Các đồng tiền ở châu Á đã giảm giá trong ngày 24/2 sau khi virus crorona SARS-CoV-2 lây lan nhanh bên ngoài Trung Quốc gây lo ngại về sự bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp COVID-19 và giới đầu tư đổ xô vào vàng và đồng USD để đảm bảo an toàn.
Các đồng nội tệ của Trung Quốc, Australia, New Zealand, Singapore và Đài Loan (Trung Quốc) đều có chiều hướng giảm giá, trong đó đồng AUD (Australia) ghi nhận mức thấp mới trong vòng 11 năm qua. Đồng won của Hàn Quốc cũng giảm gần 1%, xuống mức thấp nhất trong vòng 6 tháng qua.
Trong khi đó, bất ổn chính trị tại Malaysia đã gây áp lực lên đồng nội tệ nước này và khiến đồng ringgit giảm 0,6%, xuống mức thấp nhất kể từ tháng 9/2019. Đồng yen của Nhật Bản sau khi phục hồi nhẹ vào cuối tuần trước, hiện đang giao dịch không đổi ở mức 111,55 yen/USD do các nhà đầu tư châu Á lo ngại tính an toàn của đồng tiền này trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp tại Nhật Bản.
Các nhà phân tích thuộc Ngân hàng Barclays của Anh cho biết phản ứng của các thị trường đối với dịch bệnh COVID-19 đang phân biệt các đồng tiền "dễ nhiễm virus" với các đồng tiền còn lại. Theo đó, tài sản được định giá bằng đồng USD có sức hấp dẫn. Các chuyên gia nhận định trên thực tế COVID-19 không tác động đến tăng trưởng của Mỹ vì nước này có ít ca nhiễm và mức độ phụ thuộc vào kinh tế Trung Quốc thấp. Hiện đồng USD đang tăng giá trở lại, theo đó, tỷ giá so với đồng euro ổn định ở mức 1,0827 USD đổi 1 euro và đồng bảng Anh ở mức 1,2946 USD đổi 1 bảng.
Theo số liệu của Ủy ban y tế quốc gia Trung Quốc (NHC), trong ngày 23/2, tại Trung Quốc đại lục có 409 ca nhiễm mới và 150 ca tử vong do COVID-19. NHC cho biết số ca nhiễm mới tại Trung Quốc đại lục trong ngày 23/2 đã giảm so với 648 ca trong ngày 22/2. Ngoài ra, ngày 23/2 cũng là ngày thứ 6 liên tiếp tỷ lệ khỏi bệnh và được xuất viện tính trong một ngày nhiều hơn số ca nhiễm mới ở Trung Quốc đại lục. Tuy nhiên, số ca mắc bệnh tại Italy, Hàn Quốc và Iran lại tăng mạnh cuối tuần qua. Tính đến sáng 24/2, Hàn Quốc ghi nhận 763 ca nhiễm, theo đó Hàn Quốc trở thành nước có tổng số ca nhiễm cao nhất bên ngoài Trung Quốc. Trong khi đó, Italy có hơn 150 người nhiễm và Iran hơn 40 ca. Tổ chức Y tế thế giới (WHO) bày tỏ quan ngại về số ca nhiễm tăng không có mối liên hệ rõ ràng với tâm dịch ở Trung Quốc.