Mỹ và Trung Quốc ngày 15/1 (giờ Mỹ) sẽ ký thỏa thuận thương mại giai đoạn 1 sau 18 tháng căng thẳng giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới. Thỏa thuận được kỳ vọng sẽ giảm căng thẳng tạm thời tuy nhiên hai bên còn nhiều việc phải làm để giải quyết dứt điểm các bất đồng trong thương mại song phương.
Tổng thống Donald Trump và Phó Thủ tướng Trung Quốc Lưu Hạc sẽ ký một thỏa thuận thương mại khiêm tốn tại thủ đô Washington. Theo thỏa thuận này, Mỹ sẽ giảm thuế nhập khẩu đối với Trung Quốc và Bắc Kinh sẽ gia tăng mua nông sản và một số sản phẩm khác của Mỹ. Nhìn chung, thỏa thuận này nhằm tháo ngòi cuộc xung đột từng khiến tăng trưởng toàn cầu chậm lại, gây tổn hại tới các nhà sản xuất Mỹ và ảnh hưởng đáng kể tới nền kinh tế Trung Quốc.
Thỏa thuận giai đoạn 1: Sự “xuống thang” khiêm tốn
Tuy nhiên, thỏa thuận giai đoạn 1 sẽ chưa đủ để buộc Trung Quốc tiến hành các cải cách kinh tế lớn bao gồm giảm trợ cấp đối với các công ty nhà nước, điều mà chính quyền Tổng thống Trump yêu cầu khi tiến hành thương chiến với Trung Quốc bằng việc áp thuế quân từ tháng 7/2018. Phía Mỹ vẫn chưa tiết lộ các chi tiết của thỏa thuận mặc dù các quan chức Mỹ cho biết nội dung sẽ được công bố sau lễ ký ngày 15/01.
Theo hầu hết các nhà phân tích, sẽ mất nhiều năm đàm phán khó khăn để có thể đạt được một giải pháp cho cáo buộc của Mỹ rằng Trung Quốc sử dụng chiến thuật ‘ăn cướp” nhằm tìm cách thay thế vị trí độc tôn trong lĩnh vực công nghệ của Mỹ. Một số nhà phân tích cho rằng gần như không thể đạt được một giải pháp thỏa mãn do tham vọng của Trung Quốc trở thành lãnh đạo toàn cầu trong các công nghệ tiên tiến cụ thể như xe không người lái và trí thông minh nhân tạo.
Eswar Prasad, chuyên gia kinh tế thuộc trường Đại học Cornell và từng là người đứng đầu bộ phận Trung Quốc của Quỹ tiền tệ quốc tế, cho biết việc ký thỏa thuận giai đoạn 1 là sự xuống thang khiêm tốn các hoạt động thương mại thù địch giữa Mỹ và Trung Quốc. Chuyên gia Eswar Prasad cũng cho rằng “thỏa thuận này khó có thể giải quyết tận gốc các căng thẳng thương mại và kinh tế giữa hai nước và thậm chí những cẳng thẳng này còn có thể tiếp tục tồi tệ hơn”.
Trong bức thư gửi Tổng thống Trump ngày 13/1, Chuck Schumer, Thượng nghị sỹ Dân chủ đại diện cho New York, cho rằng thỏa thuận giai đoạn 1 dường như đã đạt được rất ít tiến triển trong việc chuyển đổi các hành vi thương mại tham lam của Trung Quốc và thỏa thuận này có thể là tín hiệu cho các nhà đàm phán Trung Quốc thấy rằng Mỹ có thể bị đánh bại.
Vẫn còn nhiều vấn đề gai góc
Các vấn đề gai góc hơn dự kiến sẽ được đề cập tới trong các vòng đàm phán trong tương lai, tuy nhiên điều này chưa biết bao giờ sẽ bắt đầu và khả năng sẽ khó tiến triển trước cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ vào tháng 11/2020. Theo John Veroneau, một cựu quan chức thương mại dưới thời Tổng thống George W. Bush, giai đoạn 2 có thể diễn ra vào năm 2021.
Theo thỏa thuận giai đoạn 1 mà hai nước đạt được giữa tháng 12 năm ngoái, chính quyền Tổng thống Trump đã bỏ kế hoạch đánh thuế bổ sung đối với 160 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc, đồng thời giảm mức thuế đối với 110 tỷ USD đối với hàng hóa Trung Quốc xuống còn 7.5%. Trong khi đó, Bắc Kinh đồng ý gia tăng nhập khẩu nông sản của Mỹ. Theo chính quyền Tổng thống Trump, Trung Quốc sẽ mua khoảng 40 tỷ USD mỗi năm nông sản của Mỹ, một mục tiêu được coi là tham vọng khi Trung Quốc chưa bao giờ mua quá 26 tỷ USD nông sản của Mỹ mỗi năm. Các mức thuế của Mỹ đối với 360 tỷ USD hàng hóa Trung Quốc vẫn được duy trì.
Ông Chad Bown thuộc Viện nghiên cứu kinh tế quốc tế Peterson ước tính gần 2/3 số hàng hóa nhập khẩu từ Trung Quốc vẫn phải chịu các mức thuế của Mỹ. Các biện pháp thuế quan đáp trả của Trung Quốc ảnh hưởng tới hơn một nửa các mặt hàng xuất khẩu của Mỹ sang Trung Quốc. Mức thuế nhập khâu trung bình của Mỹ đối với hàng hóa Trung Quốc đã tăng từ 3% trong tháng 1/2018 lên 21% hiện nay. Chuyên gia Chad Bown cho rằng mức thuế cao giữa hai nền kinh tế lớn nhất thế giới hiện nay là một “mức bình thường mới”.
Chính quyền Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận giai đoạn 1 là khởi đầu vững chắc bao gồm các cam kết của Trung Quốc nhằm bảo vệ sở hữu trí tuệ, từ bỏ việc ép các công ty nước ngoài chuyển giao công nghệ nhạy cảm và hạn chế thao túng giảm giá đồng nhân dân tệ nhằm mang lại lợi ích cho các nhà xuất khẩu nước này. Bộ Tài chính Mỹ đã loại Trung Quốc khỏi danh sách các nước thao túng tiền tệ hai ngày trước khi diễn ra lễ ký thỏa thuận giai đoạn 1.
Với việc duy trì thuế nhập khẩu đối với hàng hóa Trung Quốc, chính quyền Tổng thống Trump muốn buộc Bắc Kinh phải thực thi các cam kết của mình, điều mà Mỹ cho rằng Bắc Kinh đã không thực hiện được trong nhiều thập kỷ. Theo Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện doanh nghiệp Mỹ, “Mỹ chưa bao giờ trừng phạt Trung Quốc và nếu không có các biện pháp thuế quan, Trung Quốc có thể viết bất kỳ điều gì và sau đó lại lừa dối”.
Phía chính quyền Tổng thống Trump cho rằng thỏa thuận giai đoạn 1 là một bước đột phá. Trong bài phỏng vấn với kênh truyền hình Fox Business Network, Đại diện Thương mại Mỹ Robert Lighthizer tuyên bố đây là một thỏa thuận rất tốt đối với Mỹ. Ông Lighthizer khẳng định “thỏa thuận này sẽ hiệu quả nếu các nhà cải cách ở Trung Quốc thực sự muốn. Nếu điều này thành hiện thực sẽ rất tốt, còn không, thỏa thuận này vẫn hoàn toàn có thể thực thi”. Theo ông Lighthizer, Mỹ kỳ vọng Trung Quốc sẽ tuân thủ theo luật, nếu không Mỹ sẽ hành động.
Thắng lợi của chính quyền Trump?
Derek Scissors, chuyên gia nghiên cứu về Trung Quốc tại Viện doanh nghiệp Mỹ cho biết cuộc chiến thương mại đã mang lại lợi ích cho Tổng thống Trump ngay cả khi chưa buộc Trung Quốc tiến hành các thay đổi lớn đối với chính sách kinh tế của nước này. Thương chiến đã giúp Tổng thống Trump đạt mục tiêu giảm xuất khẩu của Trung Quốc sang Mỹ cũng như thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc. Tổng thống Trump đã từ lâu chỉ trích thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc như một dấu hiệu của điểm yếu kinh tế trong khi quan điểm này bị phản đối bởi nhiều chuyên gia kinh tế. Thâm hụt thương mại lớn có thể phản ánh sức mạnh kinh tế vì đó là khi người tiêu dùng của một quốc gia cảm thấy đủ thịnh vượng và tự tin để chi tiêu tự do đối với các hàng hóa nhập khẩu cũng như hàng hóa sản xuất trong nước.
Thâm hụt thương mại của Mỹ với Trung Quốc trong giao thương hàng hóa đã giảm khoảng 16% tương đương 62 tỷ USD, xuống 321 tỷ USD so với 1 năm trước đây. Mức thâm hụt này sẽ tiếp giảm nếu Trung Quốc thực thi cam kết tăng nhập khẩu hàng hóa của Mỹ.
Việc tăng thuế của Tổng thống Trump đã gây khó khăn và khiến nền kinh tế Trung Quốc chậm lại mặc dù thiệt hại vẫn ít hơn mức độ mà nhiều chuyên gia dự báo. Theo số liệu hải quan Trung Quốc, xuất khẩu toàn cầu của Trung Quốc vẫn tăng 0.5% trong năm 2019 bất chấp việc sụt giảm doanh số bán hàng sang Mỹ.
Các nhà xuất khẩu Trung Quốc đã đối phó với các biện pháp thuế quan của Mỹ bằng cách xuất khẩu hàng hóa sang Mỹ thông qua các nước khác và tăng cường bán hàng ở châu Á, châu Âu và châu Phi. Chính phủ Trung Quốc thông báo xuất khẩu của nước này sang Pháp, Canada, Australia Brazil và Đông Nam Á đã tăng 2 con số trong năm 2019.
Theo các chuyên gia kinh tế, cuộc chiến thuế quan đã khiến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc chậm lại và giảm xuống mức 6% trong quý 3/2019, múc thấp nhất trong nhiều thập kỷ. Nhu cầu trong nước yếu và các hoạt động xây dựng chững lại cũng gây ra những tổn hại nhất định. Tu Xinquan, Giám đốc Viện nghiên cứu WTO của Trung Quốc thuộc Đại học Kinh tế và Kinh doanh quốc tế tại Bắc Kinh cho biết: “Sẽ không thực tế khi chính phủ Mỹ nghĩ rằng có thể đánh bại được Trung Quốc bằng việc gây sức ép lớn. Với một nền kinh tế khổng lồ, Trung Quốc sẽ dần hấp thụ các cú sốc từ bên ngoài”.
Julian Evans-Pritchard thuộc Tổ chức Capital Economics chia sẻ “Trung Quốc chưa đạt được mọi điều họ muốn ngoài thỏa thuận này và Mỹ rõ ràng chưa đạt được việc thay đổi cấu trúc của nền kinh tế Trung Quốc như Mỹ muốn. Tuy nhiên, Mỹ sẽ có sự gia tăng trong xuất khẩu và giảm thâm hụt thương mại song phương và chính quyền Tổng thống Trump sẽ coi đó là một thắng lợi”./.
Phạm Huân/VOV-Washington