Việt Nam làm hết sức mình thực hiện các cam kết với EU

Việt Nam làm hết sức mình thực hiện các cam kết với EU
Chiều 13-2, tại trụ sở Chính phủ, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã tiếp ông Pier Giorgio Aliberti, Đại sứ, Trưởng phái đoàn Liên minh châu Âu (EU) tại Việt Nam.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti. Ảnh: TTXVN
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc tiếp Đại sứ, Trưởng Phái đoàn Liên minh châu Âu tại Việt Nam Pier Giorgio Aliberti. Ảnh: TTXVN

Thủ tướng bày tỏ vui mừng khi Nghị viện châu Âu (EP) đã phê chuẩn Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) và Hiệp định Bảo hộ đầu tư Việt Nam - EU (EVIPA) với tỷ lệ phiếu thuận cao.

Đây là một sự kiện trọng đại của năm kỷ niệm 30 năm thiết lập quan hệ ngoại giao Việt Nam - EU. Thủ tướng khẳng định, Việt Nam sẽ làm hết sức mình để thực hiện các cam kết với EU; hai hiệp định này sẽ đem lại lợi ích nhân dân cả hai bên.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cho biết, Việt Nam quyết tâm thực thi hiệu quả EVFTA và EVIPA. Dự kiến, Quốc hội Việt Nam sẽ xem xét, phê chuẩn EVFTA và EVIPA vào kỳ họp tới. Ngay sau khi EVFTA có hiệu lực, Chính phủ Việt Nam sẽ sớm ban hành chương trình hành động quốc gia thực hiện hai Hiệp định với các nhiệm vụ, biện pháp đồng bộ, cụ thể và tổ chức triển khai nghiêm túc tới các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp.
Thủ tướng nêu rõ, trình độ phát triển của Việt Nam thấp hơn EU, do đó Việt Nam mong EU nhận thức rõ sự khác biệt này để hỗ trợ Việt Nam nâng cao năng lực thực thi hiệp định. Năm 2020, Việt Nam đảm nhiệm vai trò Chủ tịch ASEAN, đây cũng là cơ hội để thúc đẩy quan hệ EU - ASEAN. Việt Nam luôn ủng hộ và tạo mọi điều kiện cho các nhà đầu tư EU làm ăn thành công ở Việt Nam. Hiện quan hệ Việt Nam - EU đang phát triển tốt đẹp. EU là đối tác quan trọng hàng đầu của Việt Nam; là đối tác thương mại lớn thứ tư (sau Trung Quốc, Mỹ và Hàn Quốc), thị trường xuất khẩu lớn thứ hai (sau Mỹ) và nhà đầu tư lớn thứ năm của Việt Nam. Hai bên thường xuyên tiếp xúc cấp cao, tạo sự hiểu biết, tin cậy lẫn nhau, đưa quan hệ hợp tác đi vào chiều sâu, hiệu quả.
Đại sứ Pier Giorgio Aliberti cho rằng, số phiếu thuận cao cho thấy sự đánh giá tích cực của EU đối với Việt Nam; thể hiện lòng tin của EU đối với quá trình cải cách của Việt Nam. EU sẵn sàng đồng hành với Việt Nam trong quá trình này. Đại sứ tin tưởng Việt Nam sẽ nắm bắt được cơ hội này. EU cam kết sát cánh cùng Việt Nam để bảo đảm quá trình thực thi Hiệp định thành công. Theo Đại sứ, hai bên cần hợp tác trong quá trình thực thi, nâng cao nhận thức của người dân, doanh nghiệp về lợi ích của Hiệp định. EU sẽ nỗ lực để tuyên truyền cho các doanh nghiệp của 27 quốc gia thành viên hiểu được cơ hội này và cụ thể hóa bằng các hoạt động đầu tư tại Việt Nam...
Cùng ngày, Bộ Tài chính cho biết, để thực thi nghĩa vụ cam kết thuế của Việt Nam theo EVFTA, Bộ Tài chính sẽ xây dựng, trình Chính phủ ban hành nghị định biểu thuế xuất khẩu ưu đãi, biểu thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt; đồng thời có lộ trình cắt giảm thuế xuất khẩu ưu đãi, thuế nhập khẩu ưu đãi đặc biệt. Theo cam kết mở cửa thị trường hàng hóa của Việt Nam, về biểu thuế nhập khẩu, Việt Nam cam kết sẽ xóa bỏ thuế nhập khẩu ngay khi hiệp định có hiệu lực với 48,5% số dòng thuế, tương đương 64,5% kim ngạch nhập khẩu từ EU, và sau 10 năm là khoảng 99% số dòng thuế, tương đương 99,8% kim ngạch nhập khẩu từ EU. Đối với số dòng thuế còn lại, Việt Nam sẽ có lộ trình trên 10 năm hoặc dành ưu đãi cho EU trên cơ sở hạn ngạch thuế quan của WTO.
Lộ trình cam kết xóa bỏ thuế nhập khẩu đối với một số nhóm mặt hàng chính của Việt Nam như: ô tô (sau 9 năm đối với ô tô phân khối lớn trên 3.000cc cho động cơ xăng và trên 2.500cc cho động cơ diesel, 10 năm đối với các loại ô tô còn lại); linh kiện, phụ tùng ô tô (tối đa 7 năm); hóa chất (tối đa 7 năm); đồ uống có cồn (tối đa 10 năm); thịt bò (3 năm), thịt heo đông lạnh (7 năm), thịt gà (10 năm); sữa và sản phẩm sữa (3-5 năm); cá và các sản phẩm cá (3-7 năm); thuốc lá, xì gà (15 năm); máy móc thiết bị (tối đa 7 năm)... Về cam kết thuế xuất khẩu, Việt Nam cam kết xóa bỏ thuế xuất khẩu với hàng hóa xuất khẩu sang EU với lộ trình lên đến 15 năm, trừ những mặt hàng được duy trì thuế xuất khẩu, tập trung vào một số nhóm hàng như: dầu thô, than đá (trừ than để luyện cốc và than cốc)...

PHAN THẢO - QUANG MINH

 

Tags: Than Cốc Thuế Xuất Khẩu Nghị Viện Châu Âu Biểu Thuế Kim Ngạch Nhập Khẩu Liên Minh Châu Âu Quốc Hội Việt Nam Phụ Tùng Ôtô Pier Giorgio Aliberti Đại Sứ Evfta Asean Trung Quốc Mỹ