Carlos Ghosn, cựu chủ tịch của Nissan và Renault - Ảnh: Nikkei.
Theo tin từ tờ Nikkei Asian Review, Carlos Ghosn, cựu chủ tịch của Renault, đang kiện hãng xe Pháp ra tòa để đòi khoản lương hưu 250.000 Euro. Đây là một trong nhiều vụ kiện mà Ghosn đang thực hiện nhằm lấy lại số tiền bị tịch thu kể từ khi ông bị bắt tại Nhật vào năm 2018.
Theo đơn kiện đệ lên toà án lao động Pháp trước cuộc đào tẩu khỏi Nhật của Ghosn, các luật sư của ông nói rằng ông đáng được hưởng số tiền hưu trí này dù đã nộp đơn từ chức chủ tịch Renault vào tháng 1/2019 khi đang bị giam giữ tại Nhật.
Một đơn kiện khác, dự kiến sẽ được các luật sư của Ghosn đệ trình lên toà án thương mại Pháp trong tháng này, nói rằng ông phải được hưởng một khoản lương hưu trị giá 770.000 Euro một năm, cũng như số cổ phần trị giá 15 triệu Euro đáng lẽ phải ông phải sẽ được nhận nếu còn làm việc tại Renault.
Ghosn, cũng là cựu chủ tịch của hãng xe Nhật Nissan, bị bắt tại sân bay Haneda ở Tokyo vào tháng 11/2018. Sau khi trốn khỏi Nhật vào cuối tháng 12/2019, ông đã tổ chức một buổi họp báo tại Beirut, Lebanon vào tuần trước. Tại đây, ông thề sẽ lấy lại thanh danh của mình và chống lại những cáo buộc từ phía các công tố viên của Nhật nói rằng ông khai giảm thu nhập tại Nissan và sử dụng sai mục đích ngân quỹ của công ty này.
Với vụ kiện Renalt lên toà án lao động Pháp, Ghosn đang quay lưng với công ty mà ông đã điều hành suốt hai thập kỷ. Ông cũng đã giúp đưa Renault trở thành một trong những hãng ôtô lớn nhất thế giới với liên minh Renault - Nissan - Mitsubishi.
Theo Nikkei Asian Review, đơn kiện lên toà án lao động của Ghosn tập trung vào vai trò nhân viên Renault của ông, chứ không phải vị trí CEO kiêm chủ tịch. Các luật sư của Ghosn khẳng định ông nên được đối xử như một nhân viên, theo đó chi trả cho ông khoản lương hưu trên, bởi vì ông đã từ chức chủ tịch, CEO vào tháng 1 năm ngoái. Trong khi đó, phía Renault khẳng định Ghosn sẽ không được hưởng khoản tiền này.
Còn đơn kiện lên toà án thương mại sẽ tập trung vào đơn từ chức được gửi lên hội đồng quản trị Renault có chữ ký Ghosn khi ông đang bị giam giữ ở Nhật. Trong đơn này, Ghosn từ bỏ tiền lương hưu và các khoản thưởng cổ phiếu trong tương lai. Các luật sư của Ghosn nói rằng các nhà chức trách của Nhật đã ép ông ký vào đơn từ chức này và ông cũng bị ép buộc từ bỏ các vị trí tại Renault của mình bởi không không thể tham gia các cuộc họp của công ty.
Đơn kiện này dự kiến được đưa ra xét xử vào cuối tháng 2 tới và Ghosn không bắt buộc phải có mặt.
Cựu chủ tịch Renault cho biết ông sẵn sàng đứng ra trước toà tại bất kỳ quốc gia có thể cho ông sự xét xử công bằng. Hiện tại, ông đang bị Lebanon cấm xuất cảnh.
Trong lần xuất hiện đầu tiên trước công chúng kể từ khi đào tẩu khỏi Nhật vào tuần trước, Ghosn nói rằng mình đã bị đối xử "một cách thô bạo" ở Nhật - đất nước mà ông đã cống hiến hàng thập kỷ, trong đó có việc cứu hãng xe Nissan khỏi bờ vực phá sản và vực dậy công ty này với liên minh hợp tác với Renault.
Liên minh giữa hai công ty này được cho là đang suy yếu kể từ khi Ghosn bị bắt. Theo tờ Financial Times, các giám đốc cấp cao của Nissan đã chuẩn bị một kế hoạch dự phòng để tách ra khỏi liên minh với hãng xe Pháp. Giá cổ phiếu Renault lập tức sụt 3%, còn cổ phiếu Nissan giảm 1% sau thông tin này.
"Chúng tôi tin rằng quan hệ giữa Renault-Nissan và liên minh giữa hai công ty này đã đổ vỡ và khó có thể hàn gắn được", Arndt Ellinghorst, nhà phân tích trưởng về ôtô tại Evercore ISI, cho biết ngày 14/1.
Minh Nhật