Bước tiến lớn trong cải cách tài chính công
Trong năm 2019, Bộ Tài chính đã nỗ lực tổ chức thực hiện điều hành dự toán, quản lý thu, chi và công khai, minh bạch ngân sách nhà nước (NSNN). Trong đó, tổng thu cân đối NSNN đến ngày 31/12/2019 đạt 1.549,5 nghìn tỷ đồng, vượt 138,2 nghìn tỷ đồng (+9,79%) so dự toán... Quản lý chi NSNN chặt chẽ trong phạm vi dự toán, tiếp tục cơ cấu lại chi NSNN, tăng tỷ trọng dự toán chi đầu tư phát triển, giảm tỷ trọng dự toán chi thường xuyên, đồng thời kết hợp cơ cấu lại chi trong từng lĩnh vực gắn với đổi mới sắp xếp lại bộ máy, tinh giản biên chế và đổi mới khu vực sự nghiệp công.
Bên cạnh đó, Bộ Tài chính cũng làm tốt công tác quản lý tài chính doanh nghiệp và cổ phần hóa, thoái vốn doanh nghiệp nhà nước; Công tác quản lý thị trường tài chính và dịch vụ tài chính; Cải cách tài chính công nội ngành Tài chính...
Đặc biệt, nhằm đẩy mạnh và triển khai quyết liệt đối với công tác cải cách tài chính công, Bộ Tài chính đã thực hiện việc công khai đầy đủ, kịp thời các loại tài liệu ngân sách theo quy định trong chuyên mục công khai ngân sách trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Tài chính.
Đồng thời, nhằm cung cấp thông tin về dự toán NSNN cho người dân một cách dễ hiểu và đơn giản nhất, Bộ Tài chính đã công bố “Báo cáo ngân sách dành cho công dân về Dự toán NSNN năm 2020 trình Quốc hội”. Bằng ngôn ngữ và hình thức thể hiện ngắn gọn, dễ hiểu thông qua các biểu đồ, đồ họa, báo cáo giúp người dân có thể tiếp cận và nắm bắt được các thông tin cơ bản về NSNN.
Báo cáo ngân sách được Bộ Tài chính đăng tải công khai tại Cổng thông tin điện tử Bộ Tài chính, phát hành ấn phẩm và công bố rộng rãi thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Thông qua đó, người dân có thể tham gia giám sát việc quản lý, sử dụng ngân sách và có thể đóng góp tiếng nói của mình đối với vấn đề phân bổ, quản lý, sử dụng NSNN đến Quốc hội thông qua các Đại biểu quốc hội.
Đây là năm thứ 6 Bộ Tài chính xuất bản Báo cáo ngân sách dành cho công dân kể từ năm ngân sách 2015, một trong những hình thức quan trọng thúc đẩy công khai, minh bạch ngân sách ở Việt Nam thông qua đánh giá của các tổ chức minh bạch quốc tế.
Ngày 30/7/2019, trong khuôn khổ dự án “Thúc đẩy công khai, minh bạch và sự tham gia của người dân vào quản lý NSNN”, do tổ chức Oxfam tài trợ, Liên minh Minh bạch ngân sách, Trung tâm Phát triển và Hội nhập đã tổ chức hội thảo công bố Chỉ số công khai ngân sách bộ, cơ quan trung ương 2018. Theo kết quả công bố, Bộ Tài chính xếp thứ 3/37 bộ, cơ quan Trung ương thuộc đối tượng đánh giá.
Tiếp tục triển khai nhiều giải pháp trong cải cách tài chính công
Nhằm tiếp tục nâng cao năng lực và hiệu quả trong quản lý thu chi NSNN; giám sát và đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, tiếp tục đẩy mạnh cải cách tài chính công, ngay từ đầu năm 2020, Bộ Tài chính đã triển khai quyết liệt nhóm giải pháp. Cụ thể:
Một là, nâng cao hiệu quả huy động nguồn lực tài chính; Rà soát chính sách thuế, phí, lệ phí, đề xuất sửa đổi, bổ sung các văn bản quy phạm pháp luật, phù hợp với định hướng phát triển kinh tế; Quản lý chặt chẽ nguồn thu NSNN từ thuế, mở rộng cơ sở thuế nội địa; Tăng cường thanh tra, kiểm tra, chống thất thu NSNN, chống buôn lậu và gian lận thương mại.
Hai là, nâng cao hiệu quả phân bổ và sử dụng các nguồn lực tài chính; Thực hiện phân bổ NSNN tập trung, sử dụng hiệu quả; Thực hiện cơ cấu chi NSNN vững chắc; Cải cách quản lý ngân quỹ nhà nước an toàn, hiệu quả; Đề xuất giải pháp đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ba là, thực hiện đúng quy định của Luật NSNN năm 2015 về công khai NSNN, đa dạng hoá các hình thức công khai NSNN; Hướng dẫn, đôn đốc và giám sát việc thực hiện công khai NSNN của các địa phương.
Bốn là, đổi mới cơ chế tài chính đối với đơn vị sự nghiệp công lập; Hoàn thiện cơ chế, chính sách tài chính doanh nghiệp, thực hiện tái cấu trúc doanh nghiệp nhà nước; Theo dõi, đôn đốc tiến độ cổ phần hoá các doanh nghiệp nhà nước, tình hình thoái vốn tại các doanh nghiệp nhà nước.
Năm là, phát triển đồng bộ thị trường tài chính và dịch vụ tài chính: thị trường chứng khoán ổn định, vững chắc, hoạt động hiệu quả; thị trường bảo hiểm lành mạnh, an toàn; đồng bộ thị trường dịch vụ kế toán, kiểm toán; nâng cao năng lực hoạt động thẩm định giá của Việt Nam; thị trường trái phiếu theo hướng hiện đại, hoàn chỉnh đi đôi với tái cấu trúc thị trường tài chính.
Sáu là, đẩy mạnh hoạt động hợp tác và chủ động hội nhập quốc tế về tài chính; Tăng cường theo dõi, giám sát thực hiện quá trình hội nhập; Chuẩn bị các điều kiện để thực hiện tốt vai trò Chủ tịch ASEAN 2020.
Bảy là, giám sát an toàn về nợ công, nợ quốc gia, nợ Chính phủ; Tăng cường kiểm tra, giám sát việc sử dụng vốn vay về cho vay lại; Xây dựng kế hoạch dự trữ quốc gia 5 năm giai đoạn 2021-2025.
D.Bùi (T/H)