Các hãng thời trang xa xỉ ‘điêu đứng’ vì đại dịch do virus Covid-19

Các hãng thời trang xa xỉ ‘điêu đứng’ vì đại dịch do virus Covid-19
Sự bùng phát của đại dịch viêm đường hô hấp cấp do virus corona chủng mới (Covid-19) gây ra đã đánh sập cổ phiếu của các tập đoàn thời trang xa xỉ trên thế giới.
24 trong số 64 cửa hàng của thương hiệu thời trang Anh Burberry hiện đang bị đóng cửa tại Trung Quốc.
24 trong số 64 cửa hàng của thương hiệu thời trang Anh Burberry hiện đang bị đóng cửa tại Trung Quốc.

Theo công ty tư vấn quản lý toàn cầu Bain & Company, nếu cách đây 10 năm, khách hàng Trung Quốc chiếm chưa đến 15% lượng tiêu thụ hàng hóa xa xỉ toàn cầu, thì trong năm 2019, họ chiếm 35% thị trường và dự kiến sẽ tăng lên 40% vào năm 2025.

Người tiêu dùng Trung Quốc năm ngoái đã mua gần 110 tỷ USD lượng hàng hóa xa xỉ, bao gồm quần áo, đồ da, đồ trang sức và chủ yếu là mua ở bên ngoài Trung Quốc. Tuy nhiên, với tình trạng hàng chục triệu người Trung Quốc đang bị cách ly như hiện nay thì việc đi du lịch và mua sắm là việc khó có thể xảy ra.

Trong cuộc phỏng vấn với hãng tin Sputnik mới đây, bà Anna Lebsak-Kleimans, CEO của tập đoàn thời trang Nga Fashion Consulting Group, đã đề cập tới những nguy cơ đang đe dọa tới doanh thu của các thương hiệu thời trang xa xỉ ở Nga vì lượng khách du lịch giảm mạnh.

“Tình trạng này sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến các cửa hàng bán lẻ hàng xa xỉ ở Moscow và St. Petersburg, nơi khách du lịch chiếm hơn 15% lượng mua, trong đó một phần đáng kể là khách du lịch từ Trung Quốc. Hơn nữa, các nhà bán lẻ đồ xa xỉ đã mua nhiều hàng cho năm 2020 với kỳ vọng về sự tăng trưởng lớn bởi vì lượng khách du lịch Trung Quốc đã tăng lên 15-20% mỗi năm”, bà Lebsak-Kleimans chia sẻ.

Vị nữ CEO cho biết nếu du khách Trung Quốc không ghé qua các cửa hàng trong một tháng, thì doanh thu cả năm của các cửa hàng mất 1-2%.

Tuy nhiên, đại diện của Fashion Consulting Group cũng tỏ ra rất lạc quan: “Lệnh cách ly khách du lịch từ Trung Quốc không thể kéo dài lâu. Đồng thời, vào cuối tháng 1- đầu tháng 2 là mùa du lịch thấp điểm. Vì thế có thể hy vọng rằng, doanh thu sẽ không sụt giảm mạnh. Sau khi dỡ bỏ lệnh cách ly sẽ có hiệu ứng “nhu cầu bị dồn nén” và doanh thu sẽ tăng trong ngắn hạn. Các nhà bán lẻ không nên bỏ lỡ thời điểm này”.

Theo tờ The Wall Street Journal, các thương hiệu xa xỉ lớn đã đóng các cửa hàng ở Vũ Hán (tỉnh Hồ Bắc, Trung Quốc), thành phố tâm chấn của đại dịch do virus Covid-19.

Tại Paris, nhân viên của các cửa hàng thời trang báo cáo doanh thu giảm mạnh, và các nhà bán lẻ trên trang web WeChat của Trung Quốc ngay lập tức chuyển từ bán túi đắt tiền sang bán khẩu trang y tế và thuốc khử trùng có nhu cầu lớn hơn vào lúc này, tờ báo cho biết.

Các nhà đầu tư bán ra cổ phiếu của các công ty thuộc ngành hàng xa xỉ. Kể từ đầu năm, giá cổ phiếu của các tập đoàn thuộc ngành hàng này đã giảm 5-15% và thậm chí nhiều hơn nữa khi Trung Quốc thực hiện lệnh cách ly.  Cổ phiếu của LVMH, Kering, Hermes, Moncler xuống tới mức thấp nhất trong lịch sử.

Một trong số những thương hiệu chịu ảnh hưởng lớn là Burberry với tỉ trọng 40% doanh thu bán hàng đến từ nhóm khách hàng Trung Quốc ở thị trường nội địa hoặc quốc tế.

Burberry cho biết, 24 trong số 64 cửa hàng hiện đang bị đóng cửa tại Trung Quốc, phần còn lại rút ngắn thời gian làm việc.

Cuối tuần trước, Burberry cảnh báo rằng virus corona đã cuốn bay 80% doanh thu của hãng tại các cửa hàng vẫn đang mở cửa tại Trung Quốc.

Các nhà phân tích của ngân hàng UBS cho rằng, nếu nhu cầu của Trung Quốc giảm 20% trong một quý, lợi nhuận của các thương hiệu xa xỉ vào cuối năm 2020 sẽ giảm 2-15%. Nếu doanh thu ở Trung Quốc giảm 30% trong một quý, lợi nhuận của các công ty bán hàng xa xỉ sẽ giảm 4-24%.

Trong khi đó, các nhà sản xuất trang sức và đồng hồ - Swatch và Richemont, mà người tiêu dùng Trung Quốc chiếm 50% và 45% doanh thu, sẽ bị thiệt hại nhiều nhất.

Trong số các tập đoàn ổn định nhất có LVMH (hai thương hiệu chính Louis Vuitton và Dior), Kering (thương hiệu chính là Gucci) và Hermes, trong đó người tiêu dùng Trung Quốc chiếm 30 - 35% doanh thu.

Các công ty này vẫn hy vọng rằng dịch bệnh sẽ không kéo dài lâu và tình hình sẽ bình thường hóa trước cuối tháng 3. Các nhà phân tích của Citi Bank hy vọng rằng, virus mới sẽ ảnh hưởng chủ yếu đến doanh thu bán hàng tại Trung Quốc, trong khi toàn bộ thị trường sẽ tiếp tục tăng trưởng trong năm 2020.

Họ cũng tin rằng, xu hướng mua hàng online đang gia tăng sẽ giúp các công ty giảm tác động tiêu cực. Tuy nhiên, theo Bain & Company, chỉ có 12% lượng hàng xa xỉ đang được bán qua Internet.


Chu La (Theo Sputni)

Tags: Virus Covid-19 Trung Quốc Ceo Burberry Hermes Gucci