việt Nam), chỉ số chứng khoán tầm rộng S&P 500 giảm nhẹ gần 5 điểm và mất đỉnh cao lịch sử; chỉ số công nghệ Nasdaq cũng giảm nhẹ 22,6 điểm xuống 9.251 điểm. Chỉ số công nghiệp Dow Jones tăng 32,62 điểm lên 28.939,67.
Trong phiên trước đó, chứng khoán Mỹ nối đà tăng của tuần trước và đồng loạt lập kỷ lục cao lịch sử mới với sự hưng phấn của giới đầu tư đến trong bối cảnh Mỹ loại Trung Quốc khỏi danh sách thao túng tiền tệ. Cổ phiếu Tesla của tỷ phú công nghệ Elon Musk lần đầu vượt mốc 500 USD với doanh số bán hàng kỷ lục và nhà máy tại Trung Quốc bắt đầu hoạt động.
Quyết định loại Trung Quốc ra khỏi danh sách các quốc gia thao túng tiền tệ đã làm tăng sự lạc quan trước khi 2 nước ký kết thoả thuận thương mại. Đây được xem là một động thái hạ nhiệt hiếm thấy của chính quyền ông Trump.
Trong tuần trước chứng khoán Mỹ cũng liên tục lập kỷ lục khi căng thẳng Mỹ - Iran dịu bớt sau khi ông Donald Trump có những quyết định bất ngờ, bắn hạ nhân vật quyền lực số 2 của Iran nhưng lại rất cứng rắn và mang lại lợi thế cho nước Mỹ.
Trong phiên giao dịch đêm qua, sở dĩ chứng khoán Mỹ gần như đi ngang cho dù nhóm cổ phiếu ngân hàng tăng mạnh sau kết quả kinh doanh quý 4/2019 rất tích cực là bởi vì giới đầu tư thận trọng trước thời điểm Mỹ-Trung ký kết thỏa thuận. Nhiều người e ngại ông Donald Trump có thể thay đổi quyết định bất cứ khi nào nếu không đạt được mục đích.
Đà tăng trong phiên của chỉ số Dow Jones bị xóa sạch, trong khi đó S&P 500 và Nasdaq Composite cũng mất hết lợi thế sau khi có thông tin cho rằng, Mỹ sẽ duy trì thuế quan đối với Trung Quốc đến cuộc bầu cử 2020.
Theo kế hoạch, Mỹ và Trung Quốc sẽ ký kết thỏa thuận thương mại “giai đoạn 1” vào đêm nay 15/1 (giờ Việt Nam) với nội dung được tiết lộ cho biết Trung Quốc sẽ cam kết mua 200 tỷ USD hàng hóa của Mỹ ở 4 ngành công nghiệp trong vòng 2 năm tới, trong đó có 40 tỷ USD cho nông nghiệp.
Donald Trump khó lường, các thị trường thận trọng
Đổi lại, Mỹ đã hủy kế hoạch áp thuế vào ngày 15/12/2019 và giảm bớt thuế đối với 120 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc. Trước đó hôm 13/1, Mỹ đã bỏ Trung Quốc ra khỏi danh sách thao túng tỷ giá mà theo Bộ Tài chính Mỹ cho rằng “Trung Quốc không nên bị gắn nhãn thao túng tỷ giá tại thời điểm này”.
Mặc dù vậy, hàng rào thuế quan 25% đối với 250 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn giữ nguyên.
Và một điều khiến giới đầu tư lo ngại là việc Mỹ và Trung Quốc không có thỏa thuận giảm thuế trong tương lai. Thỏa thuận được cho là sẽ không bao gồm điều khoản rút lại hay giảm các đợt thuế đã áp lên hàng hóa Trung Quốc.
Quyết định gỡ thuế của Mỹ với hàng hóa Trung Quốc sẽ phụ thuộc việc Bắc Kinh tuân thủ thỏa thuận giai đoạn 1 thế nào. Theo đó, trong thỏa thuận này còn có điều khoản về thực thi, theo đó Mỹ sẽ đơn phương tái áp đặt hàng rào thuế quan nếu Trung Quốc không giữ đúng cam kết, bao gồm cả cam kết mua hàng hóa. Cơ chế thực thi cho phép Mỹ tái áp đặt hàng rào thuế quan trong vòng 90 ngày.
Thỏa thuận được cho là sẽ nâng cao việc bảo vệ sở hữu trí tuệ và cũng có chương đề cập tới việc chuyển giao công nghệ bắt buộc, tỷ giá và khả năng tiếp cận tới những lĩnh vực quan trọng trong nền kinh tế Trung Quốc, bao gồm cả dịch vụ tài chính và nông nghiệp.
Theo Bloomberg, cả 2 nước hiểu Mỹ sẽ xem xét và có thể cắt giảm các khoản thuế hiện tại không sớm hơn 10 tháng sau khi thỏa thuận được ký.
Như vậy, thỏa thuận Mỹ-Trung nếu đạt được với những nội dung như trên thì căng thẳng thương mại giữa 2 nước vẫn còn đáng kể, hàng rào thuế quan còn lớn và nó sẽ ngăn cản sự hồi phục của nền kinh tế thế giới.
Hơn thế, còn những vẫn đề lớn giữa Mỹ và Trung Quốc sẽ phải giải quyết trong giai đoạn 2 và cũng không biết thỏa thuận giai đoạn 1 có được thực thi hay không, hay 2 bên sẽ nhanh chóng đưa ra những đòn trả đũa nếu không cảm thấy hài lòng.
Một vấn đề lớn không được 2 bên nêu ra chính là cuộc đua về công nghệ với chủ nghĩa chuyên chế công nghệ cao của Trung Quốc, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp lớn để cạnh tranh không lành mạnh trên thế giới.
Sau hàng chục năm mở cửa với Trung Quốc, Mỹ dường như đã thất vọng vì sự tự do hóa nền kinh tế tại Trung Quốc.
Nhiều dự báo cho thấy, sau thương mại, công nghệ và tài chính sẽ là mặt trận tiếp theo trong cuộc đối đầu Mỹ-Trung. Trước đó, căng thẳng trong 2 lĩnh vực này, đặc biệt công nghệ cũng đã khá rõ ràng.
Mỹ đã liệt tập đoàn công nghệ Huawei và các công ty công nghệ quan trọng khác của Trung Quốc vào một danh sách đạc biệt để ngăn chặn. Mỹ cũng đang tính toán để ngăn các quỹ hưu trí công cộng của nước này nắm giữ cổ phiếu Trung Quốc và ngăn cổ phiếu Trung Quốc niêm yết trên TTCK Mỹ.
Trên mặt trận tài chính, Trung Quốc đã lên kế hoạch phát hành loại tiền kỹ thuật số với sự hậu thuẫn của Ngân hàng Nhân dân Trung Quốc (PBOC) và gia tăng sự ảnh hưởng của đồng Nhân dân tệ.
Trên thực tế, cuộc chiến giữa Mỹ và Trung Quốc là sự cạnh tranh địa chính trị. Thương mại chỉ là ban đầu và thỏa thuận Giai đoạn 1 nhiều khả năng chỉ là một thỏa thuận “đình chiến” tạm thời ở vào thời điểm cuộc bầu cử tổng thống Mỹ 2020 đang cận kề, còn Bắc Kinh cũng gặp nhiều vấn đề, từ kinh tế cho tới khủng hoảng tại Hong Kong.
M. Hà