Cần “bơm” nguồn vốn giá rẻ ra thị trường để phục hồi tăng trưởng

Cần “bơm” nguồn vốn giá rẻ ra thị trường để phục hồi tăng trưởng
Dịch Covid-19 đã và đang gây ra những thiệt hại không hề nhỏ tới nền kinh tế nước ta. Trao đổi với phóng viên Báo Hải quan, PGS.TS. Hoàng Văn Cường (ảnh), Đại biểu Quốc hội đoàn Hà Nội, Ủy viên Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội khóa XIV, Phó Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân cho rằng, các chính sách hỗ trợ về tài chính cho các lĩnh vực, đối tượng của nền kinh tế phải đúng hướng, đúng đối tượng thì mới đạt được hiệu quả lâu dài, bền vững.

Theo ông dịch Covid-19 sẽ “công phá” nền kinh tế trong nước như thế nào trong giai đoạn này và thời gian tới?

Dịch Covid-19 đã được Tổ chức Y tế thế giới cảnh báo nguy hiểm toàn cầu, trong khi Việt Nam là quốc gia có đường biên giới cũng như các hoạt động giao thương với Trung Quốc rất lớn nên nguy lây nhiễm dịch là rất cao. Trước nguy cơ đó, Chính phủ đã có sự chỉ đạo quyết liệt, kịp thời, thực hiện các biện pháp kiểm soát dịch bệnh một cách chủ động, chặt chẽ, người dân đã có ý thức thực hiện và tuân thủ các biện pháp phòng dịch, không để dịch bùng phát là thành công bước đầu tạo niềm tin và yên tâm cho người dân.

Thực tế, dịch Covid-19 đang có những tác động, ảnh hưởng không nhỏ đến kinh tế và đời sống của người dân trước mắt và lâu dài. Đặc biệt là lĩnh vực du lịch, xuất khẩu nông sản, công nghiệp lắp ráp chế tạo… từ đó sẽ kéo theo ảnh hưởng đến các ngành sản xuất, dịch vụ khác. Không chỉ xuất khẩu hàng hoá nông sản của Việt Nam phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc, mà nằm trong chuỗi cung ứng toàn cầu, nhiều ngành công nghiệp chế biến chế tạo của nước ta đang sử dụng nguyên liệu chủ yếu từ thị trường Trung Quốc nên nhiều hoạt động sản xuất bị đình trệ, nhiều lĩnh vực bị hạn chế hoạt động, có ảnh hưởng tới tăng trưởng kinh tế. Kể cả khi dịch bệnh được khống chế thì nền kinh tế vẫn sẽ chịu nhiều tác động bởi các doanh nghiệp cũng như thị trường các nước, nhất là Trung Quốc phải cần thời gian để hồi phục lại như ban đầu. Do đó, các dự báo về kịch bản tăng trưởng kinh tế năm nay đều đưa ra dự báo tốc độ tăng trưởng khó đạt được mục tiêu đặt ra là vấn đề cần tính đến.

Với những ảnh hưởng như trên, theo ông, Chính phủ nên có những biện pháp hỗ trợ cho tăng trưởng kinh tế như thế nào cho phù hợp?

Trước hết, Chính phủ cần có các biện pháp hỗ trợ để giảm thiểu các tổn thất tức thời như: Hàng hoá nông sản bị tồn đọng không xuất khẩu được phải lưu kho bãi, hỗ trợ kịp thời cho những hoạt động sản xuất các phương tiện, thiết bị phục vụ phòng chống dịch, như sản xuất thiết bị y tế, khẩu trang, nước khử trùng… không nên để doanh nghiệp “tự bơi” tìm nguồn nguyên phụ liệu hoặc giải quyết khó khăn về vốn vay. Bên cạnh đó, Nhà nước phải có chính sách hỗ trợ thúc đẩy việc chuyển đổi kỹ thuật, trang thiết bị, máy móc, công nghệ sản xuất, chế biến để mở rộng thị trường, đa dạng hoá nguồn nguyên liệu kể cả tự sản xuất nguyên phụ liệu trong nước... Tác động của dịch lần này là cơ hội buộc những nhà sản xuất phải vươn lên những tiêu chuẩn cao hơn, đáp ứng yêu cầu của những thị trường cao cấp đang có cơ hội mở ra theo các Hiệp định thương mại mới như: Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định Thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh châu Âu (EVFTA)… đang cần có bàn tay thúc đẩy và định hướng của Nhà nước.

Chúng ta đã nói nhiều đến công tác hỗ trợ trong và sau dịch Covid-19, liệu rằng chúng ta có phải dùng đến một gói tài chính để kích thích tăng trưởng như nhiều quốc gia đã từng làm hay không, thưa ông?

Rõ ràng, trong hoàn cảnh hiện nay, nếu chúng ta bơm một lượng tiền lớn ra nền kinh tế thì sẽ chỉ tạo ra sự phục hồi trong ngắn hạn, khó có thể mang tới tác động lâu dài, thậm chí nếu lượng tiền này được “bơm” vào những lĩnh vực nhạy cảm hút vốn thì có thể tạo thành tác động ngược. Vì thế theo tôi, các gói tài chính để hỗ trợ người dân, doanh nghiệp bị ảnh hưởng bởi dịch Covid-19 nên chia thành nhiều hình thức phù hợp, để đi đúng và đi trúng đối tượng, lĩnh vực cần hỗ trợ.

Cụ thể, chúng ta phải dùng ngân sách để cấp vốn trực tiếp cho những hoạt động phòng chống dịch. Nhà nước cần “bơm vốn” ngay lập tức cho doanh nghiệp, tổ chức cần sản xuất thiết bị y tế, đầu tư mở rộng sản xuất phương tiện, trang thiết bị y tế phục vụ cho phòng chống dịch. Gói hỗ trợ này cũng cần hướng tới tháo gỡ, giải quyết những khó khăn trong việc lưu trữ sản phẩm, hỗ trợ mở rộng thị trường tiêu thụ và nguồn cung cấp nguyên liệu mới. Việc cấp vốn trực tiếp vào các hoạt động này sẽ không sợ tình trạng lợi dụng để tiêu tán ngân sách sang các lĩnh vực khác, vì đã được khu biệt rất rõ địa chỉ.

Cùng với đó, phương thức hỗ trợ rộng rãi hơn là các gói hỗ trợ bằng nguồn vốn vay giá rẻ để các doanh nghiệp, người dân bị ảnh hưởng được kéo dài thời gian trả nợ, không bị liệt vào nhóm nợ xấu, thậm chí còn được vay thêm vốn. Sự hỗ trợ này có thể thông qua các ngân hàng chính sách hoặc các ngân hàng thương mại. Điều cần chú trọng là phải thực hiện cơ chế hỗ trợ để hệ thống ngân hàng thương mại có thể giảm lãi suất cho vay trên diện rộng hơn, không giảm lãi suất cho vay cho các đối tượng bị ảnh hưởng trực tiếp từ dịch Covid-19.

Vấn đề ở đây là việc giảm lãi suất cho vay với các ngân hàng thương mại thời gian qua đã không hề dễ dàng. Do đó, các cơ quan quản lý phải có chính sách tác động đến các ngân hàng như thay đổi tỷ lệ dự trữ bắt buộc, giảm các khoản trích nộp của ngân hàng… để ngân hàng giảm lãi suất, thậm chí, Nhà nước còn phải thông qua các gói cứu trợ lãi suất, cấp bù lãi suất để tạo điều kiện cho mặt bằng lãi suất nói chung giảm xuống. Mặt bằng giảm xuống thì sẽ kích thích được các doanh nghiệp huy động được vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, tạo sự lan tỏa rộng rãi hơn. Bên cạnh việc thực hiện các gói hỗ trợ được tung ra thì các cơ quan quản lý phải kiểm soát luồng tiền, đảm bảo nguồn tín dụng này không “bơm” vào khu vực có sức hút về vốn như bất động sản, chứng khoán… khiến dòng tiền bị ứ đọng không phát huy đúng mục tiêu hỗ trợ.

Nếu tung ra các gói hỗ trợ kinh tế trực tiếp và gián tiếp như trên, ông đánh giá như thế nào về tình trạng bội chi ngân sách?

Tất nhiên, trong bối cảnh như vậy sẽ rất dễ xảy ra tình trạng bội chi ngân sách cao hơn bình thường và chúng ta phải chấp nhận tình trạng này trong những thời điểm cần thiết. Bởi hiện nay, giải ngân vốn đầu tư công còn chậm, nên không thể cắt giảm nguồn vốn từ đầu tư công để chuyển sang chi cho hỗ trợ kinh tế nên sẽ dẫn đến bội chi tăng. Tuy nhiên, với cách làm trên, việc hỗ trợ trực tiếp bằng tiền ngân sách không nhiều, chủ yếu hỗ trợ thông qua tín dụng và cơ chế giảm lãi suất. Hơn nữa, thực tế trong những năm qua, bội chi ngân sách không quá lớn, có chiều hướng giảm qua các năm nên trong bối cảnh năm nay, bội chi ngân sách nếu có tăng không phải vấn đề lớn.

Cùng với các phương thức hỗ trợ tăng trưởng kinh tế thông qua tài chính, theo ông, chúng ta cần phải thực hiện đồng bộ các giải pháp nào để giữ ổn định tăng trưởng?

Bên cạnh việc tạo điều kiện cho các doanh nghiệp có thêm nguồn lực để đầu tư, sản xuất, chúng ta phải có những giải pháp cụ thể, quyết tâm hơn nhằm tạo ra môi trường thuận lợi để thu hút đầu tư mới và đầu tư tăng thêm. Đây mới là giải pháp căn bản để giữ ổn định tăng trưởng. Bởi trong đợt dịch này, còn nhiều nhà đầu tư tư nhân các lĩnh vực khác ít bị ảnh hưởng nên tiềm lực còn rất lớn. Bên cạnh đó, sau đợt dịch, nhiều nhà đầu tư nước ngoài có thể sẽ nghĩ đến việc dịch chuyển đầu tư từ Trung Quốc, để tránh lệ thuộc vào một thị trường. Trong sự dịch chuyển này thì những nước khu vực lân cận Trung Quốc như Việt Nam sẽ được ưu tiên lựa chọn. Vì thế, Việt Nam cũng phải tận dụng cơ hội để thu hút những dự án đầu tư phù hợp, tạo ra giá trị gia tăng cao.

Xin cảm ơn ông!

Hương Dịu (thực hiện)

 

Tags: Nguồn Vốn Giá Rẻ Thị Trường Tăng Trưởng Evfta Cptpp Trung Quốc