Thế nhưng, đây đang là bài toán khó đối với nhà điều hành khi mà áp lực lạm phát vẫn đang có nguy cơ bùng phát, dù giá xăng dầu đã giảm mạnh.
Doanh nghiệp kêu cứu
Dịch COVID-19 đã và đang tác động tiêu cực đến nhiều ngành nghề, qua đó ảnh hưởng tới mục tiêu tăng trưởng GDP 6,8% trong năm nay. TS. Cấn Văn Lực và nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa đưa ra 3 kịch bản tác động của dịch COVID-19 đến nền kinh tế Việt Nam. Trong đó với kịch bản cơ sở, GDP năm 2020 của Việt Nam giảm khoảng 0,83 điểm phần trăm; còn với kịch bản tiêu cực, GDP cả năm nay giảm tới 2,71 điểm phần trăm.
Trước thực trạng trên, nhiều Hiệp hội đã lên tiếng kiến nghị các Bộ, ngành chức năng hỗ trợ doanh nghiệp khắc phục thiệt hại do dịch COVID-19. Đơn cử Hiệp hội Nhựa Việt Nam (VPA) vừa có công văn gửi đến các Bộ Tài chính, Bộ Công thương… đề nghị hỗ trợ các doanh nghiệp ngành nhựa trong thời điểm COVID-19 tiếp tục diễn biến phức tạp. Theo đó, hiện không ít doanh nghiệp ngành nhựa nhập đa phần nguyên, phụ liệu đầu vào từ Trung Quốc. Nếu tình hình kéo dài đến hết quý 1/2020 thì sẽ không có nguyên liệu sản xuất, khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của nhiều doanh nghiệp có nguy cơ bị đình trệ… Bởi vậy, VPA kiến nghị xem xét cơ chế hỗ trợ doanh nghiệp trước tác động của dịch bệnh như cho phép khoanh nợ, giãn nợ, giảm lãi suất vay, cơ cấu các khoản vay, giãn tiến độ nộp thuế...
Trong khi đó Hiệp hội Doanh nghiệp TP.HCM cũng đề nghị TP.HCM áp dụng các biện pháp khoanh nợ, giãn nợ, chậm nộp thuế, giảm lãi vay ngân hàng, giảm tiền cho thuê đất, bổ sung ngành nghề vào chương trình kích cầu… để hỗ trợ doanh nghiệp.
Thậm chí đã xuất hiện nhiều ý kiến đề nghị NHNN nên nới lỏng tiền tệ để hỗ trợ nền kinh tế và cộng đồng doanh nghiệp vượt qua những khó khăn hiện nay. Đơn cử như một trong 6 giải pháp ngắn hạn mà TS. Cấn Văn lực và nhóm nghiên cứu kiến nghị để hỗ trợ nền kinh tế đó là “tính đến phương án phải nới lỏng nhẹ tiền tệ và tài khóa”.
Thế khó của cơ quan điều hành
Nhiều chuyên gia cho rằng, nới lỏng tiền tệ đang là bài toán khó đối với NHNN và chưa chắc đã phát huy hiệu quả trong bối cảnh hiện nay. Bởi nới lỏng tiền tệ thường được biểu hiện qua việc tăng cung tiền, tăng tín dụng và giảm lãi suất.
Tuy nhiên, việc tăng tín dụng xem ra khá khó bởi hiện tổng dư nợ tín dụng đối với nền kinh tế đã ở trên 135% GDP- một mức rất cao trong khu vực. Nếu tiếp tục đẩy tín dụng tăng nhanh, sẽ gây nhiều rủi ro đến hệ thống tài chính và tiềm ẩn nguy cơ bất ổn kinh tế vĩ mô. Bởi dịch COVID-19 đã khiến nhu cầu tiêu dùng giảm mạnh, nếu tiếp tục kích cầu, nền kinh tế sẽ không hấp thụ được, khiến dòng vốn chảy sang các kênh đầu tư rủi ro, như chứng khoán, bất động sản…
Còn với lãi suất cho vay, theo TS. Nguyễn Đức Độ - Phó Viện trưởng Viện Kinh tế - Tài chính, mặt bằng lãi suất hiện nay cũng đang ở mức thấp; cân đối với chi phí huy động và chi phí vận hành thì thực tế ngân hàng không còn nhiều dư địa để giảm lãi vay.
Chưa kể, hiện các ngân hàng vẫn đang chịu áp lực lớn trong việc huy động vốn trung- dài hạn. Đó chính là lý do mà hiện lãi suất huy động trung- dài hạn vẫn được các nhà băng neo ở mức rất cao, phần nhiều là trên 8% đối với kỳ hạn trên 18 tháng.
Trong khi đó, dù giá xăng dầu giảm, nhưng giá cả nhiều mặt hàng tiêu dùng tăng mạnh do dịch COVID-19, có nguy cơ đẩy lạm phát tăng cao, đây là một trở ngại lớn đối với việc giảm lãi suất. Theo Tổng cục Thống kê, CPI tháng 1/2020 tăng 6,43% so với cùng kỳ năm 2019, mức tăng cao nhất trong 7 năm gần đây, trong đó có phần “đóng góp” khá lớn của tiền tệ khi mà lạm phát cơ bản cũng tăng tương ứng là 0,76% và 3,25%.
Do đó, nhiều chuyên gia cho rằng, NHNN không nên nới lỏng tiền tệ quá mức, mà chỉ nên tập trung hỗ trợ đối với các doanh nghiệp chịu ảnh hưởng trực tiếp từ dịch COVID-19 và một số lĩnh vực ưu tiên để góp phần đảm bảo ổn định kinh tế vĩ mô.
Hà Anh